Hàng Việt dần chiếm ưu thế tại các kênh phân phối

18/10/2023 11:10 AM

(Chinhphu.vn) - Chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp…, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng, hàng nông sản chất lượng cao đang ngày được người tiêu dùng lựa chọn và tin dùng, điều này khẳng định vị thế và chỗ đứng vững chắc của hàng Việt ngay trên sân nhà.

Hàng Việt dần chiếm ưu thế tại các kênh phân phối - Ảnh 1.

Hàng Việt chiếm tỷ lệ 90-95% tại các siêu thị. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Hơn 80% hàng hóa và dịch vụ Việt được người dân lựa chọn

Thời gian qua, dù chịu sức ép cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập ngoại nhưng hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất trong nước ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường nhờ chất lượng không ngừng được cải thiện, giá bán hợp lý, cùng sự hỗ trợ đặc biệt của hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại và các chợ truyền thống.

Ngoài ra, các chương trình khuyến mãi hấp dẫn diễn ra quanh năm của các hệ thống bán lẻ dành riêng cho hàng hóa nội địa cũng góp phần tạo thói quen sử dụng hàng Việt trong đông đảo tầng lớp nhân dân.

Khảo sát của Sở Công Thương tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Co.opmart, Winmart, Hapro… cho thấy hàng Việt chiếm tỷ lệ 90-95%. Còn tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài như AEON, Mega Market, Big C, hàng Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ 60-96%. Tại kênh phân phối là các chợ, cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng chiếm từ 60% trở lên.

Là tập đoàn bán lẻ đến từ Nhật Bản nhưng các sản phẩm tại hệ thống siêu thị AEON Việt Nam chủ yếu là từ các nhà cung cấp nội địa, trong đó hàng Việt chiếm khoảng 80%, hàng nhập khẩu chiếm tỷ lệ khá thấp và chủ yếu nằm trong nhóm hàng thực phẩm. Đối với các sản phẩm thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả… đa phần đều là hàng Việt, chỉ có 5-10% là hàng nhập khẩu.

Tại chuỗi siêu thị WinMart/WinMart+, tỷ trọng hàng Việt cũng luôn được duy trì đạt mức từ 80-90% số lượng, chủng loại hàng hóa; trong đó doanh thu từ các mặt hàng nông sản chiếm trên 30%.

Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam (doanh nghiệp quản lý, vận hành chuỗi siêu thị GO!/Big C) Nguyễn Thị Bích Vân cho biết Central Retail luôn đánh giá cao vai trò của hàng Việt Nam trong cơ cấu hàng hóa tại hệ thống siêu thị của đơn vị. Hiện hệ thống siêu thị Big C có khoảng 45.000 mã hàng hóa, trong đó tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 90%.

Còn theo Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội (quận Hà Đông) Nguyễn Thị Kim Dung, nhiều năm qua Saigon Co.op (đơn vị quản lý mạng lưới siêu thị Co.opmart, Co.op Food, Co.opXtra…) luôn ưu tiên mua hàng, bố trí diện tích, vị trí trưng bày, truyền thông, khuyến mại… dành cho hàng Việt. Ngoài ra, Saigon Co.op còn phối hợp với địa phương hỗ trợ vốn, kỹ thuật để doanh nghiệp cung ứng đầu tư sản xuất các mặt hàng chất lượng cao cho hệ thống Co.opmart.

Doanh số bán hàng tại các siêu thị cho thấy hơn 80% hàng hóa và dịch vụ thương hiệu Việt được người dân trên địa bàn lựa chọn đã khẳng định niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt.

Mở ra nhiều cơ hội cho hàng Việt

Điều dễ nhận thấy trong thời gian qua là sự chuyển mình của các kênh phân phối, bán lẻ, các doanh nghiệp trong nước liên tục được đầu tư, mở rộng mạng lưới, gia tăng chất lượng phục vụ người tiêu dùng.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, hiện thị trường trong nước đã tổ chức được những mạng lưới để cung ứng hàng hóa đến 100 triệu người dân Việt Nam.

Đặc biệt, sau khi Chiến lược phát triển thị trường trong nước đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt thì nhiệm vụ hiện đại hóa hạ tầng thương mại ở thị trường trong nước đã rất được quan tâm.

"Nhiều doanh nghiệp nước ngoài liên tục đăng ký để đầu tư vào Việt Nam cũng như mở chuỗi cung ứng hàng hoá. Trong số đó, nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài rất quan tâm, đến việc hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa tại nước sở tại, đóng góp cho cộng đồng," bà Nga cho hay.

Trong chiến lược dài hạn, Tập đoàn AEON xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai, chỉ sau Nhật Bản, để đẩy mạnh đầu tư. Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam cho biết, AEON sẽ tiếp tục tập trung vào việc tăng số lượng các trung tâm mua sắm lớn.

Cùng đó, để đáp ứng sự thay đổi trong nhu cầu của khách hàng, doanh nghiệp sẽ thử nghiệm các mô hình mới, như: siêu thị quy mô vừa, các siêu thị quy mô nhỏ với thương hiệu MaxValu.

Ngoài ra, AEON Việt Nam còn đẩy mạnh phát triển sản phẩm nhãn hàng riêng sản xuất tại Việt Nam theo tiêu chuẩn AEON, nhằm cung cấp cho khách hàng các sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý, góp phần ổn định chuỗi cung ứng và hỗ trợ nâng cao năng lực của nhà cung cấp.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, để khẳng định được chỗ đứng tại thị trường trong nước, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho hàng Việt, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, nâng cao khả năng quản lý trên các mô hình công nghệ số thông qua việc ứng dụng thương mại điện tử;

Đồng thời, tăng năng suất lao động, hạ giá thành nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, đa dạng mẫu mã để đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng và ngày càng cao của người tiêu dùng.

Nhằm gia tăng thị phần, bà Lan cũng khuyến nghị các doanh nghiệp làm tốt hơn nữa việc cung cấp thông tin về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, dịch vụ để người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu, tiếp cận..., từ đó tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng, góp phần tăng doanh thu, tăng thị phần và vị thế của doanh nghiệp trên thị trường trong nước lẫn quốc tế.

Thùy Linh

Top