Khắc phục tình trạng giá thịt lợn hơi giảm mạnh

20/10/2021 10:07 AM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay giá thịt lợn hơi trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn dao động ở mức thấp, gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, sau khi Thành phố cho phép các nhà hàng, quán ăn mở cửa trở lại, việc tiêu thụ thịt lợn hơi đã “dễ thở” hơn và có điều kiện để dần phục hồi.

Hiện nay Hà Nội có tổng đàn lợn thuộc tốp đầu của cả nước. Ảnh: Thiện Tâm.

Qua khảo sát của phóng viên, trong thời gian qua, mặc dù giá lợn hơi liên tục giảm nhưng giá bán thịt lợn tại nhiều chợ vẫn giữ ở mức cao. Chị Dung, cư dân tại Khu đô thị Linh Đàm cho biết: Gia đình chị thường xuyên mua thịt lợn tại chợ Xanh (thuộc Khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai), trong thời gian giãn cách xã hội và sau khi hết giãn cách, giá thịt lợn do tiểu thương tại chợ bán ra vẫn không sụt giảm, dao động ở mức 120-130 nghìn đồng/kg. Tại chợ Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, giá thịt lợn cũng vẫn giữ ở mức 110-120 nghìn đồng/kg, mức cao thấp tùy vào từng loại thịt.

Tuy nhiên, tại một số chợ như Ba La, chợ Vồ… (Hà Đông), giá thịt lợn tại các chợ đã có dấu hiệu giảm, mức giá từ 100-110 nghìn đồng/kg. Theo đó cũng thu hút được lượng khách hàng đến mua đông hơn thời gian trước.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Hiện nay, giá thịt lợn hơi trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn ở mức thấp, chưa có chiều hướng tăng lên. Giá thịt lợn hơi bắt đầu sụt giảm từ cuối tháng 9 đến nay, trước đó có mức giá tầm 45-50 nghìn đồng/kg. Hiện tại các trang trại hay HTX chăn nuôi, giá bán vẫn dao động ở mức từ 30-35 nghìn đồng/kg. Nhưng tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hay những nơi xảy ra dịch tả lợn châu Phi (như ở Ba Vì), giá lợn hơi còn thấp hơn ở mức này.

Theo nhận định của ông Sơn, thời gian qua vấn đề phát triển chăn nuôi nói chung cũng như tình hình giá thịt lợn quá nhiều biến động. Nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp chính là do đại dịch COVID-19 nên đã khiến vấn đề thức ăn cho gia súc, gia cầm hay việc vận chuyển lưu thông và đặc biệt là việc sử dụng nguồn thực phẩm từ gia súc, gia cầm bị sụt giảm. Điển hình giá thức ăn chăn nuôi từ đầu năm đến nay tăng chóng mặt, cao gấp 8 đến 10 lần so với trước đây. Điều đó cũng ảnh hưởng đến việc duy trì và phát triển đàn lợn trên địa bàn Thành phố.

Thứ hai là do giãn cách xã hội nên trong suốt thời gian qua, việc tiêu thụ sản phẩm từ thịt lợn quá chậm (nguồn cung thì sẵn có nhưng đầu ra rất chậm nên giá thành sản phẩm thịt lợn bị hạ xuống). Khi giãn cách thì tất cả các nhà hàng, sinh viên học sinh nghỉ học dẫn đến bếp ăn tập thể không hoạt động… Bên cạnh đó, việc lưu thông giữa các tỉnh cũng bị hạn chế rất nhiều do dịch bệnh.

Cũng do dịch COVID-19 nên một số cơ sở giết mổ tập trung như Vạn Phúc, Minh Hiền… buộc phải tạm dừng hoạt động do không đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch. Theo đó đã tác động đến hiệu quả làm việc và nguồn cung cho tiêu thụ thịt lợn hơi và các sản phẩm từ thịt.

