Hỗ trợ điều trị COVID-19 hiệu quả từ Y học cổ truyền

27/02/2022 9:26 AM

(Chinhphu.vn) - Cùng với y học hiện đại, y học cổ truyền đã đóng góp không nhỏ vào hỗ trợ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, đặc biệt trong giai đoạn đầu khởi phát và sau khi đã lui bệnh.

Hỗ trợ điều trị COVID-19 hiệu quả từ Y học cổ truyền - Ảnh 1.

BS Nguyễn Hồng Siêm, nguyên Chủ tịch Hội Đông Y TP. Hà Nội. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Chia sẻ với phóng viên, Thầy thuốc nhân dân, TS.BS chuyên khoa II Nguyễn Hồng Siêm, Phó Chủ tịch Hội Nam Y Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Đông Y TP. Hà Nội cho biết, y học cổ truyền- nguồn cội của y học dân tộc từ xa xưa đã nổi tiếng với nhiều vị thuốc hay và chữa bệnh hiệu quả. Đông y dùng thuốc tùy theo nguyên tắc "biện chứng luận trị" - nghĩa là tùy theo biểu hiện ở người bệnh mà sử dụng phép chữa, bài thuốc khác nhau. Trên lâm sàng, trăm người mắc cùng một bệnh, có thể được chữa trị bằng hàng trăm phương thuốc khác nhau. Học tập và kế thừa cũng như sử dụng hàng trăm cây thuốc quý sẵn có, ngành đông y đã chữa được nhiều loại bệnh như: Ho, hen phế quản, dạ dày, liệt thần kinh, viêm đa khớp, giảm mỡ máu…

Đặc biệt, đối với dịch bệnh COVID-19, các bài thuốc đông y đã góp phần hỗ trợ điều trị các bệnh nhân F0, nhất là trong giai đoạn khởi phát và giai đoạn lui bệnh, hay y học hiện đại còn gọi là hậu COVID-19. Bên cạnh đó, nhờ sử dụng các bài thuốc, vị thuốc và phương pháp y học cổ truyền, nhiều trường hợp F1 không bị chuyển thành F0.

Theo bác sĩ Siêm, nghiên cứu y học cho thấy dịch cúm là do virus gây nên. Bệnh cảm cúm thường biểu hiện ở viêm đường hô hấp cấp, với các triệu chứng như: Đau họng, khản tiếng, hắt hơi, sổ mũi, sốt, đau đầu, khó thở, ho có đờm hoặc không… Đây cũng chính là những biểu hiện trong giai đoạn đầu của viêm phế quản, viêm phổi. Theo y học hiện đại xác định, cúm chính là bệnh truyền nhiễm, tức là bệnh có tính chất lây lan, với 3 giai đoạn: Khởi phát, toàn phát và lui bệnh.

Việc can thiệp của đông y sẽ chủ yếu nằm ở hai giai đoạn, là giai đoạn đầu khi viêm nong đường hô hấp cấp, đông y có tác dụng rất tốt vì khi đó virus mới đang ở họng. Giai đoạn lui bệnh là khi bệnh nhân đã trở về âm tính hay còn gọi là hậu COVID-19 nhưng bị suy nhược cơ thể. Trong giai đoạn khởi phát sẽ có các triệu chứng của viêm đường hô hấp trên (hắt hơi, ho, khó thở, có thể kèm theo sốt, đau mỏi cơ…); giai đoạn toàn phát là bệnh đã xuống phế quản, làm tổn thương phế quản, phế nang, xuất tiết ở phổi nhiều. Virus COVID-19 khi đến giai đoạn toàn phát sẽ rất nặng, làm tổn thương phổi và gây suy hô hấp cấp. Đa phần bệnh nhân tử vong do suy hô hấp cấp vì khó thở, thiếu oxy (thiếu oxy toàn thân, trong đó có thiếu oxy não), khi thiếu quá nhiều sẽ làm tế bào bị tổn thương, dẫn đến tử vong. Giai đoạn lui bệnh, khi bệnh nhân khỏi COVID-19 nhưng để lại các di chứng tổn thương trên đường hô hấp, làm cho người bệnh suy nhược cơ thể. Giai đoạn này cần bồi bổ lại sức khỏe để phục hồi các công năng, đặc biệt là ở phổi. Đông y có thể can thiệp bằng nhiều phương pháp như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt… và các bài thuốc đa dạng. Vì vậy, nếu như phát hiện sớm thì điều trị bằng đông y một cách tích cực sẽ giúp người bệnh nhiễm COVID-19 phục hồi tốt.

