Hiện thực hóa khai thác và phát triển sông Hồng thành trục cảnh quan

13/05/2024 6:49 PM

(Chinhphu.vn) - Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị cùng những định hướng quy hoạch đô thị sông Hồng đang là “kim chỉ nam” và là bước khởi đầu để Hà Nội hiện thực hóa khai thác và phát triển sông Hồng thành trục cảnh quan quan trọng của Thủ đô.

Tiềm năng tạo lập không gian hấp dẫn cộng đồng và khách du lịch

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, sông Hồng gắn liền với phát triển Hà Nội, là nơi hình thành điểm dân cư đầu tiên, nơi giao thương với các tỉnh lân cận, đồng thời là nơi hội tụ nhiều di tích văn hóa - lịch sử.

Dọc 40km ven sông Hồng có tới gần 30 di tích lịch sử, nổi bật trong đó là di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh; truyền thuyết thiên tình sử Chử Đồng Tử - Tiên Dung; truyền thuyết Lý Ông Trọng chém giải trừ họa cho dân; đền Ghềnh và sự tích về công chúa Ngọc Hân (ở Long Biên)…

Hiện thực hóa khai thác và phát triển sông Hồng thành trục cảnh quan- Ảnh 1.

Hà Nội xác định sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm thành phố trong tương lai. Ảnh: Nhật Nam

"Ngoài ra, dọc bờ sông Hồng còn xuất hiện nhiều làng nghề truyền thống từ hàng trăm năm nay như: làng giấy Yên Thái, làng đào Nhật Tân (Tây Hồ), làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm)... Đối với làng gốm Bát Tràng, sông Hồng là nhân chứng cho sự hình thành và phát triển của làng. Không phải ngẫu nhiên người ta gọi sông Hồng là sông Mẹ. Sông Hồng không chỉ là con sông lớn, nuôi dưỡng cả vùng đồng bằng Bắc Bộ mà còn là con sông ẩn chứa rất nhiều yếu tố văn hóa gắn với những nơi nó đi qua, đặc biệt là Thăng Long - Hà Nội", TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho hay.

Trong khi đó, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nhận định, sông Hồng là không gian cảnh quan chủ thể kết nối bờ Bắc và bờ Nam, là trung tâm của các tuyến phát triển không gian và như chứng nhân lịch sử, một cầu nối giữa quá khứ - hiện tại - tương lai mà cầu Long Biên là một chứng tích vắt qua 3 thế kỷ.

Đối với bộ mặt cảnh quan không gian đô thị, sông Hồng trở thành không gian kết nối, không gian giao thoa giữa không gian cũ và không gian mới, giữa không gian của lịch sử và không gian của tương lai.

KTS. Trần Ngọc Chính đánh giá, sông Hồng có rất nhiều tiềm năng, đặc biệt, khu vực bãi nổi giữa, bãi ven sẽ được tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan, trong đó có các không gian văn hóa sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, việc bãi giữa sông Hồng hiện chủ yếu được sử dụng để trồng rau màu và còn nhiều diện tích bỏ hoang gây lãng phí lớn.

Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cũng nhận định, Khu vực Bãi Giữa sông Hồng là một quỹ đất đáng quý từ thiên nhiên ban tặng cho Thủ đô, tương phản với không gian sống chật chội của khu vực nội thị. Đây cũng là không gian duy nhất còn lại để có thể tạo dựng một không gian công cộng xanh, sinh thái và văn hóa đầy hấp dẫn cho cộng đồng và khách du lịch. Đặc biệt là được trải nghiệm một không gian mở của Hà Nội, nhìn ra sông, hướng tới không gian công viên xanh sinh thái trên mặt nước.

Bên cạnh đó, đây cũng là khu vực có nhiều tiềm năng về đất đai, cảnh quan thiên nhiên, môi trường, khí hậu để tạo lập không gian hấp dẫn nhất thành phố. Tuy nhiên, hiện nay khu vực này vẫn là không gian cách biệt, cơ bản không có sự kết nối hai bên bờ sông. Thời gian gần đây, khu vực này được người dân khai thác vào mục đích vui chơi giải trí tự phát và manh mún; lãng phí về tài nguyên thiên nhiên, về cảnh quan không gian của sông Hồng.

Có nhiều lý do khiến Hà Nội chưa khai thác được nhiều giá trị sông Hồng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch, Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Bá Nguyên cho rằng, một trong những nguyên nhân chính có vấn đề về đê điều. Trong các năm 1994 và 2006, có nhà đầu tư Singapore lựa chọn xây dựng trên mảnh đất ngoài đê ở An Dương và sự giúp đỡ của phía Hàn Quốc trong việc lập quy hoạch hai bên bờ sông Hồng nhưng do nhiều vướng mắc nên chưa triển khai thực hiện được.

Cơ hội tạo diện mạo hình ảnh mới cho Thủ đô Hà Nội

Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 định hướng sông Hồng là một trong 5 trục phát triển của Thủ đô. Đây sẽ là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông. Định hướng này vô cùng quan trọng, là tiền đề đưa ra ý tưởng độc đáo, các giải pháp quy hoạch, tổ chức không gian cảnh quan hấp dẫn hai bên bờ sông và khu vực bãi sông, tạo nên diện mạo hình ảnh mới cho Hà Nội.

Cụ thể, Nghị quyết số 15-NQ/TW đã chỉ đạo: Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm kỷ cương quy hoạch và quản lý quy hoạch, bảo đảm công khai, minh bạch, có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, vừa phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, vừa tạo ra nguồn lực, không gian và động lực phát triển mới cho Thủ đô, gắn kết hài hòa, hợp lý, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các địa phương khác trong vùng và cả nước; trọng tâm là Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội.

