Kết nối sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội-Italia
(Chinhphu.vn) - Tối 7/6, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Phòng Thương mại Italia tại Việt Nam, tổ chức Hội nghị Kết nối doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội với doanh nghiệp Italia.
Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, hiện TP. Hà Nội có 117 sản phẩm của 81 DN đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Cụ thể, 10 DN thuộc ngành công nghệ cao, 20 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực điện – điện tử, 8 DN lĩnh vực dệt may – da giày, 32 DN thuộc ngành cơ khí chế tạo, 5 DN thuộc lĩnh vực thực phẩm; 6 DN thủ công mỹ nghệ , 25 DN trong TOP 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, 13 DN FDI với nhiều thương hiệu toàn cầu như: Canon, Panasonic, Toto, Meiko, (Nhật Bản), B.Bruau (CHLB Đức), CP (Thái Lan)… Doanh thu năm 2021 của các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực đạt gần 10 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2 tỷ USD.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan chia sẻ, năm 2021 mặc dù dịch COVID-19 gây nhiều khó khăn cho sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu, nhưng kim ngạch xuất khẩu TP. Hà Nội đạt 16 tỷ USD, tăng 0,9%; kim ngạch nhập khẩu đạt 35 tỷ USD, tăng 20,7%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Italia đạt 230 triệu USD (chiếm 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội năm 2021).
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Italia bao gồm, khoáng sản (chiếm 44,3%); cơ kim khí (chiếm 13,1%); dệt may (chiếm 10,1%). Kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội từ thị trường Italia năm 2021 đạt 220 triệu USD (chiếm 0,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội năm 2021). Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm cơ kim khí (chiếm 40,7%); dược phẩm (chiếm 14,7%); dệt may (chiếm 9,9%).
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế nước Cộng hòa Italia Manlio Di Stefano thông tin, trong thời gian qua, Hiệp hội DN Italia tại Việt Nam (ICHAM) đã xây dựng mạng lưới gồm gần 100 hội viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau và trải rộng trên nhiều tỉnh thành tại Việt Nam. Trong số các hội viên hàng đầu của ICHAM phải kể đến các FDI Italia như ENI (dầu khí), ENEL Green Power (năng lượng xanh), Piaggio Việt Nam (cơ khí chế tạo, xe máy), Ariston Thermo Việt Nam (bình nóng lạnh và thiết bị năng lượng), HYKD (vải co giãn trong thể thao và đồ bơi), Datalogic (thiết bị đọc mã vạch, cảm biến, di động), Bonfiglioli (thiết bị truyền động, hệ thống điều khiển),…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nêu rõ, nhằm hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm công nghiệp chủ lực thời gian qua, TP. Hà Nội và ngành Công Thương Hà Nội đã liên tục tổ chức các hội nghị xúc tiến, kết nối cung cầu. Vì vậy hội nghị lần này là một hoạt động thiết thực, tạo điều kiện để DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội hợp tác, kết nối kinh doanh với DN Italia.
"Thông qua Hội nghị này, TP. Hà Nội mong muốn HAMI và ICHAM phát triển mối quan hệ liên doanh, liên kết và hợp tác ngày càng chặt chẽ trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Qua đó đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế giữa Hà Nội với Italia, qua đó mở rộng xuất khẩu, tham gia hệ thống phân phối vào thị trường Italia, thị trường EU, tận dụng lợi thế của Hiệp định thương mại tự do EVFTA giữa Việt Nam và liên minh châu Âu (EU) mang lại…từ đó tăng kim ngạch xuất khẩu", Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định.
Tại hội nghị, HAMI và ICHAM đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai hiệp hội. Chủ tịch Hiệp hội HAMI Lê Vĩnh Sơn chia sẻ, Biên bản ghi nhớ này sẽ tạo điều kiện cho DN Việt Nam nói chung, DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội nói riêng có thêm cơ hội hợp tác xúc tiến và kết nối thương mại; hợp tác đầu tư, sản xuất, kinh doanh đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị.
Thùy Linh