Hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển kinh tế tập thể

24/03/2025 10:04 PM

(Chinhphu.vn) - Phát triển kinh tế tập thể góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên hợp tác xã, đồng thời khai thác được các thế mạnh nông nghiệp địa phương, bảo đảm an sinh xã hội. Vì vậy, Hà Nội sẽ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển hợp tác xã, trang trại để góp phần nâng cao đời sống cho bà con nông dân.

Hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển kinh tế tập thể- Ảnh 1.

Phát triển mô hình kinh hợp tác xã, trang trại góp phần nâng đời sống cho bà con nông dân. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Theo Sở NN&MT Hà Nội, hiện trên địa bàn Thành phố có 1.530 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó 1.336 hợp tác xã đang hoạt động. Các hợp tác xã nông nghiệp cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất của các hộ thành viên. Nhiều hợp tác xã đã tạo sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, tập trung vào chức năng thực hiện dịch vụ cho các hộ thành viên và nhân dân, đã làm tốt công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, bảo đảm về thời vụ, bố trí cây trồng hợp lý, đưa giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng, giá trị cao vào sản xuất.

Bên cạnh đó đã chú trọng cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như đầu tư trang thiết bị máy móc công cụ làm dịch vụ sản xuất, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, hệ thống chuồng trại tiên tiến để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm từng bước mở rộng sản xuất kinh doanh tăng thu nhập cho hợp tác xã. Đặc biệt, một số hợp tác xã đã liên doanh, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp.

Các hợp tác xã nông nghiệp đã tổ chức trên 10 khâu dịch vụ, điển hình như: Dịch vụ bảo vệ hoa màu, dự thính dự báo sâu bệnh, công tác khuyến nông, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, dịch vụ làm đất, mạ khay máy cấy, gặt máy, dịch vụ vật tư nông nghiệp, dịch vụ giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật... Để phục vụ thành viên và nông dân, các hợp tác xã xây dựng đơn giá dịch vụ đủ chi công quản lý và chi phí khác, được thông qua đại hội thành viên, nên giá dịch vụ thấp hơn so với thị trường. Với mục tiêu mang lại lợi ích và hỗ trợ thành viên nhiều nhất, tạo điều kiện gắn người dân với đồng ruộng, hạn chế việc bỏ ruộng, đảm bảo diện tích gieo trồng, tạo sự gắn kết giữa thành viên với hợp tác xã, thành viên tin tưởng vào sự điều hành của hội đồng quản trị hợp tác xã.

Hiện nay Hà Nội đã hình thành các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và chú trọng xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Thành phố có 166 hợp tác xã nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, nông nghiệp hữu cơ, HACCP; 68 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; 80 hợp tác xã nông nghiệp có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; 134 hợp tác xã nông nghiệp với 448 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP…

Điển hình như hợp tác xã sản xuất và cung ứng rau quả sạch Thắng Lợi, xã Văn Khê, huyện Mê Linh, trên diện tích 15ha tại xứ đồng bãi xa bồi, với 4 thành viên, đơn vị đã thống nhất mục tiêu phát triển mô hình chuối phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Từ năm 2021 đến nay, để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, hợp tác xã đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cấp mã số vùng trồng, sản phẩm chuối xuất khẩu được cấp giấy chứng nhận an toàn VietGAP.

Theo ông Trương Văn Thường, Giám đốc hợp tác xã, việc cấp mã vùng trồng, quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ, đạt chuẩn VietGAP đã giúp hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm được dễ dàng. Hàng năm, hợp tác xã đã tiêu thụ được từ 600-800 tấn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, góp phần nâng cao giá trị hàng nông sản.

Về phát triển kinh tế trang trại, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 1.574 trang trại. Trong đó, có 14 trang trại có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; 23 trang trại có chứng nhận sản phẩm OCOP; 77 trang trại có sản phẩm VietGAP, hữu cơ; có 366 trang trại có ứng dụng công nghệ cao; 283 trang trại có liên kết sản xuất và tiêu thụ… Đồng thời đã hình thành một số trang trại kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái có hiệu quả kinh tế cao như: Trang trại giáo dục Erahose, quận Long Biên; trang trại trải nghiệm Vạn An, huyện Thanh Trì; trang trại Bò sữa, huyện Ba Vì…

Hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển kinh tế tập thể- Ảnh 2.

Phát triển kinh tế tập thể vừa phát huy được thế mạnh địa phương vừa tăng cao thu nhập cho các thành viên hợp tác xã. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Phát triển kinh tế trang trại góp phần sử dụng hiệu quả đất đai, vốn, bước đầu chuyển giao khoa học kỹ thuật; cung cấp cho thị trường số lượng nông sản lớn với các sản phẩm nông nghiệp đa dạng, phong phú. Qua đó góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hóa, tạo ra nhiều vùng sản xuất tập trung, tạo tiền đề cho công nghiệp chế biến nông sản phát triển, đưa công nghiệp và các ngành nghề dịch vụ vào nông thôn.

Thu nhập của các trang trại ngày một nâng cao nhờ việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời hình thành đội ngũ đầu tàu trong nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm, tạo đột phá trong nhóm "Kinh tế tư nhân", góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần thiết thực vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Các trang trại đã ngày càng quan tâm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng. Nhiều trang trại đã liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Với những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển hợp tác xã, trang trại. Xây dựng và hỗ trợ tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, trang trại theo giai đoạn và hàng năm; thực hiện củng cố, kiện toàn các hợp tác xã nông nghiệp; phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị; tổ chức lại, hợp nhất, sáp nhập các hợp tác xã để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Đẩy mạnh hỗ trợ thực hiện lựa chọn, hoàn thiện và nhân rộng các mô hình hợp tác xã trong các ngành, lĩnh vực, các mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả. Có chính sách hỗ trợ để tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng của hợp tác xã.

Phát triển hợp tác xã nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hợp tác xã dịch vụ tổng hợp, hợp tác xã nông nghiệp kết hợp hoạt động du lịch nông nghiệp nông thôn. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất các phương án, giải pháp phù hợp đối với các hợp tác xã ngừng hoạt động, tạm ngừng hoạt động đảm bảo hiệu quả, đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Phát triển các dạng hình kinh tế trang trại, gia trại theo chuỗi liên kết, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề, nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất và đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của Thành phố.

Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào trang trại quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm an toàn. Đối với chỉ tiêu 80% hợp tác xã hoạt động hiệu quả còn nhiều khó khăn, đề nghị UBND các huyện, thị xã có kế hoạch phối hợp với các sở ngành liên quan để nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng của các hợp tác xã.

Thiện Tâm

Top