Hướng tới một đô thị văn minh, hiện đại

05/11/2022 8:32 AM

(Chinhphu.vn) - Nhiều năm qua, TP. Hà Nội luôn phấn đấu thực hiện theo khẩu hiệu “trật tự, văn minh, hiện đại”, với mong muốn làm cho đô thị khang trang, sạch đẹp, thế nhưng vẫn còn tồn tại những “mảng màu tối” khiến đô thị trở nên “nhếch nhác”. Để thực hiện được khẩu hiệu trên, thiết nghĩ Hà Nội cần đổi mới phương thức lãnh đạo không chỉ ở việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương mà còn ở cả tư duy, tầm nhìn trong chỉnh trang và phát triển đô thị.

Bài 1: Nan giải "bài toán" đô thị nội đô

Đô thị hóa đang đặt ra những bất cập trong công tác quản lý đô thị, trong đó vẫn còn tình trạng nhếch nhác ở các khu vực nội đô cũ, tình trạng lấn chiếm lòng đường vỉa hè, tồn tại các bãi trông xe tự phát, chợ "cóc" chợ tạm, chung cư cũ xuống cấp với tình trạng cơi nới, lấn chiếm phổ biến... Đây là vấn đề tồn tại nhiều năm, nhưng vì sao vẫn mãi chưa được xử lý triệt để?

Hướng tới một đô thị văn minh, hiện đại - Ảnh 1.

Chợ "cóc", chợ tạm vẫn còn tồn tại tại một số khu phố, ngõ nhỏ. Ảnh: VGP/Thành Nam

Còn nhiều vi phạm

Ghi nhận thực tế tại một số khu vực trên địa bàn quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm về những bất cập trên cho thấy, nhiều vỉa hè, lòng đường vẫn bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh buôn bán, trở thành nơi tập kết, bãi trông giữ xe…Điều này không chỉ gây khó khăn cho người dân đi lại, gây mất trật tự giao thông mà còn làm cho bộ mặt đô thị trở nên "xấu xí" hơn.

Dù đóng vai trò là lối dành riêng cho người đi bộ nhưng vỉa hè ở nhiều tuyến phố Thủ đô đang hoán đổi thành nơi kinh doanh, thu lợi cho một bộ phận cá nhân. Hàng quán, ô tô, xe máy vây kín vỉa hè, lòng đường, mái che, mái vẩy choán cả không gian giao thông là thực trạng đang xảy ra tại hầu khắp các tuyến phố trên địa bàn Thủ đô như đường La Thành, Chùa Láng…(quận Đống Đa), đường Võ Thị Sáu, Kim Ngưu…(quận Hai Bà Trưng), phố Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm)…

Trên đoạn đường La Thành-Láng Hạ-Giảng Võ, nơi vỉa hè rộng hơn 1m gần như đã bị các hộ dân ở đây chiếm dụng hoàn toàn để kinh doanh, buôn bán hàng hoá. Trong đó, nguy hiểm nhất là tình trạng bốc xếp vật liệu xây dựng, sắt thép ngay giữa lòng đường trong khung giờ giao thông cao điểm gây ùn tắc, tiềm ẩn tai nạn.

Bác Đỗ Văn T., trú tại Láng Hạ bức xúc nói: "Mỗi lần đi qua đoạn đường này, tôi thấy rất nguy hiểm khi những ống sắt thép được bốc dỡ chắn cả đường đi. Nhiều nhân công bốc dỡ không để ý xe cộ đi lại, có khi quẹt cả vào người đi đường hoặc va chạm với ô tô, xe máy".

Chị Bùi Thu Thảo (phố Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng) nói: "Vỉa hè là nơi dành cho người đi bộ đi, nhưng tôi thấy giờ người đi bộ luôn phải đi xuống lòng đường, vừa ảnh hưởng đến giao thông mà lại nguy hiểm cho bản thân. Vỉa hè không còn thì cực chẳng đã, chúng tôi phải đi như vậy thôi".

Bên cạnh đó, nhiều "rác" quảng cáo-băng rôn, panô tự phát, lộn xộn giới thiệu về các sản phẩm, ngành nghề kinh doanh dịch vụ được chăng, treo trên nhiều tuyến phố Xã Đàn, Đại Cồ Việt, Thanh Nhàn…không những làm mất mỹ quan mà còn gây tình trạng mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ...

Ông Hà Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, quận Đống Đa là địa bàn có nhiều tuyến phố. Những nơi còn tồn tại, lấn chiếm vỉa hè lòng đường, quận thường xuyên yêu cầu ngành chức năng, các phường tăng cường kiểm tra, nhắc nhở xử lý…

Vấn đề chợ tạm, chợ "cóc" lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh cũng luôn làm đau đầu các lực lượng chức năng. Qua tổng hợp báo cáo của UBND các quận, huyện, thị xã, trên địa bàn Hà Nội còn 31 chợ "cóc" lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Người dân thường tập trung buôn bán, từ hoa quả, rau củ, thịt, cá, quần áo… tại các vỉa hè, lòng đường đã khiến giao thông gặp khó khăn, nhất là giờ cao điểm…

Mặc dù các lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, thanh kiểm tra thường xuyên nhưng còn gặp vướng mắc, đó là việc xóa được chợ "cóc" này thì chợ "cóc" khác lại mọc ra.

