Huyện Đan Phượng cần tập trung giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4

06/04/2023 2:00 PM

(Chinhphu.vn) - Đến nay, để triển khai dự án Vành đai 4, huyện Đan Phượng đã ban hành quyết định thu hồi đất nông nghiệp đạt 63,62%; di chuyển 28,96% các ngôi mộ. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ đạo huyện cần bảo đảm theo tiến độ chung của Thành phố.

Huyện Đan Phượng cần tập trung giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4 - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Gia Huy

Sáng 6/4, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Huyện ủy Đan Phượng về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, quý I năm 2023; nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới và tiến độ xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc; cùng dự có các đồng chí: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong…

Đan Phượng tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 10,12%

Theo Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, sau dịch COVID-19, kinh tế huyện phục hồi, có bước tăng trưởng khá và tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 10,12%.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng đô thị, tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng nông nghiệp.

Riêng với công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô, tổng số diện tích đất thu hồi thực hiện dự án trên địa bàn huyện là 74,8ha. Đến nay, huyện đã ban hành 802 quyết định thu hồi đất nông nghiệp của 802 hộ với diện tích 25,35/39,84ha (đạt tỷ lệ 63,62%). Tổng số mộ phải di chuyển thực hiện dự án 1.678 ngôi và đến nay đã di chuyển 468/1.678 ngôi (đạt tỷ lệ 28,96%).

Về kết quả năm 2022, Bí thư huyện ủy Đan Phượng cho biết, tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất của huyện đạt 10,12%; tổng giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu đạt 17.063 tỷ đồng. Huyện tiếp tục dẫn đầu toàn Thành phố về xây dựng nông thôn mới, với 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đã có 12/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người đạt 73 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, huyện tập trung huy động tối đa các nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật kinh tế xã hội hiện đại, gắn với tiêu chí phát triển huyện thành quận, xã thành phường.

Trong quý I/2023, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện trên 155 tỷ đồng (đạt 10,7% dự toán Thành phố giao và bằng 44% so với cùng kỳ). Tổng chi ngân sách huyện ước thực hiện 374 tỷ đồng (đạt 19,4% dự toán Thành phố giao và 118,7% so với cùng kỳ). Đối với việc thực hiện Đề án phát triển huyện lên quận, tính đến nay huyện đã đạt 22/31 tiêu chí và còn 9 tiêu chí chưa đạt.

Tại buổi làm việc, huyện Đan Phượng nêu hơn 10 kiến nghị với Thành phố liên quan đến công tác quy hoạch, môi trường, tạo nguồn đầu tư phát triển huyện lên quận.

Cụ thể, huyện kiến nghị Thành phố cập nhật quy hoạch Cảng thuỷ nội địa kết hợp với Cảng du lịch xã Trung Châu với diện tích 50ha. Điều chỉnh, bổ sung chức năng đất thương mại, dịch vụ 10ha tại Quy hoạch Công viên đa chức năng xã Tân Hội. Bổ sung toàn bộ diện tích đất bãi khu vực phía Tây cầu Hồng Hà để phát triển thương mại, dịch vụ, đô thị sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao. Sớm giao đất các dự án đô thị (Khu chức năng đô thị Green City; Khu đô thị nhịp sống mới New Style City) để tạo nguồn lực cho huyện phát triển…

Huyện cũng kiến nghị Thành phố cho chủ trương đối với 3 dự án khu đô thị, với tổng diện tích trên 370 ha; sớm phê duyệt dự án đường Tây Thăng Long đoạn từ vành đai 3,5 đến kênh Đan Hoài và cho phép lập chủ trương đầu tư đoạn từ kênh Đan Hoài đến đê La Thạch…

Huyện Đan Phượng cần tập trung giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4 - Ảnh 2.

Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với huyện Đan Phượng - Ảnh: VGP/GH

Vành đai 4: Cần kiên quyết bảo đảm theo tiến độ chung của Thành phố

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đánh giá, Đan Phượng đã triển khai khá toàn diện, đạt kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng nông thôn mới…

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho rằng, thu ngân sách 3 tháng đầu năm 2023 của huyện đạt thấp; còn 9 chỉ tiêu xây dựng huyện lên quận chưa đạt; hạ tầng thương mại – dịch vụ, mật độ đường giao thông cũng còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; thu nhập bình quân đầu người còn thấp; cải cách hành chính của huyện cũng chưa đáp ứng yêu cầu…

Đây là những khó khăn, thách thức, đòi hỏi huyện phải tư duy, nhận thức thêm; trên cơ sở đó phải chỉ rõ tiềm năng, lợi thế của huyện, cách thức để khai thác, phát huy vào sự phát triển của địa phương, để huyện có bước phát triển đột phá và bền vững, mục tiêu bao trùm là nâng cao thu nhập và đời sống người dân.

Chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Bí thư Thành ủy yêu cầu, trước hết huyện cần tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy các phòng ban, các phường, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Về dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị huyện phải thường xuyên đôn đốc, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong; tập trung cao độ trong đo đạc, kiểm đếm, di chuyển mồ mả, xây dựng khu tái định cư… kiên quyết đảm bảo theo tiến độ chung của Thành phố.

Bí thư Thành ủy đặc biệt yêu cầu huyện Đan Phượng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư, khơi thông nguồn lực cho huyện phát triển. Ngoài ra, cần ưu tiên đầu tư cho 3 lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục. Tăng cường công tác quản lý đất đai, quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng. Quan tâm, chăm lo đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng tin tưởng với sự chung sức đồng lòng, cùng truyền thống đoàn kết, sự quan tâm của lãnh đạo Thành phố, các sở ngành Thành phố, huyện Đan Phượng sẽ triển khai thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Gia Huy

Top