Nguồn hàng Tết phong phú, dồi dào

09/01/2023 12:44 PM

(Chinhphu.vn) - Chỉ còn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, không khí mua sắm tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng… trên địa bàn TP. Hà Nội đã bắt đầu nhộn nhịp. Các quầy hàng trong siêu thị, cửa hàng, chợ đầy ắp hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của người dân.

Nguồn hàng Tết dồi dào - Ảnh 1.

Hàng Tết dồi dào đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Ảnh: VGP/Bích Phương

Giám đốc vận hành hệ thống bán lẻ WinMart Nguyễn Trọng Tuấn cho biết, để phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích WinMart/WinMart+ tăng lượng hàng từ 20-30%. Riêng nhóm hàng có sức mua cao như hàng tươi sống, bánh kẹo, đồ uống, hệ thống WinMart/WinMart+ tăng cung ứng 20% so với cùng kỳ năm 2022.

Hệ thống siêu thị Aeon cũng dự báo sức mua tăng 10%-20% trong thời điểm cận Tết nên đã chuẩn bị lượng hàng hóa lớn, đa dạng, bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị Aeon còn đàm phán với các nhà cung cấp để không tăng giá hàng hóa.

Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hapro Đỗ Tuệ Tâm, tổng lượng hàng hóa dự trữ của Hapro xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, trong đó có 8 nhóm hàng theo chương trình bình ổn thị trường của thành phố như: Gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, thủy hải sản, dầu ăn, rau củ, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo…

Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân (đơn vị quản lý chợ Đồng Xuân - Bắc Qua) Hà Thị Minh thông tin, hiện lượng hàng hóa về chợ tăng 1,5 lần so với ngày thường, tập trung với nhóm hàng bánh, mứt, kẹo, đồ khô… với mức giá không có biến động lớn.

Đại diện hệ thống thực phẩm sạch Bác Tôm cho hay, hiện sức mua hàng khô như miến, măng, mộc nhĩ… đã tăng mạnh. Từ sau ngày 20 tháng Chạp, nhiều người sẽ mua hàng tươi sống.

Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn tăng 15%-30% tùy từng mặt hàng. Do đó, Thành phố đã triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu từ tháng 5/2022 đến hết tháng 6/2023 với sự tham gia của 32 đơn vị sản xuất, kinh doanh; cung ứng hàng hóa tới hơn 12.000 điểm trên toàn TP. Hà Nội. Tổng lượng hàng hóa giá trị khoảng 39.500 tỷ đồng sẽ được đưa ra thị trường, phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân (tăng 15% với năm ngoái).

Bên cạnh bảo đảm nguồn cung, ổn định giá hàng hóa, nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng đã được triển khai. Chẳng hạn, hệ thống siêu thị Aeon ưu đãi 15%-30% các mặt hàng thực phẩm tươi sống (thịt bò, thịt lợn, gia cầm, rau củ, trái cây...), thực phẩm chế biến (bánh chưng, giò, chả...), thực phẩm khô (đồ hộp, các loại hạt, bánh kẹo, nước giải khát…). Hệ thống siêu thị Co.opmart chiết khấu 15% cho hơn 3 triệu giỏ quà Tết; giảm giá đến 50% cho hơn 12.000 nhu yếu phẩm, đặc sản Tết.

Để phục vụ tốt nhất nhu cầu người dân, các nhà bán lẻ cũng đẩy mạnh bán hàng qua kênh trực tuyến, thanh toán điện tử, tăng nhân lực phục vụ, mở rộng số quầy thanh toán. Dịp này, nhiều siêu thị mở cửa từ 6h, 7h sáng, kéo dài tới 22h, 23h khuya và phục vụ đến chiều 30 Tết, đồng thời mở cửa ngay từ mùng 1 Tết. Kể từ mùng 4 Tết các doanh nghiệp bán lẻ đều cam kết mở cửa bình thường.

Đối với các chợ truyền thống, nơi cung cấp 70% lượng hàng hóa, Sở Công Thương Hà Nội tập trung kiểm soát việc bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, niêm yết và bán hàng đúng giá niêm yết…

Bích Phương

Top