Hướng đến phát triển hoa cây cảnh thành sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn

05/09/2024 5:05 PM

(Chinhphu.vn) - Trong thời gian tới, Hà Nội định hướng phát triển hoa, cây cảnh, sinh vật cảnh trở thành sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn trong quá trình cấu trúc lại ngành nông nghiệp.

Hướng đến phát triển hoa cây cảnh thành sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn- Ảnh 1.

Hà Nội có nhiều làng nghề trồng cây cảnh cho giá trị kinh tế và thu nhập cao. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, là điểm du lịch hấp dẫn du khách gần xa, không chỉ đẹp bởi 36 phố phường nhộn nhịp, các điểm vui chơi giải trí thú vị hay văn hóa ẩm thực đặc trưng mà Hà Nội còn được biết đến với bề dày lịch sử gắn với truyền thông văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Những làng hoa, cây cảnh, sinh vật cảnh khoe sắc cùng hàng trăm làng nghề truyền thống khắp Thủ đô đã thực sự trở thành một nét đẹp độc đáo của mảnh đất địa linh nhân kiệt. Sinh vật cảnh có mặt khắp mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ không gian rộng lớn của các công trình văn hóa, đến khuôn viên của từng gia đình không còn đơn thuần là thú chơi văn hóa, tinh thần, mà ngày càng khẳng định là một ngành kinh tế sinh thái giá trị cao. Qua đó góp phần bảo vệ môi trường, kiến tạo cảnh quan sinh thái, thu hút du lịch thúc đẩy công nghiệp văn hóa và ngày càng đóng góp thiết thực trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh trên địa bàn Thủ đô.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước về quy mô và giá trị sinh vật cảnh. Đến hết năm 2023, toàn Thành phố có trên 8.100 ha chuyên canh hoa, cây cảnh, đạt giá trị sản xuất khoảng 7.000 tỷ đồng. Trong đó 70% diện tích được canh tác tập trung tại các quận, huyện như: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín. Nhiều mô hình trồng hoa, cây cảnh ứng dụng tiến bộ mới về giống, quy trình chăm sóc nên năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Giá trị sản xuất hoa, cây cảnh ở Hà Nội đạt trung bình 0,5-1,5 tỷ đồng/ha/năm. Hà Nội đã hình thành được 47 vùng sản xuất hoa (tổng diện tích hơn 1.800ha) với quy mô từ 10 - 20ha/vùng tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín, Gia Lâm… Trong đó, diện tích trồng hoa chất lượng cao chiếm hơn 30% và đang được nhân rộng trong năm nay. Nhiều loại hoa như cúc, ly, lan… đã được xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Thành phố đã có quyết định công nhận 14 làng nghề về hoa, cây cảnh như: Làng nghề sinh vật cảnh thôn Cơ Giáo; làng nghề sinh vật cảnh thôn Xâm Xuyên; làng nghề truyền thống hoa cây cảnh Nội Thôn; làng nghề truyền thống hoa đào Nhật Tân; làng nghề trồng Đào, cây cảnh thôn Đông Thái và có 36 sản phẩm hoa, cây cảnh đã được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên…

Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" xác định, thành phố sẽ tăng diện tích hoa, cây cảnh từ 8.500ha đến 9.000ha. Mục tiêu của thành phố là quy hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các địa phương, trong đó có làng nghề hoa, cây cảnh; tổ chức lại sản xuất, kinh doanh; tăng cường xúc tiến thương mại gắn kết với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm.

Hà Nội đang trải qua quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, với sự gia tăng dân số và phương tiện giao thông. Tình trạng ô nhiễm không khí, thiếu không gian xanh đang là thách thức lớn. Ngành sinh vật cảnh cần thiết phải có một quy hoạch tổng thể cho các khu vực công cộng, nơi mà cây xanh, hoa lá có thể được bố trí hợp lý để tạo ra khu vực thư giãn cho người dân.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, Hà Nội phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất sinh vật cảnh giai đoạn 2022 - 2030 đạt khoảng 10%/năm. Giá trị sản xuất hoa, cây cảnh năm 2025 đạt khoảng 10.000 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt khoảng 15.000 - 20.000 tỷ đồng; giá trị sản phẩm thu được trên 01 ha đất trồng hoa, cây cảnh đạt bình quân khoảng 700 - 750 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó sẽ từng bước phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người sản xuất và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân Thủ đô.

