Kết nối phát triển sản xuất nông nghiệp từ cầu nối Hội Nông dân
(Chinhphu.vn) - Trong thời gian qua, Hội Nông dân TP. Hà Nội và Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã phối hợp, liên kết chặt chẽ trong việc kết nối tiêu thụ nông sản, xây dựng chuỗi cung ứng nông sản an toàn cho Thủ đô.
Hội Nông dân Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong thời gian qua đã luôn phối hợp chặt chẽ, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Đến nay nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Nội và các tỉnh, thành phố đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, kinh tế nông nghiệp tiếp tục khẳng định thực sự là "bà đỡ" của nền kinh tế.
Sản xuất nông nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định; quy mô và trình độ sản xuất được mở rộng. Trình độ của nông dân ngày càng được nâng cao về mọi mặt; đời sống, thu nhập và việc làm không ngừng được cải thiện; vị thế, vai trò của nông dân ngày càng nâng cao.
Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng và đạt được những kết quả quan trọng. Hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân của Hà Nội và các tỉnh, thành phố có nhiều đổi mối về nội dung, phương thức hoạt động, việc tổ chức tốt các phong trào nông dân đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Trong giai đoạn 2019-2023, Hội Nông dân TP. Hà Nội và Hội Nông dân 33 tỉnh, thành phố đã tích cực phối hợp tuyên truyền đến hội viên nông dân thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; duy trì tổ chức tốt các hoạt động đoàn kết, tương trợ trong nông dân; tổ chức hoạt động trao đổi kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân, xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã; đặc biệt là hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Thông qua đó đã góp phần đổi mới nội dung hoạt động của các cấp Hội, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của hội viên nông dân; thúc đẩy quan hệ hợp tác, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cụ thể hóa chủ trương "Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội".
Giai đoạn 2019-2023, Hội Nông dân TP. Hà Nội tổ chức 20 đoàn tham quan học tập kinh nghiệm các tỉnh; tiếp đón 18 đoàn Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đến ký kết chương trình phối hợp và trao đổi học tập các mô hình tiêu biểu. Ngoài ra, Hội Nông dân Hà Nội đã vận động và tổ chức các đoàn đi thăm và tặng quà trị giá 1,495 tỷ đồng.
Đối với phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, hàng năm, 100% các cấp Hội Nông dân từ huyện đến cơ sở tổ chức phát động thực hiện phong trào thi đua, giao chỉ tiêu cụ thể tới các chi hội, cơ sở hội. Qua bình xét, trong 5 năm qua, toàn Thành phố có 903.435 lượt hộ đạt tiêu chuẩn hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Xây dựng gần 1.000 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn
Đến hết năm 2023, Ban điều phối Chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho Hà Nội đã xây dựng và phát triển được gần 1.000 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; trong đó có một số địa phương nổi bật như: Sơn La 144 chuỗi, Hòa Bình 65 chuỗi; Lào Cai 53 chuỗi, Hưng Yên 41 chuỗi… Nhiều nông sản, thực phẩm của các địa phương được Hà Nội hỗ trợ xây dựng, quảng bá thương hiệu và kết nối tiêu thụ qua các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm, thương nhân kinh doanh tăng nhanh.
Riêng Hà Nội xây dựng và phát triển được 159 chuỗi, trong đó có nhiều chuỗi được tổ chức khép kín từ khâu sản xuất đến khâu phân phối tiêu thụ sản phẩm, tạo ra các thương hiệu mạnh trên thị trường cũng như xuất khẩu.
Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng; nhiều chuỗi liên kết được hình thành từ các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp tại các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung như: chăn nuôi gà đồi (Ba Vì), gà đồi (Sóc Sơn); thịt lợn sinh học (Quốc Oai), các chuỗi sản phẩm như gạo, chè, rau an toàn, chuỗi trái cây của các huyện Chương Mỹ, Phúc Thọ, Hoài Đức, Sóc Sơn, Đan Phượng, Ba Vì,...
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp các tỉnh, thành phố vẫn bộc lộ một số hạn chế, khó khăn như: Mô hình có nhiều nhưng chưa nhân ra được diện rộng, chủ yếu vẫn dựa vào phương thức sản xuất truyền thống, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chế biết còn ít, ứng dụng công nghệ vẫn còn hạn chế. Hoạt động hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo, mở rộng sản xuất vẫn còn hạn chế, nguồn lực chưa được tập trung đầu tư. Việc hình thành các doanh nhân, doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác, trang trại ... từ các chủ thể là hội viên nông dân còn đơn lẻ, hạn chế về số lượng và chất lượng, chưa có sự liên kết để mở rộng quy mô, nâng cao lợi thế cạnh tranh.
Vì vậy, theo Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hà Nội Phạm Hải Hoa, Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố Hà Nội và Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã thống nhất triển khai một số hoạt động trọng tâm để thúc đẩy hợp tác phát triển. Trong đó đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin, học tập chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân; hỗ trợ xây dựng mô hình, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.
Tổ chức các hoạt động khảo sát, tìm kiếm thị trường, thúc đẩy giao thương, kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, phiên giao dịch, hội chợ triển lãm trưng bày, giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản của nông dân Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Phối hợp giới thiệu liên kết, hợp tác sản xuất, giao lưu, trao đổi, tư vấn giữa các các câu lạc bộ nông dân tỷ phú, câu lạc bộ hộ sản xuất kinh doanh giỏi...; xây dựng các điểm giới thiệu và cung cấp sản phẩm của nông dân trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
Tăng cường hợp tác xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp, hàng hóa, dịch vụ, kinh tế tập thể và trang trại; các mô hình liên kết sản xuất, mô hình kinh tế tập thể theo hình thức hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác. Phát huy vai trò, tích cực tham gia có hiệu quả với các sở, ngành của các tỉnh, thành phố trong công tác kết nối sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản, phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn cho thành phố Hà Nội.
Thiện Tâm