Hợp tác xã nông nghiệp: Nỗ lực đưa công nghệ vào sản xuất

14/05/2022 9:25 AM

(Chinhphu.vn) - Một trong những yếu tố then chốt tạo nên thành công của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp phải kể đến việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ áp dụng các phương pháp sản xuất tiên tiến đã giúp nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như năng suất cho các HTX nông nghiệp tại Thủ đô.

Hợp tác xã nông nghiệp: Nỗ lực đưa công nghệ vào sản xuất - Ảnh 1.

Phát triển vùng chuyên canh RAT gắn với tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: VGP/Thành Nam

Nhiều cách làm hay, hiệu quả từ các hợp tác xã

Hợp tác xã nông nghiệp Văn Đức, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội được biết đến là vùng rau an toàn lớn nhất Thủ đô với diện tích hơn 250 ha, trong đó có 15 ha trồng rau theo quy trình VietGAP. Tất cả các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch rau đều có nhật ký ghi chép về thời điểm bón phân, loại phân bón, diện tích bao nhiêu hay công đoạn tưới nước đều được tự động hóa dưới sự giám sát của các tổ trưởng do HTX bầu ra và cán bộ của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội.

Vì vậy, rau của Văn Đức có tem kiểm định và mã truy xuất nguồn gốc, được người tiêu dùng đón nhận ngay cả trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhờ tham gia sàn thương mại điện tử, qua đó giữ được thị trường tiêu thụ ổn định.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc HTX nông nghiệp Văn Đức, mỗi ngày đơn vị cung cấp ra thị trường khoảng 30 tấn rau, doanh thu khoảng 8 tỉ đồng (năm 2021).

Là một xã thuần nông nằm ở phía Tây Nam của huyện Mê Linh (Hà Nội), những năm qua, xã Tiến Thịnh đã đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng nông thôn mới, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Khánh Phong Nguyễn Thế Lâm chia sẻ, anh bắt đầu trồng cây ăn quả hữu cơ từ đầu năm 2015. Để có thành quả như hiện tại, anh đã trải qua vô vàn khó khăn, từ việc cải tạo cánh đồng đến quá trình lựa chọn cây trồng, chăm sóc cây.

Với những cách làm sáng tạo, đổi mới, phù hợp với xu hướng của thị trường, mỗi năm, HTX Dịch vụ nông nghiệp Khánh Phong mang doanh thu từ 600 tới 700 triệu đồng, tạo công ăn việc làm thời vụ cho nhiều lao động địa phương.

Tương tự, mô hình trồng nhãn chín muộn của HTX Đại Thành (huyện Quốc Oai) cũng đã mang lại hiệu quả trông thấy. Theo ông Trần Anh Khoa, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xã Đại Thành, HTX có hơn 1.600 hộ trồng nhãn, diện tích 215 ha, trong đó 60 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng ước đạt 2.500 tấn quả/vụ. Sản phẩm nhãn chín muộn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận nhãn hiệu tập thể.

Hay như mô hình trồng rau an toàn của HTX Ba Chữ (xã Vân Nội, huyện Đông Anh). Nắm bắt nhu cầu sử dụng các thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc, xuất xứ của người tiêu dùng, HTX Ba Chữ đã đẩy mạnh trồng rau hữu cơ, không sử dụng thuốc hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ chú trọng sản xuất rau an toàn, chất lượng, HTX Ba Chữ ngày càng khẳng định niềm tin với người tiêu dùng.

Thời điểm hiện tại, HTX Ba Chữ có hơn 30 chủng loại sản phẩm rau đa dạng, phong phú, trải đều các vụ trong năm như: Rau cải bắp trắng, tím, súp lơ, cải bó xôi, su hào, rau cần, cà chua, cà rốt, rau cải các loại, mướp, rau gia vị…

Sản xuất tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm

Một trong những yếu tố then chốt tạo nên thành công của các HTX nông nghiệp phải kể đến việc áp dụng khoa học, kĩ thuật vào sản xuất. Mô hình trồng rau an toàn (RAT) tại thôn Vĩnh Thượng, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa đang phát huy hiệu quả kinh tế, giúp nhiều nông dân nâng cao thu nhập. Đây cũng là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên được triển khai trên địa bàn huyện.

Năm 2016, được sự hỗ trợ của huyện Ứng Hòa, HTX Nông nghiệp Vĩnh Thượng thí điểm trồng 5 ha RAT. Nhờ sử dụng phân bón sinh học nên RAT sinh trưởng, phát triển tốt, giảm sâu bệnh, cho giá trị kinh tế cao hơn trồng rau thông thường 40 triệu đồng/ha. Nhận thấy hiệu quả, HTX đã mở rộng diện tích sản xuất lên 27 ha và được Sở NN&PTNT Hà Nội chứng nhận là vùng đủ điều kiện sản xuất RAT.

Cùng với phát triển vùng chuyên canh RAT gắn với tiêu thụ sản phẩm, HTX Nông nghiệp Vĩnh Thượng còn mạnh dạn xây dựng mô hình trồng rau trong nhà kính 5.000 m2, với tổng kinh phí trên 1,6 tỉ đồng (trong đó huyện hỗ trợ 70%, xã viên đóng góp 30%). Mô hình được thiết kế hiện đại, đồng bộ với giàn tưới nước, phun sương tự động, sử dụng hoàn toàn phân bón sinh học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Vĩnh Thượng Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết, việc trồng rau nhà kính có nhiều ưu điểm vượt trội như tránh được tác động của thời tiết, hạn chế dịch bệnh, chủ động được chế độ dinh dưỡng cho cây nên đạt năng suất, chất lượng cao gấp nhiều lần so với trồng rau theo phương thức truyền thống. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ cao còn giúp nông dân trồng được các loại rau, quả trái vụ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ rau hữu cơ Cuối Quý (huyện Đan Phượng) có 5 ha trồng rau ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới, tưới tự động. Theo Giám đốc Hợp tác xã Đặng Thị Cuối, công nghệ này không chỉ hạn chế được tối đa sâu bệnh mà còn giảm công chăm sóc, giá trị canh tác bình quân đạt gần 6,7 tỉ đồng/ha.

Có thể thấy, lợi ích từ việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp là rất lớn, tuy nhiên, hiện nay nhiều HTX vẫn còn ngần ngại bởi chi phí đầu tư là khá lớn. Do đó, nhiều HTX trên địa bàn Thành phố mong muốn sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ sản xuất, góp phần nâng cao năng suất sản phẩm.

Thành Nam

Top