Huyện Đan Phượng: Miền quê đáng sống

17/05/2023 2:24 PM

(Chinhphu.vn) - Phát triển sản xuất trong điều kiện đất nông nghiệp ngày một thu hẹp, người lao động cũng chịu sức hút của nhiều ngành nghề khác là bài toán hóc búa cho nhiều huyện ngoại thành Hà Nội. Tuy nhiên huyện Đan Phượng đã có những cách làm tạo hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp

Huyện Đan Phượng: Miền quê đáng sống  - Ảnh 1.

Huyện Đan Phượng được quy hoạch tổng thể để người dân có thể phát triển sản xuất và có môi trường sống bình an - Ảnh minh họa

 

Thu nhập bình quân 425 triệu đồng/ha

Mức thu nhập này một phần do huyện đã tổ chức đấu giá được 86 ha đất công ích, đất bãi sông Hồng để thực hiện sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Từ việc gom được quỹ đất này, Đan Phượng đã có hàng loạt mô hình như hoa lan hồ điệp của HTX Đan Hoài, rau hữu cơ của HTX Sản xuất và Tiêu thụ Rau hữu cơ Công nghệ cao Cuối Quý, nấm hữu cơ của HTX Nấm Nghĩa Minh, nho hạ đen kết hợp với du lịch sinh thái, trải nghiệm của xã Đan Phượng, Phương Đình, nuôi tôm thẻ chân trắng...

Cùng với đó, diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ của huyện được 140 ha. Sản phẩm bưởi tôm vàng được triển khai lắp đặt camera giám sát và xây dựng câu chuyện sản phẩm tích hợp trên tem truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng có thể tìm hiểu một cách dễ dàng. Huyện cũng đã xây dựng được 8 thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho nông sản (nấm, hoa, rau giá Trung Châu, bưởi tôm vàng Đan Phượng, thịt lợn an toàn Trung Châu, sản phẩm chăn nuôi Phương Đình, đậu phụ xã Hồng Hà, đậu phụ xã Hạ Mỗ).

Đặc biệt hơn, theo guồng phát triển nông nghiệp, trên địa bàn huyện đã hình thành 7 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong đó 4 chuỗi liên kết trồng trọt được thực hiện chủ yếu bởi các HTX chuyên ngành nấm, rau, hoa, 3 chuỗi chăn nuôi được liên kết bởi các hộ chăn nuôi và các cơ sở giết mổ, chế biến. Sản phẩm của các mô hình liên kết tiêu thụ qua kênh các siêu thị, trường học, chuỗi thực phẩm sạch trên địa bàn trong và ngoài thành phố.

Các chuỗi liên kết được hình thành đã làm đòn bẩy để giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 372 triệu đồng/ha năm 2020 lên 425 triệu đồng/ha năm 2022. Có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 1 tỉ đồng/ha. 97 sản phẩm của huyện được đánh giá phân hạng OCOP, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

Huyện Đan Phượng, TP Hà Nội chỉ còn hơn 5.000 ha đất gieo trồng cây hàng năm trong đó lúa 1.000 ha, rau màu các loại 1.500 ha, hoa 1.700 ha... Diện tích cấy lúa năm nay giảm 322 ha so với năm 2020 do các xã thực hiện chuyển đổi sang trồng rau, cây màu và cây ăn quả, nâng tổng số diện tích chuyển đổi toàn huyện đạt 1.600 ha. Khi quỹ đất hạn chế, muốn tăng hiệu quả kinh tế không gì khác sản xuất nông nghiệp phải ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái. Những thành quả đạt được nêu trên cho thấy Đan Phượng hoàn toàn phát triển kinh tế bằng nông nghiệp với điều hiện đất đai hạn hẹp.

Mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống cho người dân

Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) của TP Hà Nội cho biết  tất cả 5 xã NTM kiểu mẫu của Hà Nội đều tập trung ở huyện Đan Phượng.

Huyện Đan Phượng đã đăng ký huyện NTM nâng cao, đến thời điểm này những tiêu chí cơ bản đạt hết, chỉ còn công nhận trường chuẩn. Văn phòng Điều phối NTM của TP. Hà Nội đang cùng Đan Phượng và Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, đẩy nhanh tiến độ về đích huyện NTM nâng cao đầu tiên của Hà Nội.

Việc vệ sinh môi trường, Đan Phượng là một trong những địa phương làm tốt nhất cả nước, hằng tháng đều có những cuộc thi từng cụm dân cư, thôn xóm về môi trường để từ đó lựa chọn ra thi xã này với xã khác. 

Ông Chí nêu cảm nhận: "Đến đây có thể cảm nhận đúng là miền quê đáng sống, chúng tôi cũng sẽ có một buổi làm việc riêng của Hà Nội để học tập Đan Phượng".

Trong việc duy trì và nâng cao chất lượng xây NTM gắn với tiêu chí phát triển huyện thành quận, theo ông Nguyễn Thạc Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, thời gian tới địa phương sẽ tập trung vào một số đầu việc: Ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá, xúc tiến nâng cao chất lượng 2 điểm đến du lịch khu sinh thái DIA và xã Hạ Mỗ. Đào tạo, bồi dưỡng về văn hóa du lịch cho cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch trên địa bàn, phấn đấu đưa xã Hạ Mỗ đạt kiểu mẫu về du lịch. Xây dựng mô hình du lịch văn hóa kết hợp với du lịch trải nghiệm nông nghiệp và các sản phẩm làng nghề truyền thống như kẹo lạc, rượu, đậu phụ...

Lựa chọn ít nhất 1 xã xây dựng mô hình xã thông minh, mỗi xã 1 thôn thông minh theo tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu. 100% các thôn, cụm dân cư có tổ công nghệ số cộng đồng và phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân ứng dụng chuyển đổi số.

Đẩy mạnh tổ chức sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ số trong sử dụng các dịch vụ xã hội như y tế, điện nước, giáo dục... Số hóa các dữ liệu di tích, điểm du lịch, văn hóa phi vật thể ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá hình ảnh của đất và người Đan Phượng.

Bên cạnh sự năng động của người dân, huyện Đan Phượng đã hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho nông sản các xã, hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất VietGap như mô hình cây ăn quả VietGap tại xã Thượng Mỗ, Trung Châu, Tân Lập, Đồng Tháp, Phương Đình, Liên Hà với tổng diện tích 60,9 ha; mô hình chăn nuôi lợn VietGap tại xã Phương Đình, Trung Châu.

Đỗ Hương

Top