Khai mạc phiên chợ na và sản phẩm OCOP tại Thủ đô
(Chinhphu.vn) - Phiên chợ với quy mô trên 80 gian hàng và 1.000 m2 khu trưng bày với sự góp mặt của nhiều đặc sản vùng miền của các hợp tác xã, doanh nghiệp, hội nông dân đến từ các tỉnh.
Tiếp nối thành công của chuỗi các "Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền" đã được tổ chức tại nhiều địa phương, sáng 24/8, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ NBB&PTNT phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn tổ chức "Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền" với chủ đề Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản và sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) tỉnh Lạng Sơn năm 2023 tại Hà Nội.
Với quy mô trên 80 gian hàng và 1.000 m2 khu trưng bày, phiên chợ bán nông đặc sản vùng miền của các hợp tác xã, doanh nghiệp, hội nông dân đến từ các tỉnh thành như: Lạng Sơn, Hà Nội, Hưng Yên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Quảng Ninh, Sơn La, Hà Giang, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đắk Nông, Bình Thuận, Yên Bái...
Phiên chợ có các sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP đã được xếp hạng 3 đến 5 sao theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm và nhiều sản phẩm nông sản, đặc sản nổi tiếng gắn với các địa danh như: Nhãn lồng Hưng Yên; hoa Hồi, quả mắc mật khô, hồng không hạt Bảo Lâm, hồng Vành Khuyên Văn Lãng, thạch đen Tràng Định, chanh rừng - gà 6 ngón Mẫu Sơn, thanh Long Bình Gia, trà diếp các Lụa Vỹ, hạt dẻ - Lạng Sơn; hành, tỏi Lý Sơn; trà Shan tuyết Hà Giang; trà hoa vàng Ba Chẽ Quảng Ninh…
Điểm nhấn của phiên chợ là khu gian hàng quảng bá, giới thiệu na Chi Lăng - sản vật bậc nhất xứ Lạng từ vách núi đá vôi và các nông đặc sản, sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn. Na Chi Lăng, trái cây Lạng Sơn được thị trường trong nước rất ưa chuộng, đánh giá cao về mẫu mã cũng như chất lượng và đang vươn mạnh sang thị trường các quốc gia như: Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, phiên chợ chính là dịp người tiêu dùng được tìm hiểu, trải nghiệm, nhận diện thương hiệu, phân biệt Na Chi Lăng với sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Nhằm đa dạng hoá các hình thức xúc tiến thương mại, gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng, điểm nhấn tại phiên chợ còn có hoạt động livestream bán nông đặc sản qua TikTok và các nền tảng mạng xã hội.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, hoạt động livestream để đem đến cho khách hàng có thêm phương thức giao dịch, mua sắm và tạo sự lan tỏa giá trị, cảm xúc khi trải nghiệm nông đặc sản địa phương, khi được cung cấp đầy đủ các thông tin về điều kiện sản xuất, tính độc đáo, thông điệp sản phẩm gắn với bản sắc, truyền thống, biểu tượng văn hóa...
Đây cũng chính là hoạt động giúp người tiêu dùng được tìm hiểu, trải nghiệm, nhận diện thương hiệu, phân biệt nông sản, đặc sản đặc trưng gắn với từng vùng địa lý với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Khách hàng có thể theo dõi và mua sản phẩm trực tiếp tại kênh Chợ phiên OCOP trên TikTok từ 9h - 15h Thứ 7 ngày 26/8/2023.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn Đinh Thị Thu, với phiên chợ này, tỉnh mong muốn người tiêu dùng Thủ đô biết đến nhiều sản phẩm nông sản của Lạng Sơn hơn; trong đó có quả na.
Lạng Sơn có 4.000 ha na, lớn nhất cả nước. Sản phẩm sản xuất theo VietGAP đã được gắn tem nhận diện. Tỉnh cũng đã xây dựng mã số vùng trồng để đảm bảo điều kiện xuất khẩu. Là một trong những sản phẩm có thế mạnh của tỉnh, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo, hướng dân nông dân đầu tư trong chăm sóc vườn cây, đảm bảo sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm.
Với các nông sản chủ lực khác, bà Đinh Thị Thu cho biết, tỉnh đặc biệt quan tâm đến xây dựng mã số vùng trồng như thạch đen đã được trên 1.000 ha... Tỉnh thường xuyên kiểm tra, đánh giá nhằm đảm bảo mã số vùng trồng được sử dụng đúng và chất lượng. Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tăng mã số vùng trồng để nhiều nông sản Lạng Sơn ra thị trường thế giới hơn.
Phiên chợ diễn ra đến ngày 27/8/2023 tại số 489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.
An Khuê