Khi chính sách về phát triển nông nghiệp đi vào cuộc sống

22/07/2024 2:14 PM

(Chinhphu.vn) - Từ khi thực hiện Nghị quyết của HĐND Hà Nội về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, huyện Mê Linh đã triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả cao, khẳng định hiệu quả khi chính sách đi vào cuộc sống.

Khi chính sách về phát triển nông nghiệp đi vào cuộc sống- Ảnh 1.

Huyện Mê Linh tích cực thực hiện ứng dụng cơ giới hóa- sử dụng máy cấy vào sản xuất nông nghiệp - Ảnh: VGP/TT.

Để đưa Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 của HĐND Hà Nội quy định về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp đi vào cuộc sống, huyện Mê Linh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm 2024 triển khai chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp, điển hình vụ Xuân năm 2024, trên địa bàn huyện Mê Linh có 6 xã tham gia hỗ trợ công cấy máy, diện tích cấy lúa bằng máy trên toàn huyện đạt 125ha tại các xã Chu Phan, Liên Mạc, Thạch Đà, Thanh Lâm, Tiến Thịnh, Tam Đồng (nâng tỷ lệ cấy lúa bằng máy từ 5ha năm 2023 lên 125ha). 

Diện tích phun thuốc bằng máy bay không người lái đạt trên 21ha tại các xã Chu Phan, Thạch Đà, Thanh Lâm; diện tích nhân dân sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý phế phụ phẩm cây trồng, rơm rạ đạt 776ha tại các xã Chu Phan, Tráng Việt, Tiền Phong, Tiến Thắng, Thạch Đà, Thanh Lâm, Tiến Thịnh, Tam Đồng, Tự Lập.

Thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đối với cấy máy, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Hà Nội đã ban hành quyết định hỗ trợ công cấy máy và tiến hành chỉ trả kinh phí cho 3 xã là xã Liên Mạc, Tiến Thịnh, Thạch Đà với diện tích trên 39 ha với số kinh phí hỗ trợ là trên 79 triệu đồng, 3 xã còn lại đang hoàn thiện hồ sơ và dự kiến chi trả xong trong tháng 6/2024. Đối với phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái, hiện nay, cơ quan chuyện môn đã tiến hành kiểm tra thực tế và đang trình thẩm định dự toán kinh phí để hỗ trợ.

Về chính sách bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp đối với nội dung hỗ trợ chế phẩm vi sinh xử lý phụ phẩm cây trồng, rơm rạ, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp đã tiến hành đấu thầu và cấp chế phẩm xong cho 9 xã; hướng dẫn 11 hộ (thuộc 2 xã Liên Mạc, Tam Đồng) làm hồ sơ xin hỗ trợ và đăng thầu chế phẩm vi sinh; đã triển khai hướng dẫn xã Thanh Lâm hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ ứng dụng chuyển đổi số.

Ngoài ra, Trung tâm hỗ trợ thùng chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm xử lý môi trường nước trong nuôi thủy sản; hỗ trợ 1 lần 50% kinh phí mua thiết bị làm giàu oxy xử lý môi trường nước nuôi trồng thủy sản, hiện nay phòng Kinh tế đang triển khai các thủ tục liên quan đến đấu thầu và tổ chức thực hiện các nội dung tiếp theo.

Người dân ủng hộ, hưởng ứng

Qua 6 tháng triển khai thực hiện, chính sách đã mang lại hiệu quả cao, người dân ủng hộ, hưởng ứng. 

Về hiệu quả kinh tế, chính sách khuyến khích đưa cơ giới hóa sản xuất mạ khay, cấy máy là một bước tiến trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp, giúp người dân thay đổi tập quán sản xuất lúa nhỏ lẻ, giải phóng sức lao động, tạo điều kiện để sản xuất lúa hàng hóa tập trung với quy mô lớn, góp phần giảm chi phí và mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Thực tế triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh cho thấy, khi sử dụng máy cấy đạt công suất 1,5 - 2,5 ha/ngày, gấp khoảng 30 - 50 lần so với lao động cấy thủ công. Năng suất thực tế tại các điểm cấy máy vụ Xuân năm 2024 cao hơn từ 8-10%; cho hiệu quả kinh tế 840.000đ/sào (23.500.000đ/ha), cao hơn so với phương pháp cấy lúa truyền thống 240.000đ/sào (tương đương 6.700.000đ/ha). 

Đồng thời, chính sách hỗ trợ chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng giúp tận dụng được nguồn rơm rạ, phụ phẩm cây trồng, biến chúng thành phân bón hữu cơ cải tạo đất, trả lại dinh dưỡng cho đất; giúp tăng độ phì nhiêu cho đất, hạn chế các mầm bệnh ký sinh, từ đó giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.

Đối với hiệu quả xã hội, việc áp dụng cấy lúa bằng máy và phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái giúp giảm thiểu tối đa sức lao động cho con người, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe cho người lao động, giải phóng sức lao động của người phụ nữ ở nông thôn, góp phần tháo gỡ khó khăn việc thiếu lao động lúc mùa vụ tại nhiều địa phương. Giúp nông dân được tiếp cận với khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, dần thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, làm cơ sở để hình thành những cánh đồng mẫu lớn tại huyện Mê Linh.

Không chỉ vậy, việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất giúp cây lúa khỏe mạnh hơn, lúa cấy bằng máy nông, mật độ cây lúa đồng đều nên phát huy được hiệu ứng hàng biên; ruộng lúa thông thoáng ít sâu bệnh, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật góp phần bảo vệ môi trường. 

Việc sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng giúp giảm thiểu lượng khí thải ra môi trường do tập quán đốt rơm rạ sau khi thu hoạch của nông dân, giảm khí thải nhà kính. Ngoài ra, việc xử lý phụ phẩm sau thu hoạch bằng chế phẩm vi sinh hạn chế các mầm bệnh còn tồn dư trên phụ phẩm, hạn chế lây lan sâu bệnh, từ đó giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây trồng, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Qua một vụ triển khai Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND đã được nhân dân hưởng ứng và đón nhận. Vụ Mùa năm 2024, diện tích đăng ký cấy lúa bằng máy và phun thuốc bằng máy bay không người lái đã được nhân rộng ở nhiều xã, thị trấn trên toàn huyện Mê Linh. 

Diện tích đăng ký cấy lúa bằng máy toàn huyện khoảng 248ha, trong đó đăng ký theo chương trình hỗ trợ Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND là 138ha, còn lại các hộ dân chủ động đăng ký cấy lúa bằng máy bằng nguồn kinh phí tự chủ của gia đình diện tích 100ha; diện tích đăng ký phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái theo chương trình hỗ trợ Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND là 265,6ha, cao hơn 244,1ha so với vụ Xuân. 

Qua triển khai thực hiện, chính sách về nông nghiệp tại địa bàn Hà Nội đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, được lãnh đạo các xã và nông dân hưởng ứng cao.

Thiện Tâm

Top