Hàng Tết về nông thôn: Tạo thói quen tiêu dùng hàng Việt

01/01/2025 10:09 AM

(Chinhphu.vn) - Ngoài việc dự trữ hàng hóa phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, TP. Hà Nội cũng đang tích cực đưa hàng hóa về tận tay người tiêu dùng, đặc biệt ưu tiên bà con ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; qua đó, tạo thói quen tiêu dùng hàng Việt.

Hàng Tết về nông thôn: Tạo thói quen tiêu dùng hàng Việt- Ảnh 1.

Người dân ngoại thành háo hức mua sắm hàng hóa tại các hội chợ hàng Việt. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Háo hức mua sắm hàng Tết

Thông thường, khoảng 2-3 tuần trước Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối bắt đầu đưa các chuyến hàng Việt về khu vực nông thôn. Đối với vùng sâu, vùng xa và khu công nghiệp, các chuyến hàng thường tổ chức sát với ngày người lao động bắt đầu nghỉ Tết và kéo dài khoảng 4-5 ngày.

Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân nông thôn, nhất là trong các dịp lễ, Tết, hằng năm, Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, phối hợp với các huyện, thị xã khảo sát, tổ chức các điểm bán hàng phục vụ người dân. Sản phẩm được bày bán đều là hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các nhóm hàng bình ổn giá…

Để hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn, TP. Hà Nội chỉ đạo chính quyền các huyện tạo điều kiện về mặt bằng, bảo đảm công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các điểm tổ chức bán hàng. Bên cạnh đó, Sở Công Thương phối hợp với các địa phương, ban quản lý các khu công nghiệp tạo điều kiện bố trí, giới thiệu địa điểm phát triển mạng lưới bán lẻ cố định... Sở cũng tham mưu Thành phố có cơ chế, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp duy trì các điểm bán lẻ tại khu vực ngoại thành phục vụ người tiêu dùng.

Thông qua việc đưa hàng Việt về nông thôn, không chỉ tạo ra sự tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp và người dân khu vực nông thôn, mà còn giúp chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của người tiêu dùng, góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng Việt.

Chị Nguyễn Thị Mùi (huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội) cho biết, ở vùng ngoại thành thường không có nhiều các sự kiện, cho nên các hội chợ, phiên chợ phục vụ Tết không chỉ là dịp để bà con tham quan, mua sắm hàng hóa mà còn là dịp để vui chơi, giải trí. "Hàng hóa ở các hội chợ Tết đa dạng, tuy giá một vài mặt hàng có thể nhỉnh hơn ngoài chợ một chút, nhưng chúng tôi lại khá yên tâm về nguồn gốc, chất lượng. Mọi người có thể sắm đầy đủ cho gia đình một cái Tết mà không phải vất vả đi nhiều nơi", chị Mùi chia sẻ.

Nếu trước đây, người dân khu vực nông thôn thường chọn mua những mặt hàng gia công, không ghi rõ hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ, địa chỉ nhà sản xuất thì nay, hầu hết người tiêu dùng đã nhận thức được sự nguy hiểm, bất lợi khi sử dụng các loại hàng hóa này, bắt đầu hướng đến việc lựa chọn các sản phẩm trong nước và của những hãng sản xuất có tên tuổi. Bác Hà Thị Vân, ở xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cho biết:"Từ khi có chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, người dân ở đây rất vui, nhiều người đến tìm hiểu sản phẩm, rồi mua về dùng. Bây giờ hàng Việt có chất lượng rất tốt và giá cả hợp túi tiền của mình nên dễ mua".

Bà Đỗ Thị Lan, ở xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì cho biết: "Tôi ít có điều kiện đi siêu thị hoặc vào trung tâm thành phố mua sắm, thường phải mua hàng ở chợ gần nhà hoặc các đại lý, nhiều khi cảm thấy không yên tâm về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng. Nhiều năm gần đây, tôi thấy các doanh nghiệp hay về tổ chức chợ Tết, chợ Xuân, đây là hoạt động thiết thực, cho nên tôi và nhiều người dân rất hào hứng".

Cơ hội tiếp cận nguồn hàng chất lượng

Hàng Tết về nông thôn: Tạo thói quen tiêu dùng hàng Việt- Ảnh 2.

Người dân nông thôn phấn khởi sắm hàng hóa chuẩn bị cho dịp Tết. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, trong công tác bảo đảm hàng hóa Tết, Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sơ sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất, bảo đảm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn Thành phố; các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu có kế hoạch khai thác nguồn hàng hợp lý, tổ chức các điểm bán hàng, bảo đảm đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định phục vụ nhân dân; tổ chức triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.

Sở cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh thương mại trên địa bàn chủ động kết nối, khai thác hàng hoá nông sản, thực phẩm, các mặt hàng đặc sản truyền thống của các tỉnh, đa dạng hóa mặt hàng (ưu tiên đối với hàng Việt Nam) phục vụ nhu cầu thị trường Hà Nội trong dịp cuối năm, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025, không để đứt hàng, khan hàng khiến giá cả bị đẩy lên cao.

Ngoài ra, Sở Công Thương sẽ triển khai tổ chức các chương trình, hoạt động, sự kiện kích cầu mua sắm phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: Tổ chức các điểm bán hàng, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán; tổ chức các chợ hoa Xuân phục vụ Tết.

Theo đó, sẽ có hơn 30 hội chợ, tuần hàng giới thiệu sản phẩm,…phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp.

Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối tiêu thụ trái cây, nông sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố và các tỉnh, thành phố để tạo nguồn cung hàng hóa ổn định phục vụ đầy đủ nhu cầu người dân dịp cuối năm và Tết Ất Tỵ. Dự kiến mỗi sự kiện sẽ thu hút trên 100 gian hàng, với đa dạng sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu thị trường Tết từ các đơn vị tham gia.

Để tăng hiệu quả của chương trình đưa hàng Tết, hàng Việt về nông thôn, các khu công nghiệp, bà Nguyễn Kiều Oanh cho biết, bên cạnh các chuyến hàng lưu động, doanh nghiệp rất cần được tạo điều kiện, hỗ trợ về cơ chế, chính sách để phát triển điểm bán cố định tại địa phương. Đặc biệt, không thể thiếu sự liên kết hiệu quả giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, giúp các doanh nghiệp khai thác nguồn hàng đa dạng, với chất lượng và giá cả hợp lý từ các địa phương để đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.

"Việc đưa hàng Tết về khu vực ngoại thành sẽ góp phần giúp người dân khu vực xa trung tâm có cơ hội tiếp cận nguồn hàng chất lượng, an toàn với mức giá phù hợp. Ðồng thời, từng bước gắn kết người tiêu dùng với các doanh nghiệp trong nước, thực hiện tốt cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", bà Nguyễn Kiều Oanh nhấn mạnh.

Cùng với việc chuẩn bị đủ nguồn cung, đưa hàng Việt về nông thôn, Sở sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại; thực hiện các quy định về đăng ký giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trước, trong và sau Tết;

Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, cơ sở giết mổ…Việc kiểm tra kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, không gây cản trở đến lưu thông hàng hóa.

Tết đến, ai cũng muốn gia đình có một cái Tết đầy đủ, sung túc và người dân đang dần tin tưởng vào chất lượng, giá cả các mặt hàng mang thương hiệu Việt. Do đó, cùng với việc quảng bá sâu, rộng hơn nữa thương hiệu hàng hóa Việt đến với người dân Thủ đô, các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất hàng hóa cần giữ vững uy tín, trách nhiệm và có thêm nhiều hơn những chuyến hàng Việt về với người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Diệu Anh

Top