Mô hình khuyến nông an toàn thúc đẩy tiêu thụ cho nông dân
(Chinhphu.vn) - Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đang tập trung xây dựng các mô hình khuyến nông sản xuất theo hướng an toàn VietGAP, an toàn sinh học để chuyển giao cho bà con phát triển sản xuất với mục tiêu tạo ra sản phẩm nông sản an toàn bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Để nâng cao giá trị kinh tế cũng như thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, từ tháng 4/2022, hộ gia đình ông Cao Xuân Trường, thôn Cẩm Thủy, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã áp dụng mô hình chăn nuôi thủy sản an toàn theo hướng VietGAP, trên diện tích 1 ha nuôi cá chép và cá rô phi.
Ông Cao Xuân Trường chia sẻ, dưới sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ khuyến nông, hộ chăn nuôi sẽ phải tuân thủ chặt chẽ quy trình chăn nuôi VietGAP từ chăm sóc, quản lý và thu hoạch, hạn chế sử dụng kháng sinh và sử dụng các chế phẩm sinh học trong quá trình xử lý môi trường ao nuôi.
Sau khi kiểm nghiệm đạt chuẩn an toàn, mô hình sẽ được cấp chứng nhận an toàn VietGAP, tạo điều kiện cho sản phẩm thủy sản của hộ gia đình tiêu thụ qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích. Thực tế hiện nay những sản phẩm chăn nuôi thủy sản theo chuẩn VietGAP có giá trị cao hơn so với chăn nuôi theo quy trình thông thường từ 10%-20%, được người tiêu dùng tin tưởng đón nhận.
Bà Khuất Thúy Thỏa, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Phúc Thọ cho hay, dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến quá trình chăn nuôi thủy sản của các nông hộ. Bởi vậy, khi xây dựng mô hình chăn nuôi thủy sản an toàn theo hướng VietGAP, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cũng chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn, thay đổi thói quen chăn nuôi của bà con, sử dụng kháng sinh an toàn, đúng liều lượng và thời gian chăn nuôi.
Ông Đỗ Tuấn Anh, xã Xuân Đình, huyện Phúc Thọ cho biết, việc áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn VietGAP sẽ giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, thay thế bằng các sản phẩm sinh học thảo dược thân thiện với môi trường và giúp nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi. Đó là yếu tố giúp cho việc chăn nuôi theo hướng an toàn VietGAP sẽ cung ứng cho thị trường những sản phẩm chăn nuôi an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng.
Theo Phòng Khuyến nông Chăn nuôi-Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, trong năm 2022 này, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai 19 dạng mô hình khuyến nông. Trong đó có 9 dạng mô hình trồng trọt và 10 dạng mô hình chăn nuôi thủy sản được triển khai tại 68 điểm với trên 1.700 hộ tham gia. Hiện nay, các mô hình triển khai đều đang phát triển tốt, mang lại định hướng mới cho người nông dân, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, cùng với việc triển khai các dạng mô hình khuyến nông sản xuất an toàn theo thướng VietGAP, chăn nuôi an toàn sinh học, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cũng đang nỗ lực hỗ trợ kết nối cung cầu nhằm mở rộng tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản an toàn, góp phần hình thành một nền nông sản an toàn bền vững, cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có khá nhiều loại mô hình nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Nuôi thủy sản theo hướng VietGAP, nuôi ứng dụng "sông trong ao", ứng dụng công nghệ cao, áp dụng công nghệ vi sinh, xử lý môi trường nước, ứng dụng công nghệ cung cấp oxi tự động… Những mô hình này đã mang lại nhiều lợi ích cho người nuôi trồng khi vừa nâng cao chất lượng môi trường nước giúp giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, vừa góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, thực tế nuôi trồng thủy sản ở Hà Nội còn không ít khó khăn, nhất là về hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung chưa đồng bộ, nguồn vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng ở các khu nuôi trồng thủy sản còn thiếu. Tuy Hà Nội có hàng chục nghìn hộ nuôi trồng thủy sản nhưng quy mô đa phần nhỏ lẻ nên việc áp dụng công nghệ trong nuôi trồng chưa đa dạng, mới chỉ dừng ở công đoạn xử lý môi trường nước là chủ yếu.
Vì vậy, theo Sở NN&PTNT, Sở sẽ phối hợp với các huyện tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, dự báo thị trường, xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và người dân để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm bán cho siêu thị, cửa hàng tiện ích. Bên cạnh đó tiếp tục có chính sách hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng đồng bộ để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thiện Tâm