Kết nối cung ứng nguồn thực phẩm an toàn từ các tỉnh về Thủ đô
(Chinhphu.vn) - Để tăng cường kết nối cung ứng nguồn thực phẩm sạch cho Thủ đô, thời gian qua Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ… đã kết nối, ký kết chương trình phối hợp bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giao thương giữa các tỉnh, thành.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang duy trì 14 chuỗi cung cấp nông sản thực phẩm cho thành phố Hà Nội, gồm: 11 chuỗi sản xuất, cung ứng rau, quả; 1 chuỗi sản xuất cung ứng thịt lợn; 1 chuỗi sản xuất, cung ứng thịt gà; 1 chuỗi sản xuất, tiêu thụ trà hoa vàng.
Trong đó có một số doanh nghiệp trong các chuỗi như: Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp Wineco Tam Đảo, Công ty TNHH nấm Phùng Gia cung cấp ổn định rau củ quả, nấm cho thị trường Hà Nội thông qua hệ thống siêu thị Winmart với sản lượng hàng năm khoảng 2.000 tấn rau củ quả, 150 tấn nấm đùi gà, nấm yến.
Bên cạnh đó, sản phẩm nông sản tỉnh Vĩnh Phúc còn được tiêu thụ tại các hệ thống cửa hàng thực phẩm, siêu thị khác tại Hà Nội.
Ngoài ra, các thương lái đã thu mua hàng chục nghìn tấn nông sản khác của tỉnh Vĩnh Phúc (như thịt lợn, thịt gà, trứng gà, thủy sản, thủy cầm,… ) để cung cấp cho thị trường Hà Nội. Ước tính số lượng sản phẩm nông, lâm thủy sản của tỉnh Vĩnh Phúc cung cấp về thành phố Hà Nội mỗi năm đạt: 12.000 tấn rau củ quả; trên 50 triệu quả trứng gà; khoảng 10.000 tấn gà thịt; 20.000 tấn lợn thịt …
Tương tự, tỉnh Phú Thọ, đã xây dựng và phát triển 27 chuỗi cung ứng sản phẩm nông, lâm thủy sản an toàn cung cấp cho thị trường Hà Nội với các sản phẩm chè, bưởi, chuối, rau, gạo, hồng không hạt, thịt và các sản phẩm từ thịt, sản phẩm OCOP… Tất cả các sản phẩm tham gia chuỗi được chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng an toàn, có bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đáp ứng tốt yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội, Thành phố tự sản xuất mới chỉ đáp ứng từ 20 – 70% nhu cầu, trong đó thịt lợn, thịt gia cầm, thủy sản nước ngọt cơ bản đáp ứng nhu cầu; gạo đáp ứng 70%; rau củ đáp ứng 57%; thịt trâu bò đáp ứng 19%; thực phẩm chế biến 20%... Nhìn chung lượng hàng hóa còn thiếu đồng thời cung cấp các sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương phục vụ nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng Thủ đô được cung cấp từ tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước và nhập khẩu.
Hiện nay, Sở NN&PTNT Hà Nội và 43 tỉnh, thành phố đã chủ động, tích cực duy trì và hỗ trợ phát triển gần 1.000 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố Hà Nôi. Hà Nội cũng thường xuyên giới thiệu các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, Festival, tuần lễ, hội nghị kết nối, trưng bày giới thiệu sản phẩm nhằm đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, kết nối sản phẩm nông lâm thủy sản đến các hệ thống phân phối, doanh nghiệp chế biến, người tiêu dùng trên địa bàn thành phố.
Theo ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, các địa phương cần quan tâm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, phát triển các chuỗi nông lâm thủy sản an toàn cung cấp cho Hà Nội.
Đồng thời chủ động phối hợp, thông tin hai chiều về những vấn đề như: Tình hình dịch bệnh, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm để thuận lợi trong công tác quản lý; chia sẻ thông tin về cơ chế chính sách, rà soát danh mục các rà soát danh mục sản phẩm nông sản thực phẩm địa phương cần kết nối vào các kênh phân phối: Siêu thị, chuỗi thực phẩm, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu của Hà Nội để tổ chức kết nối, tiêu thụ.
Bên cạnh đó cần tăng cường tổ chức sản xuất theo chuỗi qui mô lớn sản xuất công nghệ cao, bền vững, phát triển chuỗi sản xuất có chứng nhận GAP, GMP, HACCP… Xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm để cung cấp tới doanh nghiệp phân phối, người tiêu dùng để nhận biết, an tâm sử dụng.
Thiện Tâm