Hướng đến mục tiêu thành phố thông minh, an toàn
(Chinhphu.vn) - Ngày càng nhiều dự án, hệ thống giao thông sáng tạo liên quan giao thông thông minh được triển khai, thí điểm tại Việt Nam nói chung cũng như TP. Hà Nội nói riêng nhằm giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông, hướng đến mục tiêu thành phố thông minh, an toàn.
Nhằm nâng cao chất lượng giao thông và hạn chế tai nạn, nhiều quốc gia trên thế giới đang ngày càng ưu tiên phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS). Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế, một số thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM… bước đầu triển khai các gói giải pháp ứng dụng AI trong kiểm soát giao thông và thí điểm mô hình giao thông thông minh qua hệ thống giám sát và điều hành giao thông thông minh, các trạm soát vé không dừng.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, hệ thống giao thông thông minh cung cấp thông tin theo thời gian thực và giải pháp điều khiển giao thông linh hoạt bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm thời gian và chi phí đi lại, bảo vệ môi trường. ITS là yếu tố then chốt tạo nên hệ thống giao thông bền vững.
Có thể khẳng định ITS là công cụ để hiện thực hóa các chính sách giao thông. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông tại Hà Nội được đặt nền móng từ năm 2014, khi Sở Giao thông vận tải Hà Nội được UBND Thành phố giao triển khai dự án cải tạo, nâng cấp trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông và thiết bị ngoại vi (giai đoạn 1).
Hà Nội hiện có khoảng 2.300 nút giao thông, với 540 nút được lắp đặt đèn tín hiệu, trong đó 474 nút hiện đã được kết nối với Trung tâm điều khiển tại 54 Trần Hưng Đạo. Ngoài ra, Thành phố có 579 camera/149 nút giao thông, trong đó có 117 chiếc phục vụ quan sát giao thông, 195 chiếc phục vụ xử phạt nguội vi phạm; 267 chiếc dò xe.
Những năm qua, Hà Nội đã triển khai một số ứng dụng, tiện ích giao thông trong quản lý và phục vụ người dân như: Ứng dụng tìm kiếm xe buýt; camera giám sát bảo đảm an ninh trật tự trên xe buýt; phần mềm quản lý duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ; thí điểm thẻ vé điện tử trên một số tuyến buýt; dịch vụ tìm kiếm điểm trông giữ xe qua thiết bị di động - iParking (từ năm 2017-2020)…
Từ 13/1/2023, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phối hợp các đơn vị liên quan đã thử nghiệm lắp đặt biển báo giao thông có thông tin thay đổi (VMS). Đây là mô hình cảnh báo ùn tắc tại đường Vành đai 2 trên cao. Từ camera ghi nhận theo thời gian thực, màn hình VMS (khổ 1,6 x 1,4m) sẽ liên tục xuất hiện các thông tin như: Ngã Tư Sở ổn định, hoặc ùn cục bộ, chú ý chuyển hướng… kèm theo hình ảnh tương ứng, giúp người lái xe chọn hướng đi phù hợp.
Bên cạnh đó, Sở cũng thí điểm hệ thống cảnh báo phương tiện quá giới hạn chiều cao tại cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc từ ngày 1/12/2022. Cầu vượt này trước đây nhiều lần bị xe khách, xe tải có chiều cao vượt quá quy định… cố tình di chuyển lên cầu, làm sập khung hạn chế, gây ùn tắc và mất an toàn giao thông. Do đó, camera và biển báo điện tử được lắp đặt ở lối lên xuống hai đầu cầu để cảnh báo các phương tiện vượt quá chiều cao quy định. Biển báo tại đây có khả năng phát hiện, phân loại, nhận diện các loại xe tải, xe quá khổ, xe khách… nếu phương tiện vi phạm thì hệ thống sẽ phát hình ảnh biển số xe lên bảng điện tử.
Xây dựng hệ thống ITS mang tính lâu dài, thống nhất
Đến nay, hệ thống biển báo điện tử thông minh VMS nhận được kết quả tích cực từ phía người tham gia giao thông, đồng thời góp phần hạn chế rõ rệt tình trạng ùn tắc và tai nạn. Trước hiệu quả đạt được, nhiều người cho rằng mô hình VMS nên nghiên cứu nhân rộng cùng với các phương thức ứng dụng ITS khác nhằm góp phần hình thành hệ thống giao thông thông minh cho Hà Nội và các thành phố lớn.
Tuy nhiên, theo Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện nay vẫn chưa có một nghiên cứu tổng thể nào về hiện trạng và định hướng ứng dụng các công nghệ hiện đại trong quản lý, điều hành giao thông mang tính đồng bộ lâu dài, đặc biệt là việc phát triển giao thông thông minh ITS.
Các dự án đã và đang triển khai vẫn mang tính rời rạc, thiếu tính kết nối, đồng bộ dẫn đến chưa phát huy được hiệu quả các dự án và chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay trong công tác quản lý điều hành giao thông của Thủ đô.
Ngoài ra, nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ, kiến thức trong công tác quản lý và vận hành ITS còn rất hạn chế, không thể bảo đảm đáp ứng nhu cầu. Mặt khác, đa số người tham gia giao thông đang sử dụng xe máy, nên khả năng tiếp cận được các thông tin về tình hình giao thông trực tuyến theo thời gian thực là rất khó, hạn chế không nhỏ hiệu quả của ITS.
Trong bối cảnh đó, Hà Nội cần có định hướng chiến lược phát triển hệ thống ITS trong vòng 5-7 năm. Quan trọng nhất là xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống ITS mang tính lâu dài, thống nhất, bền vững, tập trung các điểm nóng bất cập của giao thông Hà Nội hiện tại và tầm nhìn tương lai.
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 100% chuyển đổi số các nghiệp vụ trong công tác xây dựng và quản lý, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của các đơn vị thuộc Thành phố quản lý; hình thành được cơ sở dữ liệu về quản lý giao thông vận tải; 100% các tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ trên địa bàn TP. Hà Nội lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh…
Từ nay đến năm 2030, cần hình thành Trung tâm điều hành giao thông thông minh của Hà Nội tích hợp, hoàn thiện tối thiểu 10 chức năng chính gồm giám sát; điều khiển; cung cấp thông tin giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm; giám sát và điều hành hệ thống giao thông công cộng; tích hợp dữ liệu thanh toán điện tử; quản lý nhu cầu giao thông; quản lý vận tải hàng hóa; chia sẻ thông tin theo yêu cầu; quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông. Nguồn nhân lực bảo đảm làm chủ, khai thác, vận hành hiệu quả những ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Có thể thấy, với hệ thống giao thông thông minh, người dân hưởng lợi khi lựa chọn được lộ trình phù hợp, tiết kiệm thời gian và chi phí. Đối với nhà quản lý, ứng dụng giao thông thông minh sẽ giúp tối ưu hóa quá trình vận hành, nâng cao được công năng của cơ sở hạ tầng…
Diệu Anh