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, chủ trương của trung ương và thành phố Hà Nội đã định hướng rõ việc khai thác và phát triển sông Hồng thành trục cảnh quan quan trọng, đặc biệt là khu vực bãi giữa sông Hồng.

Theo định hướng quy hoạch, hệ thống công viên ven sông được xác định với diện tích 4.200ha toàn tuyến, trong đó có 3.858ha diện tích 9 bãi sông và 342ha diện tích bãi giữa sau khi chỉnh trị sông Hồng, phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết các dòng sông có đê được Thủ tướng Chính phủ duyệt.

Đáng chú ý, theo Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỉ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến Mễ Sở) được thành phố phê duyệt năm 2022, khu vực bãi giữa sông Hồng được định hướng quy hoạch thành hệ thống công viên cây xanh, cảnh quan, công viên văn hóa, vui chơi giải trí, các quảng trường đô thị và công trình mang tính biểu tượng của Thủ đô.

Hướng tới cụ thể hóa Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo UBND quận Hoàn Kiếm chủ trì, phối hợp cùng các quận Ba Đình, Long Biên, Tây Hồ phát động cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông.

Theo các nhà quản lý cũng như chuyên gia quy hoạch đô thị, thành phố Hà Nội đã hội tụ đủ những điều kiện thuận lợi, những định hướng rõ nét để phát triển khu vực bãi nổi giữa, bãi ven sông. Trục cảnh quan sông Hồng dần được hiện thực hóa từ những bước đi đầu tiên nhằm biến đổi thành không gian xanh, sạch, đẹp và hấp dẫn.

Xây dựng công viên hài hòa giữa văn hóa và thiên nhiên

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng được UBND TP. Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo xây dựng thành "công viên văn hóa đa chức năng".

Giải thích khái niệm "công viên văn hóa đa chức năng", PGS. TS. Phạm Hùng Cường, Trường Đại học Xây Dựng Hà Nội cho biết, yếu tố văn hóa gồm hai khía cạnh, tức các hoạt động mang tính chất văn hóa và không gian văn hóa biểu hiện qua kiến trúc. Ngoài ra, hệ sinh thái là vấn đề được quan tâm và coi trọng.

TS. Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm bảo tồn thiên nhiên và phát triển (CCD) cho rằng, việc xây dựng công viên cần hài hòa với hệ sinh thái, trong đó, bãi nổi giữa sông Hồng đóng vai trò quan trọng đối với chim di cư bởi nằm ở trung tâm của tuyến di cư Đông Á – Úc châu. Qua khảo sát 232 loài chim tại khu vực trên, có 192 loài di cư (chiếm 83%), 38 loài định cư (chiếm 16%) và 1 loài di cư sinh sản (chiếm 1%).

Đặc biệt, địa điểm bãi nổi giữa sông Hồng tập trung đông dân cư bao gồm 6 nhóm: Canh tác nông nghiệp, chăn nuôi; kinh doanh nhà hàng, du lịch sinh thái; mua đất để nghỉ dưỡng; nhóm người lao động nghèo sống tạo xóm Phao; kết nối với thiên nhiên với các hoạt động thể dục, thể thao và cuối cùng là nhóm thực hiện các chuyến du lịch tại bãi giữa. Vì vậy, ThS. Lê Quốc Bình, Điều phối viên của Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống đề xuất xây dựng công viên gắn với bảo tồn thiên nhiên, tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch và xem xét chuyển đổi sinh kế bền vững cho người dân tại khu vực trên.

ThS. Lê Quốc Bình cho rằng, việc chuyển đổi bãi giữa, bãi nổi sông Hồng thành công viên văn hóa đa chức năng, nhưng chú trọng đến bảo lưu yếu tố xanh, sinh thái, nếu được hoạch định một cách hợp lý và dựa trên cơ sở khoa học, sẽ góp phần "đánh thức" một không gian công cộng, không gian văn hóa tiềm năng của đô thị Hà Nội.

Trong khi đó, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, nếu khai thác tốt quỹ đất bãi giữa để phục vụ vui chơi, giải trí cộng đồng, không gian xanh lớn đó sẽ đáp ứng được nhu cầu của nhiều lứa tuổi. Chẳng hạn, các công viên vui chơi sẽ hướng đến các lứa tuổi mang chức năng tổng hợp. Các công viên cảm giác mạnh và không gian mở dành cho thanh thiếu niên. Nếu thực hiện tốt việc này, không chỉ riêng bãi nổi giữa sông Hồng phát triển, mà dọc hai bên sông Hồng cũng sẽ tạo ra trục cảnh quan trung tâm của Hà Nội.

Theo thống kê của Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, có khoảng 243.670 người dân tương ứng trên 66.000 hộ nằm trong phạm vi quy hoạch hai bên bờ sông Hồng và là những đối tượng chính chịu ảnh hưởng trực tiếp từ quy hoạch này. Nhiều người dân bày tỏ ủng hộ chủ trương của thành phố và mong chờ một khu đô thị sớm được đầu tư xây dựng để cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, người dân cũng mong muốn được thành phố bảo đảm quyền lợi cho người dân, sớm được hỗ trợ, tái định cư để lên bờ.

Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, theo quy hoạch, sông Hồng sẽ đi qua trung tâm thành phố, kết hợp với trục: Hồ Tây - Ba Vì, Hồ Tây - Cổ Loa, Nhật Tân - Nội Bài và trục phía nam Hà Nội, trở thành năm trục chính trong định hướng điều chỉnh quy hoạch. Cuối năm 2023, đầu năm 2024, cùng với tiến độ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, thành phố sẽ đồng loạt triển khai các quy hoạch hai bên sông Hồng. Quá trình triển khai, thực hiện, các đơn vị chức năng sẽ lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trước khi trình duyệt hồ sơ và báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Thùy Chi

Top