Hiệu quả từ mô hình trình diễn bón phân hữu cơ thế hệ mới
(Chinhphu.vn) - Việc sử dụng phân bón hữu cơ thế hệ mới, thay thế hoàn toàn phân bón vô cơ trong sản xuất lúa sẽ làm giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường cũng như hệ sinh thái đồng ruộng.
Trong năm vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai mô hình trình diễn phân bón hữu cơ thế hệ mới đối với cây lúa, nhằm mục đích thay đổi tư duy và cách thức sản xuất của người dân theo hướng an toàn, bền vững, hài hòa với môi trường sinh thái. Đặc biệt, qua đó sẽ tạo ra sản phẩm lúa gạo an toàn cung cấp cho thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người nông dân.
Cụ thể, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã phối hợp với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thái Sơn triển khai mô hình trình diễn bón phân hữu cơ Thái Sơn thế hệ mới Organic TS 30-511 cho cây lúa tại 4 huyện: Mỹ Đức, Đông Anh, Chương Mỹ và Thạch Thất. Mô hình với sự tham gia của 7 hộ, quy mô 14.800 m2 được sản xuất ở 2 vụ, vụ Xuân và vụ Mùa. Theo bà Dương Thị Luyến - HTX xã nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Liên Hà, huyện Đông Anh, tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 100% phân bón theo qui trình, hỗ trợ kinh phí triển khai thực hiện; được cán bộ kỹ thuật của Công ty và Trung tâm Khuyến nông Hà Nội thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật, quy trình chăm sóc, bón phân theo từng giai đoạn phát triển của cây lúa.
Để thực hiện mô hình đạt hiệu quả tốt nhất, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội và Công ty Thái Sơn đã phối hợp chặt chẽ, thống nhất chọn điểm, chọn hộ thực hiện mô hình. Kết quả đã chọn được 14.800 m2 của 07 hộ nông dân tại các xứ đồng: Đồng Ngòi, xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức (3.600 m2); Đồng Lươn, xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ (3.780 m2); Đồng Vàn nếp, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất (3.780 m2) và Đồng Đại Vĩ , xã Liên Hà, huyện Đông Anh (3.640 m2) đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo yêu cầu. Bên cạnh đó đã thống nhất với các HTX và các hộ tham gia về kế hoạch triển khai thực hiện, qui trình bón phân hữu cơ để bà con nắm được và thực hiện theo đúng quy trình hướng dẫn.
Trong quá trình sản xuất lúa nếu như lạm dụng phân vô cơ sẽ đem lại tác hại như: Làm gia tăng sự mẫn cảm của cây trồng với các loại bệnh, tiêu diệt các loài vi sinh vật có lợi, làm cho nhiều diện tích đất trồng trọt bị suy giảm độ phì nhiêu, mất cân đối dinh dưỡng trong đất, đất chai cứng, năng suất cây trồng giảm và tăng các chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của con người... Đổi lại, nếu áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ sẽ làm tăng độ phì nhiêu của đất, tăng chất khoáng và vi sinh vật hữu hiệu cho đất, có tác dụng cải tạo đất rất tốt, nhất là đối với các loại đất đã và đang bị suy thoái. Về lâu dài sẽ giúp khả năng chống chịu sâu bệnh của cây lúa tốt hơn; trong thời kỳ lúa trỗ, ruộng sẽ ít nhiễm rầy, khô vằn, cho bông dài, lúa sạch sâu bệnh, gạo trong, cơm mềm dẻo và có mùi thơm đặc trưng.
Bên cạnh đó, dù điều kiện thời tiết năm 2023 diễn biến phức tạp, thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại, song qua theo dõi ở cả 2 vụ cho thấy tại các điểm mô hình bón phân hữu cơ thế hệ mới Oganic TS 30-511của Công ty Thái Sơn lá lúa có màu xanh sáng, bản lá dày và cứng, gọn khóm, ít sâu bệnh hơn ruộng đối chứng. Hầu như các điểm mô hình không phải phun thuốc bảo vệ thực vật, trong khi đó ở công thức đối chứng phải phun từ 1 - 2 lần/vụ.
Theo ông Nguyễn Văn Hà – Trưởng Phòng Khuyến nông trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, thông qua kết quả trình diễn cho thấy, sử dụng phân bón hữu cơ Organic TS 13-511 do có đủ các chất dinh dưỡng đa, trung, vi lượng và hoạt chất sinh học nên hiệu suất sử dụng phân bón cao, không phải bổ sung thêm phân bón vô cơ mà lúa vẫn sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao hơn so với bón phân vô cơ theo tập quán của địa phương ở cả 2 vụ từ 1- 3 tạ/ha; hiệu quả kinh tế cao hơn từ 14,2 - 26,2% so với đối chứng.
Sử dụng phân bón hữu cơ không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, mà còn giúp bà con nông dân giảm chi phí sản xuất đầu vào, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Mặt khác sử dụng phân bón hữu cơ sẽ làm tăng cường vi sinh vật có lợi trong đất, đảm bảo đa dạng hệ sinh thái, làm cho đất ngày càng màu mỡ, phì nhiêu hơn, đáp ứng nền sản xuất nông nghiệp bền vững.
Mô hình bước đầu không chỉ góp phần tạo ra sản phẩm lúa gạo an toàn mà còn nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức canh tác trong việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng. Đây là năm đầu tiên Trung tâm Khuyến nông phối hợp với doanh nghiệp triển khai trên địa bàn Hà Nội. Từ kết quả trình diễn năm 2023, là cơ sở để Trung tâm Khuyến nông tham mưu đề xuất, xây dựng mô hình các vụ tiếp theo để có đánh giá chính xác, hiệu quả sử dụng phân bón hữu cơ, làm cơ sở khuyến cáo bà con nông dân áp dụng, từng bước xây dựng nền nông nghiệp xanh và bền vững.
Thiện Tâm