Hướng đến phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững

12/10/2022 10:47 AM

(Chinhphu.vn) - Triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP. Hà Nội đã và đang tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hàng hóa gắn với công nghệ cao; du lịch sinh thái, trải nghiệm…

Hướng đến phát triển bền vững - Ảnh 1.

Mô hình trồng nho hạ đen tại huyện Đan Phượng, Hà Nội. Ảnh: VGP/Ánh Ngọc

Mở lối cho du lịch sinh thái nông thôn

Hiện, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tập trung triển khai xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm... gắn với phát triển du lịch sinh thái.

Cách đây 2 năm, được sự hỗ trợ của Trung tâm khuyến nông Thành phố, Trạm khuyến nông huyện Đan Phượng, ông Nguyễn Hữu Hợi (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình trồng nho Hạ Đen không hạt. Gia đình ông là một trong số những hộ trên địa bàn xã Đan Phượng tham gia mô hình trình diễn cây trồng giống mới năng suất chất lượng thích ứng biến đổi khí hậu của Trung tâm khuyến nông Thành phố.

Từ 600 gốc nho đầu tiên được trồng vào tháng 10/2020 đến tháng 11/2021 cây bắt đầu cho thu hoạch quả, gia đình ông thu được 3 tấn nho, trừ hết các khoản chi phí giống, phân bón, nhân công... thu lãi 300 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả, năm 2021 gia đình ông mở rộng diện tích trồng, từ 600 gốc nho ban đầu, hiện tại gia đình ông Hợi có 1.500 gốc trồng trên diện tích 4.500m2, ước tính sản lượng nho năm 2022 của gia đình đạt gần 5 tấn.

"Hiện mô hình trồng nho của gia đình tôi có thị trường tiêu thụ rất ổn, trong tương lai việc mở rộng diện tích canh tác hữu cơ là rất thuận lợi đối với gia đình", ông  Hợi chia sẻ thêm.

Hay như gia đình chị Nguyễn Hồng Hạnh (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) có 1.500 gốc nho Hạ Đen trồng trên diện tích 4.500m2, ước tính sản lượng nho năm 2022 của gia đình đạt 4-5 tấn.

Từ mô hình trồng nho hữu cơ, nhận thấy cảnh quan có thể đáp ứng nhu cầu thích trải nghiệm của du khách, chị Hạnh cùng gia đình đã cải tạo, trang trí và biến khu vườn trồng của gia đình thành điểm check-in ấn tượng, đón khách tới ngắm cảnh, trải nghiệm, chăm sóc, cắt tỉa và thu hoạch nho.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt, thời gian qua, Đan Phượng đã từng bước phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch sinh thái. Tiêu biểu là mô hình sản xuất nho hạ đen được triển khai năm 2019 tại xã Phương Đình, đến nay đã mở rộng ra các xã Đan Phượng, Trung Châu, Hạ Mỗ với diện tích lên tới 3,53ha, trong đó có 2ha đạt tiêu chuẩn VietGAP...

"Việc phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với dịch vụ du lịch không chỉ góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững mà còn nâng cao giá trị kinh tế cũng như thu nhập cho nông dân", ông Đạt cho biết.

Ngoài ra, mô hình trồng hoa lan công nghệ cao của ông Nguyễn Xuân Dưỡng ở xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai) cũng là một trong những mô hình điểm của Thành phố. Ông Dưỡng chia sẻ, với 3.000m2 nhà lưới trồng hơn 100 giống hoa lan các loại, doanh thu mỗi năm của gia đình ông đạt 1,5-1,6 tỷ đồng. Riêng mỗi dịp Tết đến, xuân về, trang trại của gia đình ông trở thành "điểm đến" thu hút khách du lịch tham quan và mua hoa.

Nhờ phát triển du lịch, diện mạo nông thôn được người dân quan tâm nhiều hơn, thôn, xóm được cải tạo, giữ gìn sạch sẽ để đón khách. Có thể thấy phát triển du lịch nông nghiệp, không chỉ ngành du lịch được hưởng lợi mà còn giúp ngành nông nghiệp phát triển theo hướng xanh, sạch, thân thiện với môi trường...

Hiện thực hóa chủ trương về phát triển nông nghiệp sinh thái

Những thành tựu đạt được từ triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương và chương trình, kế hoạch của TP. Hà Nội về phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh là rất đáng ghi nhận.

Hiện thực hóa những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và TP. Hà Nội về phát triển một nền nông nghiệp sinh thái, thông minh gắn với dịch vụ, du lịch nông thôn, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Quang Thanh cho biết, chương trình xây dựng nông thôn mới nên diện mạo nông thôn đã thay đổi tích cực, đời sống vật chất và tinh thần người dân ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 56,2 triệu đồng/người/năm. Ngày 6/4/2021, huyện Sóc Sơn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Hiện huyện có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hay xây dựng được thương hiệu sản phẩm. Các mô hình đã phát huy hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của huyện đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, huyện Thanh Oai đã xây dựng một số cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xây dựng các nông trại giáo dục có quy mô từ 2ha đến 5ha, vận hành theo hình thức du lịch trải nghiệm. Qua đó, từng bước đa dạng loại hình du lịch trên địa bàn, nâng cao thu nhập cho nông dân...

Mới đây, TP. Hà Nội vừa ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn Thành phố. Hỗ trợ hình thành, duy trì và phát triển được ít nhất 44 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 1 trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 1 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho hay, Thành phố cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, mỗi huyện, thị xã có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ triển khai ít nhất từ 1 đến 3 sản phẩm "Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch"; tập trung phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu;…

Thực hiện những mục tiêu đề ra, Thành phố sẽ xây dựng, ban hành một số chính sách thu hút các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, xúc tiến quảng bá, bảo tồn giá trị văn hóa...

Thành Nam

Top