Trách nhiệm của người dân với hàng Việt được nâng lên
(Chinhphu.vn) - Nhằm góp phần thiết thực vào công tác phục hồi, phát triển kinh tế, Sở Công Thương cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức các hoạt động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hướng về cơ sở nhiều hơn. Thông qua đó, tình cảm, trách nhiệm của người dân đối với hàng Việt Nam được nâng lên.
Tổ chức thành công nhiều chương trình, hội chợ, tuần hàng Việt
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Ban Chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể đã tập trung chỉ đạo toàn diện công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả. Thông qua đó, tạo sức lan tỏa, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam nói chung, của Thủ đô nói riêng.
Các ngành, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng; góp phần tích cực vào việc kích cầu tiêu dùng nội địa; tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển của Thủ đô trong quá trình hội nhập kinh tế.
Triển khai thực hiện Cuộc vận động, TP. Hà Nội và các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã tổ chức thành công nhiều chương trình, hội chợ, tuần hàng Việt giới thiệu, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP. Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã đã phối hợp các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp tổ chức các hội chợ hàng Việt, phiên chợ hàng Việt, chợ hoa xuân, các chuyến đưa hàng về vùng xa trung tâm.
Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động về liên kết vùng, hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, nguyên liệu đầu vào giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố giúp người dân Thủ đô tiếp cận nhiều sản phẩm các vùng miền, có chất lượng.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, ngành du lịch Thủ đô đã xây dựng kế hoạch và triển khai chương trình bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" đến các công ty du lịch trên địa bàn. Qua triển khai, ngành du lịch Thủ đô đạt được kết quả tích cực, với lượng khách nội địa tăng hơn 20%, khách quốc tế tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm trước.
"Con số này tiếp tục khẳng định việc triển khai các chương trình, các nội dung của Cuộc vận động đã đạt kết quả như mong muốn. Từ nay đến cuối năm 2023, ngành sẽ tập trung triển khai đầy đủ nội dung của Ban chỉ đạo, đẩy mạnh chuyển đổi số để tạo sự khác biệt trong công tác du lịch", ông Hiếu thông tin.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thanh Oai cho hay, với đặc thù là huyện ngoại thành, hoạt động của doanh nghiệp còn hạn chế, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ nên ngay từ đầu năm 2023, huyện Thanh Oai đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm hoạt động. Trong bối cảnh khó khăn chung ở trong nước và thế giới, Ban chỉ đạo Cuộc vận động huyện xác định công tác tuyên truyền chính là mũi nhọn để bà con sử dụng hàng Việt Nam. Nhờ tuyên truyền tốt, đến nay, hơn 90% bà con trong huyện sử dụng và tin dùng hàng Việt.
Ở góc độ khác, bà Nguyễn Xuân Diệp, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hai Bà Trưng cho rằng, Hai Bà Trưng là quận nội thành, quận không có sản phẩm truyền thống nhưng dân cư đông đúc, nhiều chợ, nhiều trung tâm thương mại. Vì vậy, lượng tiêu dùng hàng hóa của quận đứng đầu trong khối quận, huyện trên toàn Thành phố.
Với đặc thù như vậy nên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động đã thực hiện nhiều mô hình dễ hoạt động để tham gia kích cầu tiêu dùng cũng như định hướng cho người tiêu dùng sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao. Để đạt được kết quả đó, ngay từ đầu năm 2023, MTTQ quận và Ban Chỉ đạo quận đã tham mưu cho cấp ủy; tham mưu cho Ban vận động kiện toàn kế hoạch hoạt động trong cả năm.
Cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền
Để đóng góp thiết thực vào công tác phục hồi, phát triển kinh tế, các hoạt động của cuộc vận động đã hướng về cơ sở nhiều hơn. Cụ thể là hằng tuần, hằng tháng, Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến, Sở du lịch, Sở NN&PTNT đều hướng hoạt động về cơ sở, tổ chức ở cơ sở, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Thông qua đó, tình cảm, trách nhiệm của người dân đối với hàng Việt Nam được nâng lên.
Trong đó, nhiều mô hình điển hình trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chăm lo đời sống của người lao động trong doanh nghiệp đã được quan tâm và tác động thường xuyên. UBND thành phố Hà Nội cũng có nhiều cơ chế để doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo duy trì sản xuất, đảm bảo phúc lợi xã hội. Bên cạnh đó, việc đối thoại của lãnh đạo thành phố cũng được duy trì đều đặn, thường xuyên...
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương, về nội dung, phương thức hoạt động và tổ chức thực hiện cuộc vận động ở một số đơn vị chưa thật sự phong phú, chưa có hoạt động mới cũng như việc chuyển đổi số trong thực hiện cuộc vận động chưa rõ nét. Chính quyền cơ sở tại nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm rõ nét đến cuộc vận động. Do đó, ban chỉ đạo các quận, huyện phải lưu ý.
Để tiếp tục thực hiện tốt hơn Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", bà Nguyễn Lan Hương đề nghị, trong thời gian tới, các đơn vị cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh truyền thông về cuộc vận động các cấp trên địa bàn; tăng cường tuyên truyền các sản phẩm chất lượng cao; tuyên truyền, nhân rộng các điển hình và quan tâm nhiều hơn đến công tác thi đua khen thưởng.
Bên cạnh đó, từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động rà soát kế hoạch tuyên truyền; đồng thời đưa ra các giải pháp thực hiện khi triển khai cuộc vận động. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Ban Chỉ đạo cuộc vận động để triển khai một cách sâu rộng…
Diệu Anh