“Mặt khác, khi không tiêu thụ được thịt lợn đã dẫn đến tâm lý của người dân rất khó chủ động (bình thường họ còn tính toán được lỗ-lãi đầu ra, đầu vào sản phẩm). Nhưng bây giờ không tính toán được việc cần sản xuất cân đối ra sao, trong khi không tiêu thụ được thịt lợn hơi thì hằng ngày người chăn nuôi vẫn phải bảo đảm cung cấp nguồn thức ăn cho chăn nuôi, điều đó cũng gây tốn một khoản kinh phí khá lớn, khiến người dân cũng lao đao. Khó khăn thứ hai là nếu để tồn đọng lợn hơi không tiêu thụ được thì sẽ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong chăn nuôi, làm giảm giá thành sản phẩm”, ông Sơn cho biết thêm.

Dấu hiệu đáng mừng sau giãn cách

Tuy nhiên, một dấu hiệu đáng mừng là từ 14/10 đến nay, Hà Nội đã cho phép các nhà hàng, quán ăn kinh doanh thực phẩm, ăn uống hoạt động trở lại trong điều kiện bảo đảm an toàn dịch bệnh. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để tiêu thụ các sản phẩm từ thịt lợn khi người dân sinh hoạt bình thường thì lượng tiêu thụ sẽ lớn và không bị tồn đọng thực phẩm gia súc, gia cầm, đặc biệt là thịt lợn khi hiện nay Hà Nội có đàn lợn 1,4-1,5 triệu con thuộc tốp đầu của cả nước.

Ngoài ra, để khắc phục tình trạng giá thịt lợn hơi giảm mạnh, ngành nông nghiệp cũng đang tập trung cho việc giám sát và quản lý dịch bệnh. Bởi nếu xảy ra dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội; ảnh hưởng đến người chăn nuôi và cả ngành chăn nuôi nói chung. Theo đó, Hà Nội tập trung tiêm phòng vaccine cho đàn gia súc, gia cầm; tổng tẩy uế môi trường; khoanh vùng, ngăn chặn ổ dịch phát triển, không để bùng phát dịch.

Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao hiểu biết để giúp người chăn nuôi biết tính toán để đảm bảo được đầu ra mới đi vào sản xuất, tránh sản xuất đại trà dẫn đến khó tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt là trong thời gian tới gần đến dịp Tết, ngành nông nghiệp sẽ kết hợp với các cơ quan chuyên môn để làm tuyên truyền mạnh hơn nữa để người dân tăng cường sử dụng sản phẩm nội địa. Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đề xuất, kiến nghị hạn chế tối đa việc nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm trong giai đoạn hiện nay, giúp bà con nông dân tiêu thụ được sản phẩm chăn nuôi nội địa. Vì các sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm của Hà Nội cũng đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu về an toàn thực phẩm, các tiêu chí về chất lượng thịt…  Đặc biệt là cần làm thế nào để hạ thấp giá thành của thức ăn chăn nuôi, bởi hiện nay giá vẫn tăng quá cao.

Bên cạnh đó là đảm bảo việc lưu thông vận chuyển hàng hóa, hiện nhà nước cũng đã tạo điều kiện cho vấn đề này, chỉ có điều cần phải thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, nhất là đội ngũ vận chuyển lưu thông giữa các địa phương.

Tạo điều kiện tốt nhất để các cơ sở giết mổ hoạt động hiệu quả. Điều đáng mừng là trong tuần qua các cơ sở giết mổ tập trung lớn như lò mổ Vạn Phúc, số lượng giết mổ đã tăng rất nhiều so với thời gian bị giãn cách xã hội…

“Hi vọng với việc triển khai đồng loạt các giải pháp trên, trong thời gian tới Hà Nội sẽ dần cân đối được giá thành thịt lợn hơi, đảm bảo cung – cầu và lợi ích thiết thực cho người chăn nuôi”, ông Sơn chia sẻ.

Thiện Tâm

Top