Hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt

26/07/2022 5:11 PM

(Chinhphu.vn) - Thành phố Hà Nội đang triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm từng bước thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại; đẩy nhanh tiến trình không sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế để hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt.

Hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội. Ảnh: VGP/Bích Phương

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội.

Thưa bà, trong những năm qua, TP. Hà Nội đã tổ chức thành công các sự kiện không dùng tiền mặt. Vậy bà có thể cho biết rõ hơn về việc tổ chức sự kiện này qua các năm?

Bà Trần Thị Phương Lan: Là năm thứ ba tổ chức sự kiện không dùng tiền mặt của TP. Hà Nội, qua các năm đều ghi nhận rất nhiều thành công. Đó là, sự hiểu biết của người dân, doanh nghiệp về việc thanh toán không dùng tiền mặt đã được nâng lên rõ rệt. Việc này được thể hiện thông qua kết quả thương mại điện tử hằng năm cũng như qua tổng kết của các ngành, lĩnh vực như ngân hàng, thuế bưu chính viễn thông, điện nước cho thấy thanh toán không dùng tiền mặt đang chiếm từ 85%-90%.

Sự kiện không dùng tiền mặt thường xuyên thu hút được các doanh nghiệp đến tham gia, hưởng ứng để quảng bá, tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp về lợi của việc không dùng tiền mặt. Điều này cũng giúp cho việc quản lý các chính sách vĩ mô về tiền tệ, quản lý về an ninh, quản lý về tiêu dùng của người dân cũng như thực hiện tốt các nhiệm vụ khác trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như của Chính phủ.

Đối với sự kiện không dùng tiền mặt năm 2022, chúng tôi triển khai rộng rãi đến toàn bộ hệ thống phân phối trên địa bàn. Bên cạnh đó, khuyến khích các hộ tiểu thương kinh doanh tại các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ cũng như tại các chợ truyền thống vận động người tiêu dùng hạn chế sử dụng tiền mặt.

Đồng thời, chúng tôi cũng đưa các doanh nghiệp đang triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt như hệ thống ngân hàng, ví Momo, hệ thống siêu thị, thương mại hướng dẫn cụ thể cho người dân, đặc biệt là cho giới trẻ để có thể tiếp cận nhanh chóng với việc thanh toán không dùng tiền mặt và người dân cũng hưởng ứng rất nhiệt tình.

Như bà vừa chia sẻ, bên cạnh việc khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt tại các siêu thị, kênh phân phối hiện đại… Sở cũng khuyến khích các hộ tiểu thương kinh doanh tại các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻcũng như tại các chợ truyền thống. Cụ thể việc này sẽ được triển khai như thế nào, thưa bà?

Bà Trần Thị Phương Lan: Hiện nay, chúng tôi đã triển khai đến các ban quản lý chợ. Đồng thời đưa các doanh nghiệp đang triển khai các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt có những giới thiệu, quảng bá các nội dung này đến trực tiếp với bà con tiểu thương. Để bà con tiểu thương kinh doanh, khi có khách hàng đến sẽ có thể giới thiệu hoặc vận động khách hàng có thể thanh toán qua các ứng dụng thanh toán trực tuyến.

Bên cạnh việc thay đổi tư duy của người tiêu dùng thì ngay bản thân các hộ tiểu thương cũng cần thay đổi tư duy và chuyển đổi sử dụng các thiết bị thông minh. Các thiết bị có thể kết nối với các đơn vị thanh toán không dùng tiền mặt nhằm thuận tiện cho việc tham quan mua sắm.

Hiện nay, hầu hết cửa hàng tạp hóa trên các tuyến phố đã hưởng ứng rất mạnh mẽ. Tại các hệ thống phân phối hiện đại việc này là đương nhiên rồi. Còn các bà con tiểu thương tại các chợ truyền thống thì chúng tôi đang triển khai tuyên truyền, thuyết phục.

Theo bà, lợi ích kinh tế của việc thanh toán không dùng tiền mặt là gì và cần có những giải pháp nào nhằm khuyến khích người dân không dùng tiền mặt?

Bà Trần Thị Phương Lan: Các doanh nghiệp đều có các chính sách ưu đãi cho việc thanh toán không dùng tiền mặt như giảm không lấy phí hoặc đưa ra những chương trình khuyến mại để khi người tiêu dùng tham gia thanh toán không dùng tiền mặt thì có thể được khuyến mại với nhiều hình thức khác nhau. Từ đó, người tiêu dùng sẽ nhận thấy được lợi ích từ thanh toán không dùng tiền mặt như sự thuận tiện, đồng thời nhận được các chương trình khuyến mại, tri ân từ phía các doanh nghiệp.

Sự kiện không dùng tiền mặt năm 2022 thuộc Chương trình Khuyến mại tập trung của TP. Hà Nội. Ngoài ra, hằng năm, chúng tôi vẫn tổ chức triển khai các sự kiện liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt trong chương trình quản lý nhà nước cùng với các đơn vị như ngân hàng, thuế và các đơn vị khác.

Đây cũng là một trong những giải pháp để hướng tới mục tiêu phấn đấu đưa thương mại điện tử của Hà Nội nằm trong Top 1 hoặc Top 2 của cả nước. Đồng thời, đưa tăng trưởng thương mại điện tử từ 35-40% trong năm 2022.

Vậy những mục tiêu cụ thể của của Hà Nội đối với hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt là gì, thưa bà?

Bà Trần Thị Phương Lan: Chúng tôi mong muốn năm nay lượng khách hàng không dùng tiền mặt chiếm khoảng 51% trở lên. Tăng trưởng thương mại điện tử từ 35%-40%. Các chương trình khuyến mại, tri ân cho khách hàng đạt từ 30%-100% và các chính sách ưu đãi cho việc thanh toán không dùng tiền mặt được chi tiết, cụ thể cho từng lĩnh vực như thuế, ngân hàng.

Từ đó, các đối tượng tham gia thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng với các giao dịch như nộp học phí, viện phí, đóng tiền điện, cước bưu chính viễn thông.... đều được các doanh nghiệp triển khai chương trình hỗ trợ tri ân cho khách hàng.

Thông qua các chuỗi hoạt động của Sự kiện, Sở Công Thương hy vọng sẽ thu hút đông đảo người dân hưởng ứng tham gia, tạo thói quen tiêu dùng không tiền mặt khi giao dịch và mua sắm, tạo thêm động lực để các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển hoạt động thương mại điện tử tạo thuận lợi cho khách hàng khi mua sắm, thanh toán và là đòn bẩy kích cầu tiêu dùng, góp phần hoàn thành chỉ tiêu tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ của Thành phố, giữ vững xếp hạng từ thứ 2 trở lên so với cả nước về Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) hằng năm.

Trân trọng cảm ơn bà!

Bích Phương (thực hiện)

Top