Hoài Đức phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp-dịch vụ

25/10/2016 3:19 PM

(Chinhphu.vn) - Huyện Hoài Đức hiện đang tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp-dịch vụ-thương mại và đến nay tỷ lệ này chiếm 93%, nông nghiệp chỉ còn 7%.

Ông Đỗ Đức Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức (đứng) thông tin tới báo chí về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Ảnh: Tú Mai

Theo ông Đỗ Đức Trung, Phó Chủ tịch huyện Hoài Đức, đến hết tháng 9 năm 2016, kinh tế của huyện phát triển tăng trưởng cả 3 lĩnh nông nghiệp phát triển nông thôn, dịch vụ và thương mại. Thu nhập bình quân hiện tại của huyện Hoài Đức là 35,5 triệu đồng/người.

Trong đó, nông nghiệp ở Hoài Đức có thế mạnh phát triển về rau màu, cây ăn quả, trong đó, hiện Hoài Đức có hơn 200 ha rau màu có giá trị sản xuất cao; các loại cây quả có giá trị cao như: nhãn chín muộn thu khoảng 600-700 triệu/ha/năm, phật thủ trên 1tỷ/ha/năm…

Theo ông Đỗ Đức Trung, nhãn chín muộn (có sau nhãn đúng vụ 1-1,5 tháng) của huyện Hoài Đức năm nay xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Đông Nam Á, vùng nhãn chín muộn của Hoài Đức được trồng theo theo đúng tiêu chuẩn ViệtGap nên có thương hiệu và giá trị cao.

Về giá trị công nghiệp xây dựng trong 9 tháng năm 2016, huyện đạt trên 5.400 tỷ đồng, đạt 73,8% kế hoạch năm, tăng 11% so với cùng kỳ. Trong đó với trên 11 làng nghề được công nhận, giá trị sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp của huyện đã đạt trên 3.900 tỷ đồng, đạt 74,8% kế hoạch, giải quyết việc làm cho trên 44 nghìn lao động.

Theo ông Trung, tình hình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, sản phẩm của các làng nghề ngày càng được mở rộng thị trường góp phần tăng cao giá trị sản xuất và thu thập của người dân.Trong lĩnh vực hàng hoá, dịch vụ, huyện thực hiện được trên 5.200 tỷ đồng, đạt 74,9% kế hoạch năm.

Trong công tác giải phóng mặt bằng, Hoài Đức đang đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch đất dịch vụ còn thiếu, các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất dịch vụ, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục dự án đầu tư sau điều chỉnh quy hoạch để triển khai thi công. Tiếp tục rà soát đối với các hộ còn khó khăn, vướng mắc trong công tác xét hộ; phê duyệt phương án giao đất, quy chế bắt thăm của xã Đắc Sở, Lại Yên và xã La Phù và hướng dẫn điều chỉnh phương án giao đất, quy chế bắt thăm của xã Kim Chung, thị trấn Trạm Trôi. Huyện cũng đang triển khác bước quy hoạch phân khu trung tâm hành chính huyện, quy hoạch chi tiết xây dựng các xã trong vùng phát triển đô thị, vùng ngoài đô thị và quy hoạch thị trấn trạm Trôi…

Hiện nay, Hoài Đức còn 10 nghìn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đang phấn đấu hết 2016 hoàn thành xong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa. Tồn tại trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của huyện chủ yếu do tranh chấp, vì vậy Hoài Đức đang thực hiện phân loại những tranh chấp mang tính chất phức tạp như tranh chấp trong gia đình, tập trung xử lý hoà giải những tranh chấp dễ giải quyết hơn thực hiện trước.

Về xử lý môi trường các làng nghề, Hoài Đức hiện có các nhóm làng nghề chế biến nông sản, cơ khí, dệt may, mỹ nghệ… hiệu quả kinh tế  mang lại đã rõ nhưng sản xuất gắn làng nghề ở Hoài Đức gắn với dân cư. Việc xử lý nước thải làng nghề tại Hoài Đức được cả Thành phố, Chính phủ quan tâm bởi ảnh hưởng môi trường do sản xuất của các làng nghề không những cho khu vực Hoài Đức mà cả vùng lân cận.

Trong đó, nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà vừa được khởi công xây dựng với vốn đầu tư sấp xỉ 300 tỷ đồng, xử lý 30 nghìn m3/ngày để đáp ứng xử lý nước thải tại 3 làng nghề Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế. Ngoài ra, TP. Hà Nội còn đầu tư 2 nhà máy xử lý nước thải tại Hoài Đức, Sơn Đồng, Vân Canh. Nếu 3 nhà máy hoàn chỉnh sẽ xử lý được nước thải của các làng nghề huyện Hoài Đức.

Tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải với huyện Hoài Đức tháng 8/2016, lãnh đạo huyện đề xuất cơ chế để huyện đạt các tiêu chí lên quận vào năm 2020. Huyện đã đề nghị Thành phố chỉ đạo triển khai nhanh, đồng bộ tuyến đường Vành đai 3,5 đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến Quốc lộ 32; tuyến đê Tả Đáy chạy qua 9 xã dài 16,5 km; tuyến liên khu vực 1 từ Đại lộ Thăng Long đến thị trấn Trạm Trôi. Huyện Hoài Đức cũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch hai bên Đại lộ Thăng Long và Quốc lộ 32 để thu hút nhà đầu tư xây dựng trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm.

Liên quan đến đề nghị này, ông Đỗ Đức Trung cho biết, nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hoài Đức lần thứ 23 nhiệm kỳ 2015-2020 có nêu mục tiêu tổng quát phát triển Hoài Đức hiệu quả bền vững theo hướng đô thị.

Theo ông Trung, từ khi có các quy hoạch phân khu, lãnh đạo huyện Hoài Đức đã có ý tưởng từng bước thực hiện nâng cấp Hoài Đức lên quận theo 5 tiêu chí: Tỷ lệ nông nghiệp dưới 5%; lao động phi nông nghiệp trên 80% (hiện huyện đã đạt tỷ lệ trên 84%) và các tiêu chí về hạ tầng, thu nhập, dân số. Hiện nay, huyện còn phải nỗ lực rất lớn trong tiêu chí hạ tầng khung về giao thông đô thị để có thể phát triển lên quận vào năm 2020.

Gia Huy

Top