Hương vị đại ngàn giữa lòng Thủ đô
(Chinhphu.vn) - Trong không gian xanh mát của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội) không chỉ có tiếng cồng chiêng vang vọng, những điệu múa uyển chuyển hay sắc áo thổ cẩm rực rỡ, mà còn có một thứ níu chân du khách đến lạ: hương thơm của những món ăn mang đậm bản sắc các dân tộc.

Đồng bào Thái (Sơn La) chuẩn bị nguyên liệu chế biến món ăn phục vụ du khách tới tham quan - Ảnh: VGP/ Văn Hiền
Ẩm thực - chiếc cầu nối văn hóa với du khách
Những món ăn mang đậm dấu ấn văn hóa, được chế biến từ bàn tay khéo léo của đồng bào các dân tộc không chỉ đem đến trải nghiệm vị giác độc đáo mà còn kể những câu chuyện thú vị về đời sống, phong tục từng tộc người.
Tại Làng, mỗi gian nhà sàn, nhà dài không chỉ là nơi trưng bày văn hóa mà còn là gian bếp mở, nơi đồng bào chế biến những món ăn đậm chất quê hương. Khói bếp bay lên từ những ngôi nhà sàn của người Mường, người Thái, phảng phất hương thơm của mắc khén, hạt dổi, cá suối nướng. Một góc khác, nơi những người Ê Đê, Ba Na nhóm bếp lửa, mùi thịt nướng ống tre, cơm lam, rượu cần tạo thành bản hòa ca quyến rũ giữa đất trời.
Bà Bùi Thị Huân, nghệ nhân dân tộc Mường đến từ Hòa Bình, vừa thoăn thoắt trở những xiên thịt lợn nướng trên than hồng vừa niềm nở nói: "Người Mường có câu 'ăn chậm, nói khẽ', tức là khi ăn phải từ từ cảm nhận, lắng nghe câu chuyện của từng món ăn. Một bữa cơm không chỉ để no bụng, mà còn là dịp để ta hiểu về nhau".
Món "thịt đồ chấm hạt dổi" của người Mường luôn là lựa chọn hàng đầu của du khách. Những thớ thịt lợn bản hấp mềm, chấm cùng muối hạt dổi- loại hạt thơm lừng chỉ có ở rừng đại ngàn - tạo nên hương vị khó quên. Không chỉ vậy, cá suối nướng lá dong, canh loóng chuối, xôi nếp nương đồ trong chõ gỗ… cũng là những món ăn mà bất cứ ai đến đây cũng muốn một lần thưởng thức.
Ở góc bếp của đồng bào Thái, chị Cà Thị Tâm hồ hởi mời du khách nếm thử món nộm hoa ban - món ăn chỉ có vào mùa xuân, khi những cánh hoa ban nở trắng núi rừng Tây Bắc.
"Người Thái chúng tôi quan niệm, hoa ban là biểu tượng của tình yêu, của lòng thủy chung. Món nộm hoa ban không chỉ ngon mà còn mang ý nghĩa chúc phúc cho những đôi lứa yêu nhau", chị Tâm nói.
Không chỉ thưởng thức mà còn trải nghiệm thực tế
Nếu chỉ dừng lại ở việc thưởng thức, ẩm thực vùng miền chưa thể trở thành "chìa khóa vàng" giữ chân du khách. Điều đặc biệt tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là du khách không chỉ được ăn, mà còn được tận tay chế biến những món ăn cùng đồng bào.
Bên bếp lửa ấm cúng của người Dao, du khách không chỉ được thưởng thức mà còn tận tay chế biến mâm "cỗ lá" truyền thống – một nét đẹp ẩm thực đặc trưng của đồng bào nơi đây. Anh Triệu Hùng Cương, trưởng nhóm người Dao Quần Chẹt chia sẻ: "Một mâm "cỗ lá" đầy đủ thường gồm thịt lợn, thịt gà (luộc, nướng), nem rán, rau củ luộc hoặc xào, xôi… Tưởng chừng không quá khác biệt so với mâm cỗ miền xuôi, nhưng điểm độc đáo lại nằm ở cách bày trí. "Cỗ" và "lá" gắn bó chặt chẽ với nhau – đó chính là nét tinh tế của ẩm thực người Dao".