Để giải tỏa triệt để tình trạng chợ "cóc", chợ tạm gây mất mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đề nghị, UBND các địa phương khẩn trương rà soát quỹ đất hiện có, đề xuất địa điểm phù hợp để đầu tư xây dựng chợ mới, bảo đảm khi di dời chợ tạm và xóa bỏ chợ "cóc", sẽ có chợ dân sinh hoạt động đúng quy định.

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Hướng tới một đô thị văn minh, hiện đại - Ảnh 2.

Một số khu tập thể cũ xuống cấp, "chuồng cọp" chi chít. Ảnh: VGP/Thành Nam

"Chuồng cọp" chi chít, tường nhà tróc sơn, nứt nẻ, dây điện chằng chịt,... là những hình ảnh quen thuộc tại những khu tập thể, những khu chung cư cũ đã xuống cấp nghiêm trọng, trở thành mối nguy hiểm đe dọa tính mạng người dân.

Phần lớn các công trình này đều được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1980, tập trung tại 4 quận nội đô là: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng. Sau hàng chục năm đưa vào sử dụng, do áp lực về diện tích ở và sự quản lý lỏng lẻo, đa số các khu chung cư cũ đều diễn ra tình trạng cơi nới, ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của kết cấu công trình, không đáp ứng được các yếu tố về xử lý cháy nổ tại chỗ…

Theo khảo sát của phóng viên, tình trạng này xảy ra điển hình tại một số khu tập thể cũ, nhà chung cư cũ ở khu vực Thành Công, Giảng Võ (quận Ba Đình), Kim Liên, Trung Tự (quận Đống Đa), Nguyễn Công Trứ, Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng)...Những nơi này đã có tuổi đời lên đến mấy chục năm dù có được tu sửa đến mấy, những nơi này cũng không thể chiến thắng được sự "tấn công" của thời gian, không tránh được sự xuống cấp... Có lẽ vì vậy mà việc sinh sống tại đây của người dân luôn trong tình trạng lo lắng, thấp thỏm về sự cố hỏa hoạn.

Anh Nguyễn Văn Hùng, sống tại một khu tập thể cũ, quận Hai Bà Trưng chia sẻ, tình trạng xuống cấp đã trở thành nỗi "ám ảnh" của những người dân sinh sống tại đây. Một số hộ gia đình làm ăn khá giả, có điều kiện đã chuyển đi, để lại nhiều phòng trống mà không có ai dám mua để ở vì mức độ xuống cấp đã quá nghiêm trọng. Còn lại mọi người dù muốn chuyển đi nhưng điều kiện không cho phép hay do một số lý do khác như khu vực trung tâm, thuận tiện đi lại,… nên chọn cách "sống chung với lũ".

Tại những tòa nhà này, nhiều hộ dân cơi nới, xây dựng "chuồng cọp" làm thay đổi kết cấu chịu lực, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi có cháy nổ xảy ra. Các mảng tường dọc cầu thang bộ bị mốc, bong tróc thành từng mảng để lộ những mảng bê tông ẩm mốc, bên cạnh đó, có những căn hộ tập thể chật hẹp là nơi sinh sống của nhiều thế hệ trong một gia đình.

Bên cạnh đó, xen kẽ trong các chung cư cũ như tại khu chung cư cũ Thành Công còn có những công trình nhà ở thấp tầng, đa phần hộ dân tại tầng 1 tự ý xây nhà trên đất lưu không. Diện tích căn hộ tại các chung cư cũ đa số rất nhỏ, đến nay không đáp ứng được tình trạng gia tăng dân số, dẫn đến cơi nới tự phát, hư hại kết cấu công trình, hình thức kiến trúc cảnh quan bên ngoài bị phá vỡ…

Những tồn tại trên không mới và từng được Thành phố quyết liệt ra quân xử lý, quyết liệt chấn chỉnh. Liên tiếp trong 2 năm 2015-2016, Thành phố đã thực hiện chủ đề công tác "Năm trật tự văn minh đô thị" với sự vào cuộc quyết liệt từ Thành phố tới cơ sở cùng kỷ luật kỷ cương được siết chặt. Kết quả đã cho thấy sự chuyển biến rõ rệt, bộ mặt đô thị Hà Nội quả thật đã sáng, xanh, sạch đẹp hơn rất nhiều. Chỉ là, cùng với sự phát triển đô thị, thì chỉnh trang đô thị là việc cần  thực hiện liên tục, thường xuyên...

Thành Nam

Top