Hiệu quả từ áp dụng mô hình số trong chăn nuôi
(Chinhphu.vn) - Áp dụng mô hình số trong quản lý tại các cơ sở chăn nuôi đã và đang trở thành xu thế tất yếu, nhất là việc quản lý trang trại chăn nuôi quy mô lớn không hề đơn giản. Nếu quản lý tốt sẽ mang lại năng suất, chất lượng sản phẩm cao và lợi nhuận lớn.
Ngày 28/11, Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức Hội thảo phổ biến áo dụng mô hình số trong quản lý tại các cơ sở chăn nuôi.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, hiện có rất nhiều ngành đã ứng dụng công nghệ từ sớm và đã mang lại những thành công đáng kể. Thế nhưng, ngành nông nghiệp nước ta nói chung, chăn nuôi nói riêng vẫn chưa thể theo kịp tốc độ phát triển của số hóa.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, việc thúc đẩy số hóa trong ngành chăn nuôi ở nước ta đã được quan tâm hơn với những hành động thực tiễn hơn. Chăn nuôi Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ từ lượng sang chất, từ nông hộ quy mô nhỏ sang công nghiệp, quy mô lớn, bảo đảm an toàn sinh học. Đây là hướng đi đúng đắn bởi không chỉ góp phần khai thác được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, mà còn giúp người chăn nuôi chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, áp dụng khoa học kỹ thuật, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Việc quản lý trang trại chăn nuôi quy mô lớn không hề đơn giản. Nếu quản lý tốt sẽ mang lại năng suất, chất lượng sản phẩm cao, lợi nhuận lớn. Trái lại, nếu quản lý không đúng cách sẽ dẫn đến rủi ro về tài chính, thua lỗ do mất kiểm soát.
Thay vì sử dụng các giải pháp truyền thống để quản lý trang trại, nhiều năm gần đây các chủ trang trại đã bắt đầu ứng dụng côngnghệ cao bằng việc đưa các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến bao gồm máy móc, thiết bị, giải pháp, phần mềm hiện đại dẫn đến hiệu quả quản lý, tăng năng suất và chất lượng được nâng cao. Việc số hóa trong hoạt động chăn nuôi còn góp phần quan trọng trong công tác thống kê ngành giúp người dân, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng trong hoạch định kế hoach sản xuất, kinh doanh và cân đối cung cầu sản phẩm chăn nuôi là vấn đề luôn tồn tại những bất cập hiện nay.
Theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nông nghiệp được xác định là một trong 8 ngành ưu tiên chuyển đổi số. Trong đó có chuyển đổi số trồng trọt, chăn nuôi,truy xuất nguồn gốc, kiểm tra thời gian canh tác... Dịch COVID-19 đã thúc đẩy quá trình "số hóa" do người tiêu dùng phải thay đổi thói quen và sử dụng thương mại điện tử. Từ đó, nông dân phải đưa hàng hóa lên sàn và tham giasố hóa sản phẩm.
Việc ứng dụng các công nghệ hiện đại đã góp phần thay đổi nhanh chóng ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng. Internet, trí tuệ nhân tạo, blockchain... đang dần đơn giản hóa và hợp lý hóa việc thu thập, các khâu kiểm tra, phân phối tổng thể, giúp cải thiệnhiệu quả, năng suất sản xuất. Thời gian gần đây, một số địa phương và doanh nghiệp ở nước ta cũng đã có nhiều hoạt động thúc đẩy "số hóa" trong chăn nuôi.
Chuyển đổi số, kinh tế số, kỷ nguyên số là xu thế toàn cầu không thể đảo ngược. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải coi đó là xu thế tất yếu, là một cơ hội tuyệt vời để tăng tính cạnh tranh và phát triển đột phá và mang lại hiệu quả cao.
