Hướng đi mới cho du lịch làng nghề Phú Xuyên
(Chinhphu.vn) - Sự kết hợp giữa sản phẩm truyền thống và hiện đại đang mở ra hướng đi mới cho làng nghề của huyện Phú Xuyên (Hà Nội) hôm nay. Các làng nghề không chỉ sản xuất ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mà còn có tiềm năng phát triển du lịch làng nghề, tạo ra hướng đi mới cho người dân trong phát triển kinh tế và bảo tồn nghề.
Bản sắc văn hóa từ các làng nghề truyền thống tỏa sáng
Huyện Phú Xuyên nổi bật với những làng nghề hàng trăm năm tuổi, mỗi làng nghề mang một nét độc đáo riêng biệt. Đó phải kể đến làng nghề may xã Vân Từ được biết đến là nơi có nghề may comple, veston vang danh suốt trăm năm. Trải qua bao thăng trầm, con người nơi đây vẫn ấp ủ đam mê với nghề. Họ giữ lửa và truyền lửa cho các thế hệ tiếp nối.
Làng nghề may xã Vân Từ ngày nay đã "nở rộ" và sản sinh ra nhiều người thợ tài hoa. Nhờ chất lượng và độ hoàn thiện tốt, các sản phẩm comple, veston tại đây đã vươn mình ra nhiều tỉnh, thành phố khắp cả nước, ngày một khẳng định thương hiệu của làng may trăm tuổi.
Tiếp đó, phải kể đến làng nghề mây tre đan cỏ tế xã Phú Túc - một trong những làng nghề nổi tiếng nhất ở Phú Xuyên đã đưa sản phẩm đến thị trường các nước như: Nhật Bản, Mỹ, Đức...
Sản phẩm của làng nghề mây tre đan cỏ tế xã Phú Túc như rổ, rá, đồ trang trí đều bền chắc và thân thiện với môi trường, làm nổi bật kỹ thuật đan lát truyền thống với đôi tay khéo léo của người dân nơi đây. Ngoài duy trì nghề, sản phẩm làng nghề đã giải quyết việc làm, giúp nhiều gia đình thoát nghèo.
Bên cạnh làng nghề mây tre đan cỏ tế xã Phú Túc, làng nghề Khảm trai – sơn mài xã Chuyên Mỹ nổi tiếng với các tác phẩm khảm trai tinh xảo. Mỗi sản phẩm ở đây, từ bình, tủ đến các bức tranh khảm đều là một tác phẩm nghệ thuật mang dấu ấn của làng nghề. Nghề khảm trai nơi đây đòi hỏi sự tỉ mỉ, sáng tạo đã được truyền lại qua bao thế hệ như một báu vật gia truyền.
Đặc biệt, trên đất Hà Nội, duy nhất xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên) có tới 2 thôn Giẽ Thượng và Giẽ Hạ được Thành phố công nhận là làng nghề truyền thống sản xuất giày da.
Trước đây, việc đóng giày làm hoàn toàn thủ công, qua rất nhiều công đoạn như cắt, dán, khâu dùi, mài giũa mới ra được một đôi giày. Giờ ứng dụng máy cắt, máy dập, máy bào... nên việc sản xuất nhanh, đẹp hơn nhiều. Các khuôn được đúc sẵn theo cỡ số tiêu chuẩn để sản xuất đồng loạt. Nhờ áp dụng máy móc nên mẫu mã đa dạng, đẹp mắt, chất lượng tốt.
Hiện, đa số sản phẩm giày dép da ở Phú Yên có bao bì, nhãn mác, được gắn mã truy xuất nguồn gốc. Một số sản phẩm được quảng bá, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử như: Giày da Sơn Linh, Huy Hoàng, Đức Hà, Quang Hạnh, Lương Huy…
Hiện nay, khi du khách đến với các làng nghề không chỉ được thỏa sức chọn lựa, mua sắm mà còn được trải nghiệm quy trình sản xuất, tìm hiểu sâu sắc hơn về tinh hoa của sản phẩm làng nghề Việt Nam.
Từ làng nghề truyền thống đến thị trường số
Nhận thức rõ thương mại điện tử đang trở thành xu hướng tiêu dùng hiện đại, từ năm 2023, Phú Xuyên đã xây dựng sàn thương mại điện tử, với địa chỉ https://phuxuyen.trangvangvietnam.top. Trên sàn này, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và hàng hóa từ làng nghề truyền thống của địa phương được quảng bá rộng rãi, tiếp cận người tiêu dùng nhanh chóng, hiệu quả hơn...
Song song với đó, huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn, từ cơ bản đến nâng cao cho người dân về kỹ năng kinh doanh trực tuyến: Cách bán hàng trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, xây dựng video ngắn, kỹ năng livestream bán hàng, nguyên tắc cơ bản của thương mại điện tử... Nhờ vậy, nhiều cá nhân, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất làm quen và thành công với hình thức kinh doanh hiện đại này.
Ngoài ra, huyện Phú Xuyên còn phối hợp với các tiktoker nổi tiếng để tổ chức các phiên livestream quảng bá nông sản, sản phẩm làng nghề. Hoạt động này, không chỉ giúp mở rộng thị trường tiêu thụ, mà còn nâng cao giá trị của sản phẩm OCOP và hàng hóa địa phương.
Theo Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính, Phú Xuyên là vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống, có tiềm năng lớn trong sản xuất nông nghiệp và chế biến sản phẩm thủ công.
Tuy nhiên, trước đây, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ qua kênh truyền thống, phụ thuộc thị trường nhỏ lẻ. Nhận thức xu hướng tiêu dùng mới và cơ hội mà thương mại điện tử mang lại, huyện đã xây dựng lộ trình cụ thể, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương.
Hiện tại, huyện Phú Xuyên tập trung vào các mũi nhọn: Nâng cao năng lực của người dân thông qua các lớp tập huấn và quảng bá sản phẩm bằng nền tảng trực tuyến; phối hợp với chuyên gia và doanh nghiệp giúp người dân nắm bắt kỹ năng kinh doanh hiện đại, chụp ảnh sản phẩm, livestream bán hàng, xây dựng thương hiệu trực tuyến; xây dựng sàn thương mại điện tử riêng của huyện, góp phần nâng cao giá trị và mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề...
Hiện nay, huyện Phú Xuyên có 04 điểm du lịch được Thành phố công nhận là: Làng nghề may xã Vân Từ; Làng nghề Khảm trai – sơn mài xã Chuyên Mỹ; Làng nghề giầy da Phú Yên; Làng nghề mây tre đan cỏ tế xã Phú Túc.
Tính đến 10 tháng đầu năm 2024, đã có khoảng trên 1.800 khách tham quan du lịch tại các điểm Du lịch làng nghề của các xã (Vân Từ: 520, Chuyên Mỹ: 500, Phú Yên: 456 và Phú Túc: 380 lượt người).
Minh Anh