Hướng tới xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực

08/08/2022 4:24 PM

(Chinhphu.vn) - Trong những năm gần đây, TP. Hà Nội đã đầu tư mạnh cho xuất khẩu, trong đó phải nói tới việc phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Đây là giải pháp căn cơ của Thành phố nhằm hướng tới xuất khẩu chính ngạch những mặt hàng nông sản chủ lực.

Hướng tới xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực - Ảnh 1.

Chất lượng nông sản ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Trong kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô năm 2022, TP. Hà Nội luôn coi đẩy mạnh xuất khẩu là nhiệm vụ trọng tâm nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội, một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu 7 tháng tăng so với cùng kỳ như: Hàng dệt may đạt 1.492 triệu USD, tăng 29,5%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 1.260 triệu USD, tăng 22,3%; xăng dầu đạt 774 triệu USD, gấp 2,2 lần cùng kỳ; hàng nông sản đạt 539 triệu USD, tăng 23,3%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 519 triệu USD, tăng 27,9%; hàng hóa khác đạt 2.544 triệu USD, tăng 16,6%.

Cũng theo Sở Công Thương, hiện TP. Hà Nội có 117 sản phẩm của 81 doanh nghiệp đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực. Cụ thể, 10 doanh nghiệp thuộc ngành công nghệ cao, 20 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực điện - điện tử, 8 doanh nghiệp lĩnh vực dệt may - da giày, 32 doanh nghiệp thuộc ngành cơ khí chế tạo, 5 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thực phẩm; 6 doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ, 25 doanh nghiệp trong TOP 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, 13 doanh nghiệp FDI với nhiều thương hiệu toàn cầu như: Canon, Panasonic, Toto, Meiko, (Nhật Bản), B.Bruau (CHLB Đức), CP (Thái Lan)…

Doanh thu năm 2021 của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực đạt gần 10 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2 tỷ USD.

Thực tế, những năm gần đây, Hà Nội đã đầu tư mạnh cho xuất khẩu, trong đó phải nói tới việc phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Đây là giải pháp căn cơ của Thành phố nhằm hướng tới xuất khẩu chính ngạch những mặt hàng nông sản chủ lực.

Chẳng hạn, để nâng cao chất lượng, năng suất cũng như hỗ trợ phát triển thị trường cho cây chuối, Hà Nội đã đẩy mạnh việc cấp mã số, kiểm tra, giám sát, quản lý vùng trồng. Hay như, nhờ đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa Japonica theo hướng xuất khẩu, trong 2 năm (2020-2021) Hà Nội đã xây dựng được hơn 50 mô hình sản xuất lúa Japonica, lúa chất lượng (VietGAP, hữu cơ) đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

TP. Hà Nội cũng xây dựng và duy trì 2 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo Japonica, gồm: HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, huyện Chương Mỹ liên kết với Công ty CP Xuất nhập khẩu GreenPath Việt Nam và HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết, huyện Ứng Hòa (đảm nhận khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ).

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp chủ lực, TP. Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của kế hoạch là tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, khả năng tham gia sâu và đóng góp giá trị gia tăng cao vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu; có ý nghĩa nền tảng, tác động lan tỏa cao đến các ngành sản xuất và kinh tế khác, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường. Giai đoạn 2021-2025 sẽ thu hút sự tham gia từ 100 đến 120 doanh nghiệp, với khoảng từ 150 đến 180 sản phẩm được Thành phố công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Đặc biệt, những tháng cuối năm, Thành phố tăng cường tổ chức cho các doanh nghiệp Hà Nội tham gia hội chợ trong nước và quốc tế để tìm kiếm thị trường và bạn hàng; hỗ trợ thông tin có tính chất dự báo về thị trường, khách hàng, giá cả, cung cầu giúp doanh nghiệp chủ động đối phó với những biến động trên thị trường; tổ chức các lớp tập huấn về chính sách mới về tín dụng, thủ tục hải quan...

Nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, Sở Công Thương đang đề nghị với Thành phố hỗ trợ 100% công tác xúc tiến thương mại thay cho mức hỗ trợ 50%-70% hiện thời, đồng thời có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu các ngành nghề sử dụng nhiều lao động và vật tư trong nước.

Về phía doanh nghiệp, Thành phố mong muốn doanh nghiệp chủ động nghiên cứu thông tin thị trường; bám sát các thay đổi trong sản xuất và kinh doanh nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó để hoạt động xuất khẩu phát triển bền vững các doanh nghiệp được khuyến khích áp dụng hệ thống quản lý sản xuất và chất lượng theo tiêu chuẩn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, tạo dựng uy tín, thương hiệu của sản phẩm.

Thời gian tới, Thành phố tiếp tục tập trung triển khai Kế hoạch về hội nhập quốc tế TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch 271/KH-UBND về đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn Thành phố năm 2022... Trong đó, Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp các bộ, ban, ngành Trung ương, các đại sứ quán, thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài và nước ngoài tại Việt Nam, các tập đoàn bán lẻ lớn... để đẩy mạnh hoạt động giao thương kết nối doanh nghiệp trong nước với các đối tác nước ngoài…

Diệu Anh

Top