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Cường - Công ty LOBI Việt Nam đã đưa ra các giải pháp chuyển đổi số thông minh trong chăn nuôi. Theo ông Cường, áp dụng chuyển đổi số sẽ giúp tăng hiệu suất sản xuất, làm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng cường sức khỏe và sinh sản của đàn vật nuôi. Đồng thời quản lý dễ dàng hơn khi theo dõi sức khỏe, cân nặng, tuổi tác của từng con vật một cách chính xác và thuận tiện. Hay hỗ trợ xác định cá thể một cách chính xác, giúp quản lý thông tin và phân biệt giữa các con vật trong đàn. Tăng tính tiện lợi và chính xác khi giảm thiểu sai sót trong việc ghi nhận thông tin về vật nuôi, hỗ trợ quản lý chuỗi cung ứng.
Điển hình như ứng dụng phần mềm DTA trong chăn nuôi. Đây là phần mềm quản lý trang trại lợn thông minh, DTA ứng dụng công nghệ số vào trong quản lý theo dõi vật nuôi. Qua đó sẽ giúp quản lý và nhập sự kiện hàng ngày; tham gia hỗ trợ trang trại (nếu được phép) trong các hoạt động kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát chất lượng đàn.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng phần mềm này sẽ giúp tăng cường cạnh tranh và tiết kiệm chi phí lâu dài. Đồng thời chuyển đổi số đưa người chăn nuôi đến gần hơn với thị trường. Người chăn nuôi cũng sẽ phát hiện sớm bệnh tật, tối ưu quy trình dinh dưỡng và đảm bảo sức khoẻ toàn diện cũng như năng suất của đàn vật nuôi.
Bàn về giải pháp chăn nuôi hiệu quả, ông Nguyễn Văn Năm, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Invet cho biết, cùng với việc ứng dụng số hóa, hiện nay các cơ sở sản xuất chăn nuôi nên sử dụng dược liệu để thay thế cho kháng sinh. Đây là một giải pháp mang tính đột phá khi vừa giúp tăng cường sức đề kháng của vật nuôi một cách tự nhiên, vừa giúp bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, qua đó giúp phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng sinh học, tuần hoàn, phù hợp với xu thế chăn nuôi hiện đại.
Việc sử dụng dược liệu thay thế khánh sinh cho sản phẩm chất lượng cao, an toàn thực phẩm, có lợi cho người tiêu dùng, nâng cao tầm vóc, thể chất và trí tuệ cho người Việt. Đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi Việt Nam, sản phẩm không chỉ có giá thực phẩm mà còn có giá trị về dược phẩm, ẩm thực Việt Nam, tích hợp đa giá trị.
Theo TS. Đặng Hoàng Biên, Trưởng phòng cấp cao Công ty cổ phần chăn nuôi Mavin, thời gian qua công ty rất thức thời trong việc ứng dụng chuyển đổi số vào chăn nuôi. Trong đó điển hình phải kể đến việc áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại và hoàn toàn tự động từ châu Âu (Buhler) và Mỹ (CPM); tất cả các nhà máy đều đáp ứng Tiêu chuẩn thực hành quản lý tốt của châu Âu (GMP).
Đối với ngành Chăn nuôi, công nghệ tiên tiến được áp dụng trong tất cả các trang trại của Mavin với hệ thống cấp liệu, làm mát tự động và hoạt động trên máy tính. Đối với ngành Thực phẩm, Mavin đã đầu tư vào một nhà máy chế biến thực phẩm hiện đại với dây chuyền sản xuất nhập khẩu từ CHLB Đức.
Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Hợp tác xã gà đồi Ba Vì, Hà Nội cho biết, hợp tác xã chăn nuôi gà đồi Ba Vì đã được thành lập với 13 thành viên với tổng đàn trên 150.000 con. Nhờ việc chăn nuôi theo chuỗi khép kín, bảo đảm an toàn chất lượng nên đã giúp hợp tác xã chủ động được kế hoạch sản xuất, thống nhất được quy trình quản lý chất lượng và ứng phó tốt hơn với biến động của thị trường.
Đến nay, gà đồi Ba Vì đã tạo dựng được thương hiệu và khẳng định được chất lượng của sản phẩm để đưa vào các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích. Đồng thời xây dựng được thương hiệu đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Thiện Tâm