Khẳng định vai trò ‘bà đỡ’ trong tiêu thụ sản phẩm OCOP

05/06/2023 4:02 PM

(Chinhphu.vn) - Muốn phát triển sản phẩm OCOP bền vững là bài toán không hề đơn giản. Để ổn định thị trường tiêu thụ, Sở Công Thương Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục khẳng định vai trò là “bà đỡ” trong hỗ trợ, xúc tiến đầu ra cho các sản phẩm OCOP thông qua các chương trình xúc tiến thương mại; hội chợ; triển lãm; kết nối giao thương…

Khẳng định vai trò ‘bà đỡ’ trong tiêu thụ sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Các sản phẩm OCOP được đến tay người tiêu dùng Thủ đô thông qua các hội chợ, triển lãm. Ảnh: VGP/Bích Phương

Với hơn 1.300 làng nghề và 1.054 sản phẩm đạt chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), Hà Nội có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên thực tế cho thấy, dù có nhiều sản phẩm chất lượng cao nhưng việc nâng cao giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề vẫn là "bài toán" khó.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan cho biết, Thạch Thất có 122 sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao. Các sản phẩm này đã có nhiều cải tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã; bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc… nhưng việc tiêu thụ vẫn hết sức khó khăn.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang, rất nhiều chủ thể tham gia OCOP chưa tìm được cách thức liên kết để tiêu thụ sản phẩm nên không thể mở rộng quy mô sản xuất; sản phẩm chỉ tiêu thụ tại địa phương hiệu quả kinh tế chưa cao...

Ở góc độ cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm sạch Ba Vì Nguyễn Thanh Vân cho hay, đơn vị có 2 trại chăn nuôi ở huyện Ba Vì với quy mô hàng nghìn con lợn, gà mỗi năm. Năm 2019, doanh nghiệp đã đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP TP. Hà Nội. Tuy nhiên, việc liên kết với doanh nghiệp bán lẻ để đưa sản phẩm vào siêu thị tiêu thụ không hề dễ dàng.

Tương tự Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Dị Nậu (Thạch Thất) Nguyễn Thị Thành cho biết, mỗi năm doanh thu từ phát triển kinh tế của xã Dị Nậu đạt khoảng 640 tỷ đồng, trong đó đóng góp từ nghề mộc truyền thống chiếm tới 70%. Cùng với nghề truyền thống, Dị Nậu còn sản xuất ra nhiều sản phẩm OCOP chất lượng, như gạo nếp, đu đủ, rau sạch... Song, đến nay việc tiêu thụ vẫn hạn chế nên giá trị kinh tế đạt thấp.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện các sản phẩm OCOP tại các địa phương chưa tập trung cho các sản phẩm lợi thế, mang tính chất đặc thù cho nên chất lượng, giá trị sản phẩm OCOP chưa cao. Ðặc biệt, việc sự liên kết tiêu thụ sản phẩm trong cùng một địa phương cũng như giữa các địa phương còn rời rạc…

Khẳng định vai trò ‘bà đỡ’ trong tiêu thụ sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Mở rộng các Điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP. Ảnh: VGP/Bích Phương

Tiếp tục tăng cường liên kết

Theo ông Nguyễn Trung Thành, làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm), muốn bán được sản phẩm OCOP, ngoài yếu tố chất lượng, mẫu mã, thì rất cần có những "câu chuyện sản phẩm", thuyết minh được quy trình sản xuất, những giá trị văn hóa hàm chứa trong mỗi sản phẩm…, để nâng cao giá trị hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của khách hàng hiện đại.

Bên cạnh đó, giải pháp cần thiết hiện nay là thành lập các đầu mối hợp tác với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, bởi doanh nghiệp không thể ký hợp đồng với từng đơn vị nhỏ lẻ…

Khẳng định vai trò "bà đỡ" trong tiêu thụ sản phẩm OCOP, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, hằng năm Sở Công Thương phối hợp với các quận, huyện, thị xã mở các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Các đơn vị quản lý, vận hành điểm OCOP trên địa bàn Thành phố cũng đã ưu tiên kết nối, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP không chỉ của Hà Nội mà còn mở rộng kết nối với các địa phương.

Thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp trưng bầy hàng hóa tại các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm OCOP đã được kết nối với các điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP TP. Hà Nội và được quảng bá trên 600 website thương mại điện tử để xuất khẩu.

Bên cạnh sự nỗ lực của Sở Công Thương, thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) cũng là một trong những đơn vị triển khai hiệu quả chương trình ''Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội". Thông qua việc tổ chức hoạt động này, HPA đã hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã TP. Hà Nội và các tỉnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm.

Cũng về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn thành phố Hà Nội năm 2021. Theo đó, Thành phố sẽ hỗ trợ 10 làng nghề xây dựng thương hiệu và đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể; hỗ trợ tài chính cho 5-10 dự án phát triển ngành nghề nông thôn…

Có thể thấy, việc triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng tăng cường khâu kết nối để tiêu thụ sản phẩm, chắc chắn việc tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP và làng nghề Thủ đô sẽ sớm không còn là bài toán khó.

Bích Phương

Top