Hơn 100 sản phẩm OCOP đạt tiềm năng 4 và 5 sao

30/12/2024 2:08 PM

(Chinhphu.vn) - Toàn thành phố Hà Nội đánh giá cấp huyện được 613 sản phẩm OCOP. Trong đó có 118 (chiếm 19,5%) sản phẩm của 17 quận, huyện đạt tiềm năng 4 sao, 5 sao đủ điều kiện trình Hội đồng OCOP Thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng.

Hơn 100 sản phẩm OCOP đạt tiềm năng 4 và 5 sao- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TP. Hà Nội phát biểu tại chương trình. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Ngày 30/12, Hội đồng OCOP TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024 của 17 quận, huyện.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TP. Hà Nội cho biết, Hà Nội xác định OCOP là chương trình có ý nghĩa rất lớn, phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời góp phần tiếp tục tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Thực hiện Kế hoạch số 322/KH-UBND ngày 28/12/2023 của UBND Thành phố về triển khai thực hiện chương trình OCOP thành phố Hà Nội năm 2024; Kế hoạch số 21/KH-HĐOCOP ngày 27/02/2024 của Hội đồng OCOP Thành phố về việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2024; theo Kế hoạch năm 2024 Thành phố dự kiến đánh giá, phân hạng khoảng 400 sản phẩm.

Hơn 100 sản phẩm OCOP đạt tiềm năng 4 và 5 sao- Ảnh 2.

Sản phẩm OCOP tham dự hội nghị đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Theo ông Nguyễn Văn Chí, thời gian qua các chủ thể OCOP đã nỗ lực, tập trung trong công tác chỉ đạo thực hiện chương trình OCOP năm 2024 của các quận, huyện Văn phòng Điều phối nông thôn mới Thành phố, Tổ Tư vấn và sự tham gia nhiệt tình của các chủ thể, đơn vị tư vấn.

Trình tự đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được thực hiện qua các cấp. Trong đó, cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ sản phẩm; Tổ tư vấn Hội đồng tiến hành thẩm định, đánh giá hồ sơ, kiểm tra thực tế cơ sở, lấy mẫu phân tích chất lượng sản phẩm (đối với những sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống, thảo dược). Tổng hợp kết quả đánh giá, xây dựng báo cáo trình Hội đồng cấp tỉnh để tổ chức Hội đồng cấp tỉnh đánh giá, phân hạng, trình UBND cấp tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và Giấy chứng nhận, tổ chức công bố kết quả cho các sản phẩm đạt 4 sao, trình Trung ương đánh giá, phân hạng các sản phẩm tiềm năng 5 sao. Cuối cùng là cấp Trung ương sẽ tiếp nhận hồ sơ sản phẩm, Bộ NN&PTNT tổ chức đánh giá, phân hạng, ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và Giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 5 sao (là sản phẩm OCOP cấp quốc gia), tổ chức công bố kết quả.

Hơn 100 sản phẩm OCOP đạt tiềm năng 4 và 5 sao- Ảnh 3.

Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024 của 17 quận, huyện. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Đến nay 30/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã hoàn thành việc đánh giá, phân hạng. Kết quả toàn Thành phố đánh giá cấp huyện được 613 sản phẩm, trong đó có 118 (chiếm 19,5%) sản phẩm của 17 quận, huyện đạt tiềm năng 4 sao, 5 sao đủ điều kiện trình Hội đồng OCOP Thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng trong ngày hôm nay.

Để hội nghị đạt kết quả cao, ông Nguyễn Văn Chí đề nghị các thành viên Hội đồng bám sát những tiêu chí đã được quy định tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Quy chế hoạt động của Hội đồng OCOP Thành phố để đánh giá khách quan, công bằng, công khai minh bạch đối với tất cả các tiêu chí của từng sản phẩm.

Sau khi sản phẩm được chứng nhận OCOP, đề nghị UBND các quận, huyện tiếp tục quan tâm hỗ trợ công tác phát triển, nâng cấp sản phẩm; công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm. Đồng thời tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giúp các chủ thể giới thiệu, quảng bá và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát về việc duy trì và phát triển sản phẩm OCOP đã được chứng nhận, góp phần thúc đẩy chương trình OCOP đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Đối với các chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP tiếp tục phát huy những mặt tích cực, duy trì chất lượng sản phẩm, quan tâm đầu tư phát triển nâng cấp sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng. Chấp hành tốt những quy định của pháp luật về Chương trình OCOP.

Thiện Tâm

Top