Kết nối tiêu thụ sản phẩm làng nghề, OCOP, nông sản tại huyện Thạch Thất

19/12/2024 3:35 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 19/12, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thạch Thất và các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức Khai mạc Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn năm 2024 trên địa bàn huyện.

Kết nối tiêu thụ sản phẩm làng nghề, OCOP, nông sản tại huyện Thạch Thất- Ảnh 1.

Các đại biểu cắt băng khai mạc sự kiện. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, đây là cơ hội giúp các chủ thể OCOP của Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước giao lưu, kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực chủ thể OCOP đặc biệt là người tiêu dùng hiểu biết hơn về sản phẩm để quan tâm sử dụng.

Hà Nội là "Đất trăm nghề" hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 334 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được UBND Thành phố công nhận; có 1.090 HTX nông nghiệp đang hoạt động; 1.695 trang trại; 149 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm; với hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao, trên 13.000 sản phẩm nông lâm thủy sản đã được cấp mã truy xuất nguồn gốc (QRCode), đặc biệt Hà Nội và 43 tỉnh, thành phố trên cả nước đã chủ động, tích cực duy trì và hỗ trợ phát triển 977 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố Hà Nội.

Lũy kế từ 2019 đến nay, Thành phố đã đánh giá, chứng nhận 3.021 sản phẩm OCOP, trong đó: 6 sản phẩm 5 sao, 16 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.538 sản phẩm 4 sao và 1.461 sản phẩm 3 sao. Năm 2024, Thành phố tiếp tục đánh giá, phân hạng khoảng 500 sản phẩm nhằm hỗ trợ các chủ thể OCOP phát triển, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và tiến tới xuất khẩu.

Kết nối tiêu thụ sản phẩm làng nghề, OCOP, nông sản tại huyện Thạch Thất- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội và ông Phùng Khắc Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất thăm quan gian hàng tại chương trình. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Phát biểu tại chương trình, ông Phùng Khắc Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết, Tuần hàng được mở ra với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn toàn thành phố có sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tiếp cận, kết nối với các nghệ nhân, thợ giỏi, nhà thiết kế trẻ và cơ sở công nghiệp nông thôn ở các làng nghề để đưa các thiết kế mới, chất lượng cao vào sản xuất phục vụ người tiêu dùng, đáp ứng tốt nhất yêu cầu thị trường.

Đồng thời, để hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tại Tuần hàng hôm nay với quy mô hơn 50 gian hàng với các sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản, thực phẩm an toàn, chất lượng, mẫu mã đẹp. Hội LHPN huyện Thạch Thất tham dự giới thiệu sản phẩm của hội viên tại các làng nghề truyền thống để trưng bày giới thiệu đến nhân dân và khách tham quan. Tuần hàng được phối hợp tổ chức sẽ là cơ hội gặp gỡ giao lưu kinh tế, xúc tiến thương mại, phát triển sản xuất của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh của các làng nghề truyền thống đến người tiêu dùng nhằm tạo động lực tích cực để xây dựng thương hiệu, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tổ chức trong thời gian 5 ngày (từ 18 - 22/12), việc tổ chức Tuần hàng sẽ là cơ hội để tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng phục vụ những nhu cầu thiết thực của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đồng thời cũng tạo những trải nghiệm phong phú và ấn tượng thân thiện, sâu sắc về văn hóa, con người huyện Thạch Thất trong lòng người dân đến thăm quan, giao lưu, mua sắm.

Thiện Tâm

Top