Mâm cỗ lá của đồng bào Dao (Ba Vì, Hà Nội) - Ảnh: VGP/Văn Hiền
Không dùng đĩa, bát thông thường, các món ăn được bày trên những tấm lá chuối rừng xanh mướt, trải đều trên mâm. Lá chuối không chỉ tạo nên màu sắc bắt mắt, mà khi thức ăn nóng đặt lên, hương thơm thanh mát từ lá quyện vào từng món, làm tăng thêm độ hấp dẫn và đậm đà cho hương vị. Cỗ lá không chỉ là một bữa ăn, mà còn là sự giao hòa giữa thiên nhiên và con người, giữa hương vị và tập quán, thể hiện sự trân quý những sản vật mà núi rừng ban tặng.
Chị Lê Thị Thanh Hương, du khách đến từ Hà Nội hào hứng chia sẻ: "Trước đây, tôi chỉ biết đến những món ăn này qua báo chí hoặc trong những chuyến du lịch vùng cao. Nhưng giờ đây, chỉ cần đến Làng Văn hóa, tôi đã có thể thưởng thức tinh hoa ẩm thực của nhiều dân tộc, lắng nghe chính đồng bào kể chuyện về nguồn gốc và ý nghĩa của từng món ăn. Hôm nay, tôi đưa các con đến đây, cùng trải nghiệm từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến tận mắt chứng kiến cách chế biến. Nhìn các con say sưa học hỏi, thích thú nếm thử từng món, tôi cảm thấy chuyến đi này thật sự ý nghĩa. Không chỉ đơn thuần là thưởng thức ẩm thực, mà còn là hành trình khám phá văn hóa đầy thú vị!"
Không chỉ có món ăn, những loại đồ uống dân tộc cũng trở thành điểm nhấn. Nhiều du khách thích thú khi được thử uống rượu cần Tây Nguyên, rượu ngô Bắc Hà, rượu táo mèo của người Mông. Những chum rượu cần, những vò rượu ủ lá rừng không chỉ mang lại hơi men say dịu, mà còn là hơi thở của núi rừng, của những bản làng xa xôi được gói ghém lại trong từng giọt rượu nồng.
Ẩm thực vùng miền - "chìa khóa vàng" hút khách
Việc phát triển ẩm thực tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam không chỉ là cách để gìn giữ và quảng bá bản sắc dân tộc, mà còn là một hướng đi đầy tiềm năng trong việc thu hút khách du lịch.
Đại diện Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nhận định: "Ẩm thực là phần dễ tiếp cận nhất của văn hóa. Du khách có thể không hiểu tiếng dân tộc, có thể không quen trang phục truyền thống, nhưng khi ăn một món ăn ngon, họ sẽ nhớ về vùng đất đó. Chúng tôi đang nỗ lực để đưa ẩm thực thành một trong những điểm nhấn quan trọng, giúp du khách không chỉ 'xem' mà còn 'cảm nhận' văn hóa một cách trọn vẹn".

Chị Lê Thị Thanh Hương, du khách đến từ Hà Nội cùng các con thưởng thức ẩm thực đồng bào người Dao tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam - Ảnh: VGP/Văn Hiền
Từ một địa điểm chủ yếu để trưng bày, tái hiện không gian văn hóa các dân tộc, giờ đây, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã dần trở thành nơi để văn hóa được sống, được thở, được lan tỏa qua những món ăn dân dã nhưng đầy tinh tế. Trong thời gian tới, Ban Quản lý Làng dự kiến mở rộng khu chợ phiên văn hóa, nơi du khách có thể vừa thưởng thức đặc sản ngay tại chỗ, vừa mua về làm quà. Những buổi giao lưu với nghệ nhân ẩm thực, những lớp học nấu ăn dân tộc cũng sẽ được tổ chức thường xuyên hơn.
Khi thưởng thức một món ăn, du khách không chỉ cảm nhận hương vị, mà còn nghe thấy những câu chuyện về bản làng, núi rừng, về những con người đã gìn giữ tinh hoa văn hóa qua từng bữa cơm. Và cứ thế, những món ăn ấy trở thành "sứ giả", nối dài những cuộc hành trình, khiến mỗi chuyến đi đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam không chỉ là một lần ghé thăm, mà là một cuộc gặp gỡ, một sự kết nối đầy xúc cảm với văn hóa dân tộc.
Văn Hiền