Hiệu quả ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
(Chinhphu.vn) - Để nâng cao giá trị sản xuất, đáp ứng nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng và góp phần tăng thu nhập cho người dân, các HTX đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và phương thức sản xuất mới theo hướng hàng hóa chuyên canh.
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức, Gia Lâm cho biết, thực hiện đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chuyên canh giai đoạn 2021-2025", thời gian qua, huyện Gia Lâm đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao chất lượng hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Hiện huyện đã chuyển đổi được 120,5ha đất trồng lúa, màu sang trồng cây ăn quả, hoa cây cảnh, đạt 100,4% kế hoạch; hình thành hàng chục mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 20 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị như: Aeon, Metro, Big C, các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn thành phố. Đặc biệt mấy năm gần đây sản phẩm rau Văn Đức và Đặng Xá đã xuất khẩu được sang thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, bình quân mỗi năm 800 - 1.000 tấn.
Theo ông Trần Văn Thuận, thành viên HTX dịch vụ tổng hợp Đa Tốn, huyện Gia Lâm, trước nguy cơ diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, năm 2017, HTX dịch vụ tổng hợp Đa Tốn đề xuất xã cho xây dựng mô hình trồng rau bằng phương pháp thủy canh. Sau khi được phê duyệt, HTX đã liên kết với Công ty cổ phần đầu tư An Hòa đầu tư công nghệ, xây dựng hệ thống nhà lưới, kho lạnh, xưởng sơ chế rau… Hiện nay, với 3.000 m2 nhà lưới trồng rau, trung bình mỗi tháng HTX Đa Tốn và Công ty An Hòa thu hoạch khoảng 5 tấn rau các loại. Toàn bộ sản lượng được đưa vào hệ thống kinh doanh của Công ty cổ phần đầu tư An Hòa. Với giá bán bình quân từ 25.000 - 45.000 đồng/kg rau, mô hình đang cho HTX thu nhập xấp xỉ 1 tỷ đồng/năm.
Ngoài các đơn vị nêu trên thực hiện ứng dụng công nghệ cao, huyện Gia Lâm đã hình thành những vùng trồng cây ăn quả tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng cao với tổng diện tích hơn 1.693ha trên địa bàn các xã: Phú Thị, Đông Dư, Đa Tốn, Kim Sơn. Bên cạnh đó, chăn nuôi cũng đang phát triển theo hướng an toàn, nhiều trang trại ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất ứng dụng công nghệ chuồng kín, máng ăn, máng uống tự động, đệm lót sinh học, sử dụng công nghệ xử lý chất thải… Để chăn nuôi phát triển bền vững, cùng với định hướng, phát triển các Dự án chăn nuôi xa khu dân cư, huyện Gia Lâm đặc biệt quan tâm việc xử lý ô nhiễm môi trường. Trong đó, nuôi giun quế xử lý chất thải của các hộ chăn nuôi bò sữa, rác thải hữu cơ, cải tạo môi trường đang là phương án được huyện Gia Lâm khuyến khích thực hiện và cho hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Đức Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, cùng với tập trung đầu tư phát triển kinh tế toàn diện trên các lĩnh vực, dưới sự chỉ đạo của huyện uỷ, triển khai Nghị quyết của HĐND, UBND huyện Gia Lâm luôn quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp,ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến, từng bước phát triển ổn định theo hướng sản xuất hàng hóa đem lại hiệu quả cao tích cực. Năm 2022, Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, thuỷ sản ước đạt 1.000,4 tỷ đồng, tăng 2,08% so với năm.
Việc thực hiện Đề án"Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chuyên canh giai đoạn 2021-2025", ngành nông nghiệp Gia Lâm đã phát triển đúng hướng, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, quy hoạch vùng và quy hoạch phát triển các ngành liên quan. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục phát triển sản xuất theo vùng, chuyên canh; đẩy mạnh việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Chuyển giao các giống cây trồng có chất lượng hiệu quả kinh tế cao đáp ứng nhu cầu thị trường vào sản xuất như các giống hoa cao cấp, giống rau, quả chất lượng…Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp, nhà đầu tư có năng lực, có đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp có liên doanh liên kết trong bao tiêu sản phẩm.
Với những kết quả đạt được sẽ góp phần để huyện phấn đấu hết năm 2023 hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao và Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Thiện Tâm