Hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao
(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, việc ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại được xem là yêu cầu vô cùng cấp thiết, giúp nông dân chuyển sang hình thức tổ chức sản xuất hiện đại, hiệu quả kinh tế cao.
Hiệu quả từ những mô hình nông nghiệp công nghệ cao
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp, những năm qua, nhiều đề tài, dự án nghiên cứu tập trung giải quyết bức thiết của thực tiễn sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã được triển khai.
Điển hình là những mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất các giống lúa năng suất chất lượng, có khả năng chịu hạn, chống chịu sâu bệnh; các loại cây đặc sản như nhãn chín muộn, bưởi tôm vàng, chuối tiêu hồng... Các mô hình chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, áp dụng cơ giới hóa; các giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường chăn nuôi…
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay, toàn Thành phố đã xây dựng được 160 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tập trung ở những địa phương như: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng. Trong đó, 105 mô hình trồng trọt, 39 mô hình chăn nuôi, 15 mô hình thuỷ sản, chiếm 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Hiện có 9 doanh nghiệp chăn nuôi, thủy sản, sơ chế - tiêu thụ nông sản ( gồm Jafa, CP, Dabaco, CJ Việt Nam, Minh Long, Công ty Giống gia súc Hà Nội, ...) đã tham gia đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Các hợp tác xã cũng đã phát huy được vai trò chủ đạo trong thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất tại cơ sở. Thành phố hiện có 122 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, trong đó có 3 hợp tác xã chăn nuôi, chiếm 2,5%.
Ngoài ra, 100% các sản phẩm chăn nuôi từ các trang trại lớn, quy mô công nghiệp đều có hàm lượng công nghệ cao do các đơn vị này đều có ứng dụng ít nhất một biện pháp kỹ thuật công nghệ cao hoặc sản phẩm của công nghệ cao trong quá trình sản xuất, sơ chế sản phẩm.
Nhiều chuỗi sản xuất - sơ chế - tiêu thụ đã áp dụng công nghệ cao trong quản lý chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm trên 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn Thành phố.
Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội đã và đang khẳng định được vị thế trên thị trường.
Điển hình như khu sinh thái nông nghiệp công nghệ cao thung lũng Ngọc Linh, huyện Thạch Thất phát triển theo hướng áp dụng công nghệ cao của Nhật Bản, Đức vào sản xuất nông nghiệp, với các mô hình nhà kính, sản xuất rau thủy canh, nuôi cấy tảo xoắn để chiết xuất dược liệu và trồng rau kết hợp với cây dược liệu, du lịch và nghỉ dưỡng.
Trong khi đó, hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ Cuối Quý, huyện Đan Phượng đang áp dụng công nghệ trên diện tích 5ha với sản lượng 3 tạ rau/ngày, trung bình mỗi tháng cho thu nhập trên 120 triệu đồng, giá trị bình quân/ha canh tác đạt gần 6,7 tỷ đồng/ha...
Bên cạnh đó, còn có một số mô hình ứng dụng công nghệ cao từ nước ngoài như hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (10ha) tại huyện Chương Mỹ, ứng dụng công nghệ viễn thám, hệ thống quan trắc thời tiết i.Mentos 3.3 A-G để cập nhật thông tin từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến in tem nhãn tự động, minh bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất.
Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao
Nhằm thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô phát triển toàn diện, TP. Hà Nội đã ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn Thành phố. Hỗ trợ hình thành, duy trì và phát triển được ít nhất 44 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (trồng trọt 10 doanh nghiệp, chăn nuôi 32 doanh nghiệp, thủy sản 2 doanh nghiệp); 1 trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 1 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Để làm được điều đó, Hà Nội cần đề xuất các quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tích hợp vào các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung của Thành phố.
Đồng thời, cần xác định vùng sản xuất chuyên canh có lợi thế, bảo đảm quỹ đất ổn định để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp cũng như đưa ra kế hoạch hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng vùng sản xuất…
Mới đây, tại hội nghị giao ban Chương trình 04, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cũng đã yêu cầu trong xây dựng nông thôn mới đề nghị các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tập trung phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, quyết tâm đạt được mục tiêu trong lĩnh vực này, bởi đây chính là một trong những khâu yếu của chương trình.
Đồng thời đề nghị các sở, ngành và các đơn vị liên quan cần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xã, quy hoạch chi tiết trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn, quy hoạch vùng huyện và phê duyệt quy hoạch sản xuất nông nghiệp của các xã trên địa bàn Thành phố để làm cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo các mục tiêu chương trình đề ra…
Thành Nam