Hiệu quả tích cực từ các hoạt động xúc tiến thương mại

27/04/2023 1:54 PM

(Chinhphu.vn) - Xúc tiến thương mại được xem như “bà mối”, góp phần tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm hàng hóa. Vì vậy, việc thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại luôn được TP. Hà Nội quan tâm.

Hiệu quả tích cực từ các hoạt động xúc tiến thương mại - Ảnh 1.

Người tiêu dùng mua hàng hóa tại các sự kiện xúc tiến thương mại. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Hà Nội không chỉ bảo đảm cân đối cung cầu trên địa bàn mà còn là đầu tàu hỗ trợ các tỉnh, thành phố kết nối tiêu thụ sản phẩm, giúp các địa phương trong việc tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh tế.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong năm 2022, Sở đã tổ chức, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia 45 sự kiện, chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại của Thành phố. Đây chính là những hoạt động giúp Hà Nội nói riêng và các địa phương nói chung phát triển.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, nhằm phát huy thế mạnh thương hiệu OCOP, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, chủ lực của Hà Nội với các tỉnh, thành phố. Từ đó, không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm hàng hóa của Hà Nội, mà còn giúp doanh nghiệp tìm kiếm được các hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nhiều tỉnh, thành phố và các trung tâm thương mại, siêu thị trong cả nước. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp đánh giá lại sản phẩm của mình, nhận ra các hạn chế, thiếu sót, từng bước khắc phục, hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Để tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ đẩy mạnh đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, bảo đảm tăng trưởng xuất khẩu một cách bền vững.

Còn theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA), thời gian qua, Trung tâm cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối đối tác thông qua các chương trình Tuần hàng, Festival; quảng bá, xúc tiến phục hồi du lịch thông qua Lễ hội du lịch, lễ hội ẩm thực…; đẩy mạnh liên kết, hợp tác, kết nối cung cầu với các tỉnh, thành phố trong cả nước, với các tổ chức, đối tác quốc tế; thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Đến nay, Trung tâm đã trở thành đầu mối giao thương, kết nối trực tuyến với doanh nghiệp Trung Quốc, Mỹ, Hà Lan, Anh, Singapore, Ấn Độ, Maroc… trong lĩnh vực nông sản, giày dép, dệt may. Đặc biệt, HPA đã  tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại với Chủ đề "Hà Nội - Viêng Chăn, Hợp tác cùng phát triển", Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch "Đối thoại Hà Nội - Hàn Quốc 2022".

Giám đốc HPA Nguyễn Ánh Dương khẳng định, các hoạt động xúc tiến đã góp phần tăng cường hoạt động liên kết vùng, kết nối cung-cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố, tìm đầu ra bền vững cho hàng Việt tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố trong công tác xúc tiến; tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao, chú trọng đổi mới. Xây dựng kế hoạch, tổ chức, tham gia, phối hợp tổ chức thành công, có hiệu quả các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP.  Hà Nội năm 2023; chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2023 của Bộ Công Thương; liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành, cơ quan xúc tiến trong và ngoài nước để tổ chức, phối hợp tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và hoạt động gắn kết khác.

Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm Việt Nam tới người tiêu dùng; mở rộng, phát triển thị trường phân phối sản phẩm của các doanh nghiệp; tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm, tuần hàng… tại các tỉnh, thành phố trong cả nước và nước ngoài. Tổ chức hoạt động kết nối xúc tiến nông nghiệp qua trang "Nông sản an toàn" Hà Nội; xúc tiến quảng bá sản phẩm nông nghiệp của Thành phố.

Để hoạt động xúc tiến thương mại đạt hiệu quả hơn trong năm 2023, Giám đốc HPA Nguyễn Ánh Dương cho rằng, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất, hợp tác xã trong việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và các hoạt động gắn kết khác; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xúc tiến thương mại cần được triển khai mạnh mẽ với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú hơn nữa. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm.

Nghiên cứu, mở rộng thị trường xuất khẩu, hệ thống phân phối lớn của nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng hóa Việt trực tiếp thâm nhập vào mạng lưới bán lẻ nước ngoài. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn hỗ trợ, tư vấn, định hướng nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; kỹ năng xúc tiến thương mại, thiết kế phát triển sản phẩm, thương hiệu, giải pháp chuyển đổi số, mô hình kinh doanh thương mại điện tử...

Gắn kết chặt chẽ hơn nữa trong công tác xúc tiến hỗ trợ doanh nghiệp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương, giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước, cơ quan thương vụ và với tổ chức xúc tiến trong và ngoài nước. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về cơ quan xúc tiến thương mại, doanh nghiệp để dùng chung trong việc triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại; cơ sở dữ liệu về ngành hàng, thị trường, quy định, tiêu chuẩn, điều kiện nhập khẩu của các nước, hiệp định thương mại tự do, cam kết quốc tế…, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền tới doanh nghiệp.

Có thể thấy, xúc tiến thương mại là "đòn bẩy" để mở rộng đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của Hà Nội, nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Từ đó, tạo động lực để các cơ sở, doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.

Diệu Anh

Top