Hướng đến phát triển hoa cây cảnh thành sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn- Ảnh 2.

Làng trồng hoa ở Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, về tổ chức sản xuất, Hà Nội cần định hướng phát triển hoa, cây cảnh, sinh vật cảnh trở thành sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn trong quá trình cấu trúc lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi tối đa theo quy định của pháp luật để các doanh nghiệp thành lập và hoạt động sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh. Doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ là động lực chính phát triển thị trường và liên kết với người sản xuất tiêu thụ sản phẩm hoa, cây cảnh. Xây dựng chuỗi sản xuất hoa, cây cảnh trong đó doanh nghiệp là trọng tâm liên kết với các hộ gia đình thông qua Hợp tác xã, Tổ hợp tác xây dựng vùng trồng, tổ chức sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, tạo bứt phá phát triển sinh vật cảnh, hướng tới phát triển toàn diện, bền vững, gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Về ứng dụng khoa học công nghệ sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu chọn tạo, nhập nội những giống sinh vật cảnh có tính trạng mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao giá trị về vẻ đẹp, về văn hóa và mục đích sử dụng của khách hàng trong và ngoài nước. Đặc biệt, đối với những giống hoa, cây cảnh đủ điều kiện cần công bố lưu hành và bảo hộ bản quyền, đáp ứng điều kiện sản xuất, kinh doanh. Nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất hoa, cây cảnh từ khâu nhân giống, trồng, chăm sóc, tạo tán, thu hái, sơ chế, bảo quản sản phẩm; khuyến khích ứng dụng quy trình canh tác bền vững: hạn chế sử dụng hóa chất vô cơ; tăng cường sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, vi sinh.

Tiếp tục lưu giữ, bổ sung nguồn gen mới về sinh vật cảnh góp phần làm phong phú nguồn sản phẩm hàng hóa và nguồn vật liệu di truyền phục vụ nghiên cứu chọn, tạo giống. Ưu tiên chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ mới, công nghệ số trong quản trị, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sinh vật cảnh. Rà soát, bổ sung, điều chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn về hoa, cây cảnh và các loại sinh vật cảnh phổ biến khác.

Đối với thị trường tiêu thụ cần nghiên cứu văn hóa sử dụng hoa cây cảnh, sinh vật cảnh trong các gia đình; thị trường tiêu thụ trong nước thường ngày và trong các dịp lễ hội, các sự kiện, nhất là nhu cầu sử dụng hoa, cây cảnh trong công sở, trên đường phố, khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp. Đa dạng hóa sản phẩm hoa, cây cảnh phục vụ các đối tượng; chú trọng đầu tư bao bì, nhãn mác, nguồn gốc sản phẩm. Tổ chức các hội thi, lễ hội, triển lãm chuyên đề về hoa, cây cảnh để giới thiệu, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm hoa, cây cảnh của Thủ đô. Đối với thị trường xuất khẩu, cần rà soát, bổ sung tự công bố lưu hành và bảo hộ bản quyền giống sinh vật cảnh.

Về nguồn vốn đầu tư, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư phát triển ngành sinh vật cảnh theo hướng xã hội hóa, chủ yếu là vốn của doanh nghiệp và người dân. Các hộ gia đình đầu tư phát triển sản xuất hoa, cây cảnh để hình thành vùng sản xuất. Hợp tác xã, Tổ hợp tác liên kết với các hộ gia đình và doanh nghiệp đầu tư nhà sơ chế, kho bảo quản sản phẩm hoa, cây cảnh. Doanh nghiệp đầu tư xây dựng thương hiệu; hệ thống bảo quản, tiêu thụ sản phẩm hoa, cây cảnh.

Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển ngành Công nghiệp văn hóa Thủ đô đến năm 2030, trong thời gian vừa qua, Sở NN& PTNT Hà Nội đặc biệt quan tâm phát triển nền nông nghiệp Thủ đô sinh thái, hiện đại, đáng sống phát huy được những thế mạnh của miền đất trăm nghề, nơi tinh hoa hội tụ, thủ đô ngàn năm văn hiến. Đồng thời thúc đẩy sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc hữu gắn với những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của từng địa phương để nâng cao giá trị gia tăng, cải thiện năng lực cạnh tranh cho nông sản Thủ đô và cả nước. Thu hút du lịch, quảng bá thương hiệu gắn với phát triển làng nghề góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và lao động nông thôn…

Thiện Tâm

Top