Bài thuốc đông y đơn giản nhưng hiệu quả

Đông y có những vị thuốc, nếu do cảm nhiệt thì phát tán phong nhiệt, nếu do cảm hàn thì phát tán phong hàn (nếu viêm virus kèm sốt là phát tán phong nhiệt, mắc virus không sốt mà chủ yếu đau họng, khó thở, mất mùi… là phát tán phong hàn). Tùy từng biểu hiện triệu chứng bệnh mà lương y kê thuốc phù hợp, như bệnh nhân khó thở thì cần thêm vị thuốc giãn phế quản để được dễ thở hơn, ho nhiều thì dùng thuốc trừ ho…

Theo lương y Nguyễn Hồng Siêm, thời kỳ đầu của virus, ai điều trị sớm sẽ không xảy ra thời kỳ toàn phát. Tại thời điểm người dân TPHCM bị ảnh hưởng bởi dịch nghiêm trọng, các bác sĩ đông y đã can thiệp, điều trị cho hàng nghìn ca F1 không bị chuyển sang giai đoạn F0 bằng các bài thuốc đông y. Qua đánh giá sơ bộ cho thấy, y học cổ truyền đã có hàng trăm bài thuốc tham gia điều trị bệnh COVID-19; nhất là trong giai đoạn khởi phát, hỗ trợ điều trị bằng đông y mang lại hiệu quả cao.

Tại Hà Nội cũng tương tự như vậy, tuy số ca mắc tăng cao và lây lan rộng nhưng không có nhiều ca nặng, do người dân đã tiêm phủ vaccine COVID-19, từ đó tạo ra được kháng thể để chống virus SARS-CoV-2. Đối với y học cổ truyền, các bác sĩ đông y cũng có rất nhiều bài thuốc và điều trị theo lý luận nghiên cứu bài bản, linh hoạt. Một số lương y trong Hội Đông y Thành phố Hà Nội đã sản xuất ra các bài thuốc để làm từ thiện hỗ trợ người dân điều trị COVID-19. Tuy chưa có báo cáo chính thức từ các lương y trong việc điều trị được bao nhiêu ca F0, hay các trường hợp F1 nhưng thực tế cho thấy y học cổ truyền đã can thiệp, hỗ trợ người bệnh rất hiệu quả. Trong đông y, nếu như thiếu vị thuốc này thì có thể thay thế bằng vị thuốc khác có tác dụng tương đương, "gối mũ" lên nhau để trở thành một bài thuốc. Đây là nét độc đáo, sáng tạo của y học cổ truyền không giống như những bài thuốc cổ phương chỉ mang tính cố định. Vì vậy, thời gian qua, cùng với y học hiện đại, y học cổ truyền đã có hàng trăm bài thuốc khác nhau để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Điển hình như xuyên tâm liên, trước kia khi chưa có thuốc tây y, y học cổ truyền đã dùng vị thuốc này cùng với xuyên khung bạch chỉ để tạo thành một bài thuốc chữa cảm cúm. Hiện nay, các lương y có thể cho thêm một số vị tùy vào thể trạng bệnh, như viêm ở vùng hầu họng thì cho thêm xạ can, dẻ quạt; nếu viêm nóng nhiều thì cho thêm huyền sâm; nếu khó thở nhiều sẽ cho thêm ma hoàng… Tất cả đều có tác dụng hỗ trợ điều trị COVID-19, tuy đơn giản nhưng rất hiệu quả. Những vị thuốc phát tán phong hàn hay phát tán phong nhiệt thường có vị cay, nóng nhưng đều có mùi thơm- chính là tinh dầu tác dụng rất tốt trong phòng và điều trị bệnh. Để mang lại kết quả cao, người bệnh cần kết hợp cả viên uống và xông bằng các loại tinh dầu, thảo dược, gia vị quen thuộc như gừng, sả, rau tía tô, rau kinh giới, rau bạc hà để tăng sức đề kháng trong mùa dịch. Nhất là lá tía tô nằm trong nhóm thuốc phát tán phong hàn, những người cảm lạnh hoàn toàn có thể thêm tía tô vào các món ăn hàng ngày, nấu nước lá tía tô hoặc xông lá tía tô.

Có thể thấy, cùng với các phương pháp và bài thuốc của y học hiện đại, y học cổ truyền đã có nhiều đóng góp vào điều trị cho người bệnh. "Trong giai đoạn đầu, việc can thiệp bằng y học cổ truyền sẽ mang lại hiệu quả rất tốt. Đồng thời những ai bị COVID-19, nhất là nhóm người cao tuổi, hoặc người khả năng miễn dịch giảm, người có bệnh lý nền cần phải điều trị tốt hậu COVID-19 để người bệnh phục hồi được nhanh hơn"- lương y Nguyễn Hồng Siêm cho biết.

Thiện Tâm

Top