HPA hỗ trợ tiếp thị hàng nông sản của các Hợp tác xã

21/12/2022 9:47 PM

(Chinhphu.vn) - Cuối tuần này, Chương trình "Tự hào nông sản Việt" do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức sẽ giúp hỗ trợ doanh nghiệp, các đơn vị cung cấp sản phẩm nông sản, sản phẩm xanh của các hợp tác xã tiếp cận thị trường tiêu dùng Thủ đô.

HPA hỗ trợ tiếp thị hàng nông sản của các Hợp tác xã  - Ảnh 1.

Chương trình sẽ diễn ra từ ngày 23-25/12/2022, tại khu vực không gian vỉa hè phố Lê Thái Tổ ven hồ Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội

Ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) cho biết, đây là hoạt động do HPA chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhằm thực hiện và cụ thể hóa các chương trình hợp tác của Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước với tinh thần "Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội".

Với quy mô từ 100-150 gian hàng và các mô hình tiểu cảnh, trang trí. Trong đó bao gồm Khu gian hàng miễn phí hỗ trợ các tỉnh, thành phố quảng bá giới thiệu nông sản, sản phẩm OCOP tiêu biểu, đặc sản vùng miền của các tỉnh, thành phố với 40 đến 60 gian. Chương trình "Tự hào nông sản Việt" hứa hẹn mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp, các đơn vị cung cấp sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến sản xuất theo chuỗi liên kết; sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm xanh của các hợp tác xã tiếp cận thị trường tiêu dùng Thủ đô.

"Đồng thời, cũng sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp của Hà Nội giới thiệu sản phẩm, tiếp cận, cập nhật thông tin về thị trường, các dịch vụ, chế độ chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn của các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế. Tạo mối liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước-Nhà khoa học-Nhà doanh nghiệp-Nhà nông…", ông Lực nhấn mạnh.

Những khâu cuối cùng để chương trình diễn ra đúng kế hoạch (từ ngày 23-25/12/2022, tại khu vực không gian vỉa hè phố Lê Thái Tổ ven hồ Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) đã được hoàn tất.  Các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn Thành phố cũng đã sẵn sàng đồng hành để mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng tốt, hàng Việt Nam chất lượng cao.

Trong khuôn khổ sự kiện, HPA còn phối hợp đơn vị liên quan có một số hoạt động bên lề như các hoạt động quảng bá, kết nối dùng thử sản phẩm tại gian hàng; các hoạt động trình diễn, chế biến sản phẩm tại chỗ; hoạt động tham quan, mua sắm sản phẩm và check in...

Đại diện Trung tâm Phát triển Công thương – Sở Công thương Vĩnh Phúc cho hay, đơn vị đã đăng ký 02 gian hàng giới thiệu, trưng bày một số sản phẩm trái cây trong mùa vụ, sản phẩm OCOP và một số sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiểu biểu của tỉnh như: Trà Giảo cổ lam – Tam Đảo; Thanh long ruột đỏ - Lập Thạch và các sản phẩm từ mật ong Tam Đảo – Bình Xuyên… đây cũng là dịp để Vĩnh Phúc được giới thiệu rộng hơn đến với bạn bè Hà Nội cũng như bạn bè khác trong cả nước, những sản phẩm nổi tiếng của Vĩnh Phúc.

Theo Chủ tịch Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Thanh Hóa Minh Tâm, "Tự hào nông sản Việt" đóng vai trò quan trọng và góp phần làm tăng hiệu quả, thành công cho hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch, thu hút du khách đến với địa phương. Bởi văn hóa ẩm thực nói chung được chắt lọc qua các món ăn, đồ uống đặc trưng và cách thức ăn uống tiêu biểu. Đó là cơ hội để khách du lịch được trải nghiệm những khía cạnh văn hóa truyền thống của Hà Nội cũng như cả nước. Trong đó, Thanh Hóa là địa phương có đầy đủ điều kiện và khả năng để phát triển thương hiệu du lịch thông qua các sản phẩm đặc sản, xuất phát từ những đặc điểm về địa lý, dân tộc.... Đây là cơ hội để các doanh nghiệp của Thanh Hoá tiếp cận sâu hơn với thị trường Thủ đô.

Đại diện lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội cho hay, về lâu dài, ngành nông nghiệp sẽ tổ chức kết nối để tiêu thụ những sản phẩm nông sản cho các địa phương chứ không chỉ mang tính chất mùa vụ. Qua đó kết nối rất nhiều những sản phẩm của các địa phương, đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa, đảm bảo việc cung cấp thực phẩm cho người dân sau đại dịch COVID-19.

Cũng theo lãnh đạo Sở Công thương, các địa phương sẽ phải hoàn toàn chủ động phương án tiêu thụ cho sản phẩm của mình còn Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội hay Trung tâm HPA sẽ chỉ là cầu nối giữa các địa phương khi số lượng nông sản quá lớn hay việc tiêu thụ gặp phải những bất trắc như dịch bệnh, thiên tai, bão lũ…

Thời gian qua, HPA cũng như Sở Công thương Hà Nội đã chủ động tổ chức những chương trình kết nối tiêu thụ nông sản khi mà dịch Covid-19 ảnh hưởng tới nguồn cung, ảnh hưởng đến việc vận chuyển.

Chia sẻ về những hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu dùng của HPA tổ chức thời gian gần đây, chị Lê Thị Thu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: "Đối với người tiêu dùng chúng tôi khi thấy những nông sản Việt, những hàng Việt Nam được đem ra quảng bá, giới thiệu tại Chương trình Tự hào nông sản Việt sắp tới hay Hội chợ Đặc sản vùng miền vừa qua, chúng tôi rất yên tâm. Bởi Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội đã đứng ra tổ chức những điểm này thì xuất xứ, nguồn gốc, an toàn rất đảm bảo".

Theo Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thành phố Hà Nội, nhờ các hoạt động như "Tự hào nông sản Việt", Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam, Festival Nông sản, sản phẩm OCOP Hà Nội năm 2022 tại Mê Linh…, sức mua của người tiêu dùng đối với hàng Việt ngày càng tăng cao và có tới hơn 90% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 75% người tiêu dùng khuyên người thân trong gia đình, bạn bè nên mua hàng Việt; tỷ trọng hàng Việt tại các chợ chiếm trên 70%...

Riêng với địa bàn Hà Nội, qua khảo sát một số siêu thị như Co.opmart, Vinmart, Hapro… cho thấy, hàng Việt đang chiếm tỷ lệ áp đảo với 90% - 95%. Còn tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài như AEON, Mega Market, Big C, hàng Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ từ 60% - 96%.

Ngoài ra, tại kênh phân phối là các chợ, các cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng từ 60% trở lên. Điều này đã cho thấy, nhận thức của người tiêu dùng đã thay đổi, không chỉ là sự vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" mà hiện tại, hàng Việt Nam đã trở thành lựa chọn không thể thiếu của người tiêu dùng Việt.

Để chương trình Tự hào nông sản Việt lan tỏa sâu rộng và hiệu quả hơn nữa, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và ứng dụng thương mại điện tử trong các hoạt động mua sắm hàng Việt Nam theo hình thức phù hợp với tình hình mới. Điều này nhằm nâng cao vị thế của hàng Việt Nam, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới để phục vụ người tiêu dùng Việt Nam, hướng tới đưa hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam và tự hào sử dụng hàng Việt Nam.

Minh Anh

Top