Hơn 2 nghìn sản phẩm OCOP của đồng bằng sông Hồng quy tụ về Hà Nội
(Chinhphu.vn) - Ngày 7/10, thành phố Hà Nội tổ chức Sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Phát biểu tại chương trình, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, công nghiệp tiểu thủ công nghiệp có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế; là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Đồng thời đây cũng là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chương trình đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Thủ đô Hà Nội là đất trăm nghề, với 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Trong số đó có 318 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND Thành phố công nhận. Mỗi làng nghề Hà Nội đều mang một bản sắc riêng với sự kết tinh sáng tạo của những bàn tay người thợ và tình yêu nghề, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Nhờ những lợi thế đó, Hà Nội có trên 11.000 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code, có 1.649 sản phẩm OCOP, chiếm 19% của cả nước (8.340 Sản phẩm). Trong đó có 4 sản phẩm 5 sao; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã trình Bộ NN&PTNT xem xét đánh giá, phân hạng; 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao.
Sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh ĐBSH năm 2022 thu hút hơn 100 gian hàng, với trên 2.000 sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của Hà Nội, 9 tỉnh ĐBSH và 20 tỉnh, thành trong cả nước. Đồng thời có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội giúp các chủ thể OCOP của Hà Nội và các tỉnh ĐBSH nói riêng và các tỉnh, thành trên cả nước nói chung.
Bên cạnh đó còn tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, tiếp cận các giải pháp chuyển đổi số nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; nâng cao năng lực cho chủ thể OCOP về năng lực cộng đồng và tinh thần hợp tác. Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kỹ năng quản trị; sáng tạo về sản phẩm, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, tăng cường sử dụng và khai thác thương hiệu cộng đồng các sản phẩm từ khu vực nông thôn.
Sự kiện cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu, trao đổi giữa các chủ thể OCOP và các tổ chức, cá nhân nhằm ứng dụng tiến bộ khoa học, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển chuỗi giá trị bền vững. Tiếp cận thị trường, nhất là việc đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội. Qua đó góp phần xây dựng và quản lý đồng bộ, hiệu quả thương hiệu OCOP Việt Nam (nhãn hiệu chứng nhận); tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ, nâng cao hình ảnh, khả năng nhận diện và giá trị sản phẩm OCOP trên thị trường gắn với việc đẩy mạnh tuyên truyền Chương trình "Người Việt Nam, ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Thiện Tâm