Hiệu quả kinh tế từ trồng chuối nuôi cấy mô

04/01/2017 3:30 PM

(Chinhphu.vn) - Với lợi thế địa hình có nhiều vùng đất gò đồi và bãi ven sông phù hợp cho phát triển trồng chuối chất lượng cao, thời gian qua Hà Nội đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân ngoại thành sản xuất chuối (nuôi cấy mô), đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với các cây khác.

Người dân sử dụng túi bao buồng để bảo vệ, chăm sóc cho cây chuối. Ảnh: Tú Mai

Trao đổi với phóng viên, bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng cho biết, có thể thấy, sau khi triển khai đề án phát triển một số loại cây ăn quả giá trị kinh tế cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2016, diện tích cây ăn quả của Hà Nội đã tăng cao hơn 15,7 nghìn ha. Trong đó cây chuối có diện tích trồng nhiều nhất là 3176.3ha, tập trung chủ yếu ở huyện Ba Vì, Mê Linh, Thường Tín… Sản lượng bình quân đạt 70.444,6 tấn, chuối được trồng tập trung tại các vùng ven sông Hồng, sông Đuống, sông Đà. Hiệu quả kinh tế thu được từ trồng chuối cho thu nhập 200-300 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với các cây khác.

Trong 6 năm thực hiện đề án phát triển cây ăn quả, Trung tâm phát triển cây trồng đã xây dựng được các mô hình trồng mới chuối (nuôi cấy mô) với diện tích 402ha tại 13 xã, hợp tác xã tại 9 quận, huyện. Qua triển khai các mô hình trồng mới cây chuối, các vùng trồng chuối đã có nhiều thay đổi nhận thức về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới như sử dụng bao quả, chăm sóc để chuối tiêu hồng đúng vào dịp Tết Nguyên đán. Năng suất và hiệu quả kinh tế của các mô hình trồng chuối không ngừng được nâng cao. Từ hiệu quả kinh tế trên đã tạo tiền đề cho sự phát triển, mở rộng vùng trồng chuối. Thành công của mô hình trồng chuối trong đề án phát triển sản xuất cây ăn quả đã tạo được lòng tin trong nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và là một trong những tiêu chí quan trọng của các địa phương trong quá trình xây dựng Nông thôn mới.

Năng suất mô hình trồng chuối tăng hơn so với trước khi triển khai mô hình từ 10-12 tấn/ha. Thay đổi được tư tưởng sản xuất có tính tự cung tự cấp, chuyển đổi sang sản xuất có tính hàng hóa, hướng tới xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Trung tâm Phát triển cây trồng còn tổ chức tập huấn, quản lý, giúp cán bộ, nông dân từng bước nâng cao nhận thức, tay nghề về lựa chọn giống, phân bón, kỹ thuật bón phân cho từng giai đoạn sinh trưởng; nhận biết và phòng trừ sâu bệnh hại đạt hiệu quả cao. Từ năm 2015-2016 Trung tâm đã xây dựng và duy trì nhãn hiệu được 2 nhãn hiệu tập thể chuối Vân Nam-Phúc Thọ và chuối Cổ Bi-Gia Lâm, bước đầu sản phẩm đã được gắn nhãn mác đi vào các cửa hàng tiêu thụ.

Là người đi đầu trong phong trào trồng chuối tại xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ, anh Nguyễn Quốc Vương cho biết, gia đình anh có hơn 5ha, nhờ đất phù sa bồi đắp nên cây chuối sinh trưởng nhanh, cho quả mập và năng suất cao. Ước tính trong dịp Tết Nguyên đán này, gia đình anh Vương sẽ cung cấp ra thị trường 4,5 nghìn buồng chuối, cho thu lãi khoảng 700 triệu đồng. Cũng như gia đình anh Vương, vườn chuối 2ha của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Dậu, ở cụm 3 xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ cũng đạt được doanh thu đáng mơ ước. Theo ông Dậu, tính riêng trong dịp Tết Nguyên đán, gia đình ông đã có đến hơn 3 nghìn buồng chuối để xuất đi tiêu thụ. Với giá từ 300-400.000 đồng/buồng sẽ cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng và lãi thu về trên 500 triệu đồng.

Mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế cao là vậy, nhưng không hẳn hộ dân nào cũng có nhiều kinh nghiệm như gia đình anh Vương hay ông Dậu. Bởi bên cạnh đó vẫn còn một số mô hình cho hiệu quả kinh tế chưa cao, sức lan tỏa còn hạn chế do nhiều hộ gia đình vẫn chưa quen sử dụng trồng cây chuối, mà chủ yếu quen sử dụng trồng chuối tách chồi.

Ngoài ra, kinh nghiệm về trồng chuối và ứng dụng tiến bộ khoa học mới cây ăn quả như túi bao buồng của cán bộ, nông dân vẫn còn hạn chế. Tiêu thụ vẫn chủ yếu qua các thương lái theo hình thức thuận mua vừa bán, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm lớn nên vấn đề đầu ra cho sản phẩm bấp bênh, không ổn định tùy thuộc vào từng vụ.

Chính vì vậy, theo bà Hoàng Thị Hòa, trong thời gian tới, để đẩy mạnh việc phát triển trồng chuối được bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao thì rất cần sự phối hợp chặt chẽ với các huyện và địa phương để quy hoạch, phát triển vùng trồng chuối. Đồng thời xây dựng nên các vùng sản xuất chuối an toàn để phấn đấu đến năm 2020, tổng diện tích sản xuất chuối toàn thành phố đạt trên 4 nghìn ha.

Bên cạnh đó, cần tập trung chỉ đạo sản xuất chuối theo quy trình an toàn, sản xuất VietGAP, ứng dụng các công nghệ mới, bảo quản cận và sau thu hoạch, nhất là công nghệ bảo quản của một số nước tiên tiến để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Tiếp tục khai thác tốt các thị trường tiêu thụ truyền thống và xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp, hiệu quả, kết nối với các doanh nghiệp, tiêu thụ lâu dài và ổn định cho cây chuối. Đưa sản phẩm lên sàn giao dịch nông sản Hà Nội, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên website của ngành, các cuộc hội chợ, triển lãm… để người tiêu dùng biết đến và tin tưởng, tìm mua nhiều hơn.

Tú Mai

Top