Hoàn Kiếm nỗ lực bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa
(Chinhphu.vn) - Quận Hoàn Kiếm xác định việc bảo tồn đi đôi với phát triển, bảo tồn các công trình trên cơ sở không mất đi bản sắc. Quận không chỉ giữ giá trị kiến trúc ban đầu mà còn trở thành các không gian nghệ thuật, tổ chức các sự kiện nghệ thuật, triển lãm tại các công trình kiến trúc, tạo sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại.

Quận Hoàn Kiếm xác định việc bảo tồn đi đôi với phát triển, bảo tồn các công trình trên cơ sở không mất đi bản sắc. Ảnh: VGP
Quận Hoàn Kiếm là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hoá; nơi đã và đang chứa đựng một kho tàng giá trị vật thể (có 190 di tích lịch sử văn hóa, di tích Cách mạng kháng chiến với 52 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, di tích Đền Ngọc Sơn - Hồ Hoàn Kiếm, Đền Bạch Mã là di tích Quốc gia đặc biệt, 38 di tích cấp Quốc gia, 12 di tích cấp Thành phố; 33 di tích Cách mạng kháng chiến đã được gắn biển công nhận;,… cũng như các giá trị phi vật thể đa dạng, hấp dẫn (văn hóa ẩm thực; các hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian, các lễ hội truyền thống) đã góp phần làm nên dấu ấn Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Việc bảo tồn các di tích, các công trình kiến trúc văn hóa, tạo ra các không gian sáng tạo, phát huy các giá trị của các không gian lịch sử, văn hóa là trọng tâm của việc phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, các hoạt động văn hoá khác sẽ được quản lý theo hướng lấy các di tích văn hoá làm trung tâm để tạo ra hệ sinh thái phát triển phù hợp, nhất quán với đặc thù của quận.
Sau khi bảo tồn, tu bổ, quận tiếp tục duy trì chức năng di tích nhưng phát huy thành những không gian trưng bày nghệ thuật, tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại các di tích như: tại Ngôi nhà Di sản - 87 Mã Mây, đình Đồng Lạc - 38 Hàng Đào, Trung tâm Thông tin di sản Phố cổ - 28 Hàng Buồm, Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm và Trung tâm giao lưu văn hóa Phố Cổ 50 Đào Duy Từ...; triển khai hoạt động "chuyện Đình trong phố" tại đình Kim Ngân - 42, 44 Hàng Bạc, đình Nam Hương - Hàng Trống, đình Hà Vĩ - 11 Hàng Hòm, đình Trung Yên - 10 ngõ Trung Yên, đình Tú Thị - 2 Yên Thái. Từ năm 2020 đến nay, Quận đã tổ chức trên 450 hoạt động trưng bày, triển lãm, biểu diễn, tọa đàm, hội thảo...
Việc tổ chức không gian công cộng đã thể hiện sự linh hoạt và sáng tạo trong việc kết hợp điểm tĩnh và các hoạt động cộng đồng với không gian văn hóa sáng tạo, tạo nên những đặc trưng nổi bật của khu vực.
Các không gian công cộng và văn hóa sáng tạo đã tạo ra điểm đến vui chơi, thư giãn cho cư dân và du khách, đồng thời hòa nhập với văn hóa toàn cầu và các vùng miền khác. Những hoạt động trong không gian đi bộ và các khu vực văn hóa sáng tạo đã thu hút sự quan tâm của người dân và du khách, góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa khu phố cổ và cảnh quan hồ Hoàn Kiếm.
Theo bà Lê Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, khẳng định việc tôn vinh di sản không chỉ giới hạn trong phạm vi văn hóa mà còn phải mở rộng ra thế giới. Khi nhắc đến Hoàn Kiếm, người ta thường nghĩ đến Hồ Gươm cổ kính, 36 phố phường rêu phong, những mái nhà nhuốm màu thời gian. Giữ gìn di sản ấy để làm sao di sản được tiếp tục "sống", tiếp tục "thở", tiếp tục lan tỏa trong một thế giới đang thay đổi từng ngày.
Trong những năm qua, việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đã góp phần tôn vinh và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, nâng cao ý thức trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân tham gia vào công tác bảo tồn, quảng bá, giáo dục truyền thống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân trên địa bàn.
Sau thời gian dài, kiên trì với việc bảo tồn, phát huy các di sản và phát triển các không gian văn hoá, đến thời điểm hiện tại quận Hoàn Kiếm đã trở thành điểm đến có sức hút với du khách trong và ngoài nước. Trong thời gian qua, quận Hoàn Kiếm đã thực hiện bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống kết hợp với các loại hình nghệ thuật đương đại, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, thể hiện được tính sáng tạo, độc đáo của nghệ thuật truyền thống.
Hoàn Kiếm tổ chức các sự kiện, giao lưu các loại hình nghệ thuật dân gian tại các địa điểm xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, các tuyến phố đi bộ, khu vực chợ Đồng Xuân và tại các di tích, danh thắng như: Ô Quan Chưởng, Đền Bạch Mã - 76 Hàng Buồm, Đình Kim Ngân 42 - 44 Hàng Bạc, Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội 50 Đào Duy Từ, Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm.
Bên cạnh đó, Quận đã chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cổ, Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm thành điểm quảng bá, kết nối giao lưu văn hóa để phát triển du lịch; xây dựng app Ẩm thực Hoàn Kiếm.
Đồng thời Quận tập trung bảo tồn các công trình kiến trúc đặc trưng như: các ngôi nhà cổ trên phố Tạ Hiện, Lãn Ông, các ngôi đình tổ nghề, đền, nhà cổ, biệt thự 46 phố Hàng Bài; cải tạo hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội 02 phường Chương Dương, Phúc Tân để tập trung khai thác, phát triển du lịch khu vực ngoài đê. Tổ chức cuộc thi ý tưởng phát triển bãi giữa, bãi ven sông Hồng thành công viên văn hóa, du lịch.
Minh Thư