Kết nối cung cầu hàng hóa: Giải pháp tiêu thụ nông sản an toàn

24/06/2022 11:16 AM

(Chinhphu.vn) - Trong nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn của bà con nông dân thì việc kết nối cung cầu hàng hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi các ngành, các cấp phải chung tay thực hiện.

Kết nối cung cầu hàng hóa: Giải pháp tiêu thụ nông sản an toàn - Ảnh 1.

Việc kết nối cung cầu hàng hóa góp phần tiêu thụ nông sản an toàn. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Theo thống kê, hiện nay TP. Hà Nội có 39 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, 454 chợ, trên 2.000 cửa hàng tiện lợi, có 1.872 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, trên 128 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm...; xây dựng và duy trì 141 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản; thí điểm cấp 8 giấy xác nhận cho 8 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Toàn thành phố hiện có 1.649 sản phẩm OCOP (trong đó có 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao). Các hoạt động kết nối cung - cầu, kênh tiêu thụ, phân phối thông qua hệ thống các chợ, siêu thị, cửa hàng chuyên kinh doanh, tiêu thụ nông sản an toàn... được diễn ra thường xuyên, liên tục và ngày càng phổ biến. Thông qua đó, sản lượng tiêu thụ nông sản an toàn trên thị trường ngày càng tăng, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị nông sản.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Trưởng phòng Xúc tiến Thương mại, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong những năm qua, Sở Công Thương đã tập trung triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, trong đó công tác kết nối cung cầu hàng hóa được đặt ra là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Qua các giải pháp thực tế, hiệu quả, đã kết nối, giới thiệu các doanh nghiệp phân phối, siêu thị với các vùng sản xuất nông sản Hà Nội có sản phẩm mùa vụ sản lượng lớn kịp thời tiêu thụ. Sở Công Thương cũng chủ trì, phối hợp cung cấp thông tin yêu cầu, tiêu chuẩn của các kênh phân phối đối với chất lượng, quy cách sản phẩm, hàng hóa để các cơ sở sản xuất chuẩn bị phương án sản xuất phù hợp.

Cung cấp thông tin, giới thiệu danh sách các sản phẩm OCOP Hà Nội đã được đánh giá, phân hạng đến hệ thống phân phối của Hà Nội và các tỉnh, thành phố để tổ chức kết nối, tiêu thụ. Thông tin và tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất tham gia các hoạt động giao thương, hội chợ, triển lãm do Sở Công Thương tổ chức như: Hội chợ Tết; Hội chợ an toàn thực phẩm; Tuần hàng Việt, tuần hàng trái cây, nông sản, Hội chợ hàng Việt… để các đơn vị tham gia quảng bá kết nối vào các đơn vị phân phối.

Sở Công Thương cũng tích cực tổ chức, tham gia các hội nghị, hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô: Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa; Tuần hàng Việt Thành phố Hà Nội cùng; Tuần hàng trái cây nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội; hỗ trợ đoàn công tác  các tỉnh, thành phố kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc sản, OCOP của địa phương vào kênh phân phối tại thị trường Hà Nội; tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam với các nhà phân phối trên địa bàn thành phố Hà Nội;…

Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội, theo bà Hoa, Thành phố cần tập trung triển khai một số giải pháp, chính sách như đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá các vùng sản xuất, các sản phẩm an toàn, các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất chấp hành tốt các quy định của Pháp luật, tuân thủ các quy trình sản xuất ...để ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững.

Đồng thời tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương; thông tin, giới thiệu sản phẩm tới doanh nghiệp phân phối bằng hình thức phù hợp,... từ đó các đơn vị chủ động gặp gỡ, kết nối nhu cầu, đẩy mạnh hỗ trợ, liên kết để sản xuất ra những sản phẩm phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Để tạo địa điểm bán, trao đổi hàng hóa cố định giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất có nơi trao đổi, mua bán hàng hóa thường xuyên, cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại (siêu thị, chợ đầu mối, chuỗi cửa hàng tiện lợi, điểm kinh doanh thực phẩm an toàn...) tại các địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực Công Thương trong đó có sản phẩm nông sản; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để bảo đảm quyền lợi cho người sản xuất chân chính cũng như người tiêu dùng.

Diệu Anh

Top