Hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình kinh tế tập thể

14/11/2022 3:13 PM

(Chinhphu.vn) - Nhằm khắc phục những hạn chế, manh mún trong sản xuất nông nghiệp, Hội Nông dân Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các cơ sở hội xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, tăng cường liên kết, từ đó xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội trên thị trường.

Hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình kinh tế tập thể - Ảnh 1.

Hộ sản xuất rau an toàn của Hợp tác xã nông nghiệp Cuối- Quý huyện Đan Phượng đạt hiệu quả cao nhờ sự hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân và chính quyền. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Ông Nguyễn Quang Trường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ phát triển kinh tế nông nghiệp xã Tân Lập, huyện Đan Phượng chia sẻ: Để liên kết các hộ sản xuất cá thể tiến tới xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ bền vững, Hội Nông dân xã Tân Lập đã thành lập Câu lạc bộ phát triển kinh tế nông nghiệp quy tụ 62 hộ phát triển kinh tế trang trại tham gia nhằm hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình, mua phân bón trả chậm và ưu đãi trong thu mua nguyên liệu đầu vào.

Ông Thiều Văn Son, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng cho hay, không chỉ thành lập các câu lạc bộ phát triển kinh tế nông nghiệp, Hội Nông dân huyện Đan Phượng cũng đã xây dựng, nâng cao chất lượng các mô hình kinh tế tập thể của địa phương như: Mô hình trồng nấm, trồng hoa ly, trồng cam canh, trồng đu đủ xã Song Phượng; mô hình trồng đu đủ xã Đan Phượng; mô hình chăn nuôi gà, trồng rau an toàn xã Phương Đình; mô hình trồng chuối Tây - Tiêu Hồng,  chăn nuôi lợn xã Trung Châu, Hồng Hà; mô hình nuôi bò thịt và bò sinh sản, trồng Phật Thủ xã Thọ An; mô hình lúa - cá - vịt xã Tân Hội và Tân Lập; mô hình trồng bưởi "Tôm vàng Đan Phượng" xã Thượng Mỗ…

Hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình kinh tế tập thể - Ảnh 2.

Các hộ nông dân đã được hỗ trợ, tạo điều kiện sản xuất, canh tác... đạt hiệu quả cao. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội vho biết, để giúp hội viên nông dân nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, xây dựng các chuỗi sản xuất ổn định, đến nay, các cấp hội nông dân Hà Nội đã xây dựng được 23 hợp tác xã, 708 tổ hợp tác, 274 mô hình kinh tế tập thể. Đồng thời thành lập được 173 chi hội nghề nghiệp và hơn 2.700 tổ hội nghề nghiệp với trên 33.000 thành viên. 

Đồng thời, Hội cũng hỗ trợ nông dân phát triển thương hiệu, nhãn hiệu; giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông sản cho trên 5.300 lượt cán bộ hợp tác xã, tổ hợp tác, hội viện nông dân. Thực tế cho thấy, chỉ có tăng cường liên kết, hình thành các mô hình kinh tế tập thể mới tạo nên những sản phẩm nông sản hàng hóa chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó xây dựng quảng bá thương hiệu sản phẩm. Đó là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp Hà Nội để người nông dân có thể yên tâm sản xuất, phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập. Sau thành công của công tác dồn điền đổi thửa, tại các địa phương đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng chuỗi liên kết, tạo nên những sản phẩm nông sản đặc trưng, có thương hiệu, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm của từng vùng.

Từ việc xây dựng thành công các mô hình kinh tế tập thể, Hội Nông dân thành phố đã hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu nông sản thực phẩm như: Bưởi tôm vàng Đan Phượng; bưởi Phúc Thọ; bưởi Chương Mỹ; rau hữu cơ Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn; gà đồi Ba Vì; mây tre đan Phú Nghĩa, Chương Mỹ… Với những nỗ lực cố gắng của các cấp Hội Nông dân thành phố Hà Nội, hội viên nông dân đã hăng hái tham gia các phong trào, các cuộc vận động tạo nên những chuyển biến tích cực trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng nông thôn mới.

Thiện Tâm

Top