Hình thành mạng lưới giết mổ gia súc, gia cầm tập trung

30/06/2022 3:27 PM

(Chinhphu.vn) - Xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung là hết sức cần thiết vì không chỉ góp phần phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường mà còn góp phần thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi hiện đại.

Cần giải pháp đột phá để hình thành mạng lưới giết mổ gia súc, gia cầm tập trung - Ảnh 1.

Hiện Hà Nội có 7 cơ sở giết mổ gai súc gia cầm công nghiệp; 58 cơ sở bán công nghiệp. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo ông Nguyễn Đình Đảng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, hiện nay, sản phẩm chăn nuôi của Hà Nội đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô nhưng vẫn còn khoảng 40% lượng sản phẩm gia súc, gia cầm tiêu thụ trên thị trường được giết mổ tại các lò mổ thủ công nhỏ lẻ không được kiểm soát chặt về thú y, dịch bệnh, cũng như nguồn gốc sản phẩm. 

Điều này gây nên rất nhiều ẩn họa trong đời sống xã hội và từ nhiều năm nay đã trở thành vấn đề "nóng", được dư luận quan tâm. 

Chỉ tính riêng năm 2021, các trạm chăn nuôi và thú y địa phương đã xử lý trên 1.200 trường hợp vi phạm về kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y… có liên quan 673 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Đây là nguồn nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh đó, việc triển khai xây dựng cơ sở giết mổ tập trung còn khó khăn do phải thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, đấu giá, chuyển đổi mục đích sử dụng… phải cần rất nhiều thủ tục phải thực hiện. Cùng với đó, kinh phí xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung rất lớn, nhất là đối với hạng mục xử lý chất thải, nước thải, khiến khó kêu gọi nhà đầu tư. 

Trong khi các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ chiếm số lượng lớn, chưa được quản lý vẫn tồn tại song song với cơ sở giết mổ tập trung cho nên cơ sở giết mổ tập trung khó cạnh tranh do chi phí cao hơn.

Theo ông Đào Quang Vinh, Giám đốc công ty CP công nghệ thực phẩm Vinh Anh, để khắc phục khó khăn, thời gian qua Thành phố đã có nhiều giải pháp, như việc ban hành Quyết định số 761 ngày 17/2/2020 của UBND TP. Hà Nội về việc phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn. Đây được xem là cơ sở để tạo thành một mạng lưới giết mổ gia súc, gia cầm đáp ứng nhu cầu phát triển của nền chăn nuôi hiện đại. 

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là việc xây dựng mới các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp.

Cơ sở giết mổ gia súc bán công nghiệp của công ty ra đời năm 2012, được thiết kế với công suất từ 600 đến 1000 con lợn/ ca. Dây chuyền được đầu tư xây dựng trên diện tích nhà xưởng 4.000m2. Mỗi ngày có khả năng cung cấp ra thị trường 15 đến 17 tấn thịt đã pha lóc, 20 tấn thịt mảnh. Ở thời điểm năm 2012, đây là nhà máy giết mổ gia súc gia cầm quy mô lớn đầu tiên áp dụng công nghệ bán tự động, hiện đại, động đồng và hoàn chỉnh nhất khu vực miền Bắc, các sản phẩm đưa ra thị trường đã đáp ứng được các quy định vệ sinh an toàn thực phảm. 

Theo ông Vinh, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung sẽ kiểm soát được nguồn nguyên liệu đầu vào, sản phẩm sau giết mổ đúng quy trình luôn tươi ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhưng do hiện nay các lò mổ thủ công, các điểm giết mổ nhỏ lẻ chưa kiểm soát được triệt để và người tiêu dùng vẫn giữ thói quen mua thịt nóng ở chợ truyền thống nên công tác giết mổ tập trung còn gặp rất nhiều khó khăn.

Tương tự, theo bà Nguyễn Thị Lan Giám đốc công ty CP thương mại Lan Vinh, dây chuyền giết mổ gia cầm hiện đại của công ty Lan Vinh cũng vận hành theo kiểu cầm chừng. Bình thường, cơ sở này hoạt động sôi động suốt đêm, nhưng nay chỉ đến tầm 11, 12h đêm là không còn nguyên liệu để vận hành dây truyền giết mổ. Không chỉ nguyên liệu bị thiếu mà vấn đề đầu ra chưa được khơi thông cũng là nguyên nhân khiến cơ sở chỉ có thể sản xuất cầm chừng.

Theo ông Nguyễn Đình Đảng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, để bảo đảm an toàn thực phẩm, đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm môi trường, loại bỏ nguy cơ lây lan dịch bệnh trên đàn vật nuôi, các địa phương của Hà Nội cần chủ động kiểm tra, rà soát, quyết liệt triển khai các giải pháp chấm dứt tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, không đủ điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm, đồng thời tăng cường kiểm soát thị trường, xử lý các sản phẩm không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Hiện nay, Hà Nội có 732 cơ sở, điểm, giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp; 58 cơ sở bán công nghiệp; còn lại là các cơ sở giết mổ thủ công. Thời gian vừa qua, việc quản lý, kiểm soát hoạt động giết mổ, đặc biệt là tại các cơ sở giết mổ tập trung đã có những chuyển biến tích cực. 

Thời điểm hiện tại, Thành phố đã kiểm soát được hơn 60% lượng sản phẩm gia súc, gia cầm tiêu thụ trên địa bàn; đã có 10/29 cơ sở được đầu tư, đang hoạt động hiệu quả. Việc nâng cao năng lực sản xuất cũng như kiểm soát các cơ sở giết mổ không chỉ bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô mà còn góp phần hạn chế dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững. 

Như vậy, từ những giải pháp mang tính đột phá này đã giúp tháo gỡ được "điểm nghẽn" trong việc hình thành mạng lưới giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, đồng thời thúc đẩy ngành chăn nuôi của Hà Nội, phát triển theo hướng hiện đại.

Thiện Tâm

Top