Khơi nguồn đổi mới sáng tạo của Thủ đô

01/05/2023 8:08 AM

(Chinhphu.vn) - TP. Hà Nội đã và đang khẳng định là trung tâm khoa học-công nghệ của cả nước; phát triển khoa học-công nghệ dựa trên cơ sở khai thác có hiệu quả các tiềm lực trên địa bàn, góp phần khơi nguồn đổi mới sáng tạo; làm nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô.

Khơi nguồn đổi mới sáng tạo của Thủ đô - Ảnh 1.

Doanh nghiệp tìm hiểu các sản phẩm công nghệ, sáng tạo mới. Ảnh: VGP/DA

Nhiều dấu ấn nổi bật

Thời gian qua, hoạt động khoa học-công nghệ luôn được quan tâm sâu sát và đạt được kết quả đáng ghi nhận, ngày càng đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô. Hà Nội đã khẳng định được vai trò trung tâm hàng đầu về khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước.

Hoạt động khoa học-công nghệ đã làm tốt vai trò hỗ trợ đối với các ngành, lĩnh vực khác của Thủ đô. Cụ thể, đối với ngành công nghiệp, đã nghiên cứu, chế tạo thành công một số dây chuyền công nghệ thiết bị đồng bộ, hiện đại phục vụ phát triển sản xuất hàng tiêu dùng, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu trong nước, thay thế hàng nhập khẩu...

Đối với ngành nông nghiệp, đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao và an toàn cho người sử dụng như mô hình sản xuất nấm kim châm sử dụng công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kimoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức), mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao (huyện Ứng Hòa…); sản xuất các loại hoa có giá trị kinh tế cao (lan hồ điệp, hoa ly, hoa hồng)…

Thị trường khoa học-công nghệ tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hình thức. Nhiều sản phẩm khoa học-công nghệ đã thực sự trở thành hàng hóa, nhu cầu mua bán công nghệ ngày càng tăng. TP. Hà Nội cũng đã ban hành và triển khai tích cực Đề án "Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", Đề án hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thiết lập sàn giao dịch công nghệ Thành phố...

Cùng với đó, Hà Nội đã phối hợp với các bộ, ngành cơ bản hoàn thành đầu tư kết cấu hạ tầng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; xây dựng, đưa vào hoạt động Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội (HBI-IT), dự án Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, thông qua việc triển khai các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm có giá trị thực tiễn và khả năng thương mại hóa cao; hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển ý tưởng, hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm mới. Phong trào khởi nghiệp sáng tạo bước đầu đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động khoa học-công nghệ của Thành phố vẫn còn không ít còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng như: Các cơ chế, chính sách phục vụ cho phát triển khoa học-công nghệ của Thủ đô còn thiếu, chưa đồng bộ; cơ chế quản lý khoa học chậm được đổi mới, còn mang nặng tính hành chính; lực lượng nghiên cứu khoa học-công nghệ và sáng tạo còn yếu, chưa được phát huy triệt để…

Lấy doanh nghiệp làm trung tâm để đổi mới sáng tạo

Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ TP. Hà Nội đã coi việc phát huy giá trị văn hóa, con người Hà Nội, coi đổi mới sáng tạo là nguồn động lực quan trọng, là nguồn lực nội sinh để thúc đẩy Thủ đô phát triển nhanh, bền vững với mục tiêu xây dựng Hà Nội ngày càng hiện đại, giàu đẹp và văn minh.

Hiện nay, TP. Hà Nội đang triển khai thực hiện 10 chương trình công tác của Thành ủy trong nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó có Chương trình số 07-CTr/TU về "Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025".

Đây là lần đầu tiên Thành ủy Hà Nội xây dựng một chương trình riêng, nhằm đưa Thành phố trở thành trung tâm công nghệ cao với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ dẫn đầu cả nước; tiến tới là trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực; trở thành đầu tàu của cả nước trong việc thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Chương trình số 07-CTr/TU cũng xác định lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trên cơ sở khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi tiềm lực khoa học và công nghệ trong và ngoài nước; dành nguồn lực đầu tư thỏa đáng cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chú trọng các nguồn lực xã hội, nguồn lực từ doanh nghiệp cho đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển công nghệ…

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn, Hà Nội có tiềm lực rất lớn về khoa học-công nghệ, tuy nhiên cần rà soát lại các cơ chế, chính sách, tập trung giải quyết ngay các vướng mắc. Trong đó, Thành phố cần tập trung vào việc ứng dụng khoa học-công nghệ trong giải quyết các vấn đề bức xúc dân sinh; đồng thời sớm có cơ chế huy động các chuyên gia, nhà khoa học và đổi mới phương thức đặt hàng.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, Hà Nội đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo để khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao và làm chủ công nghệ mới; hình thành và phát triển nền tảng đổi mới sáng tạo mở để tăng cường liên kết, kết nối hạ tầng nghiên cứu của các tổ chức khoa học và công nghệ Trung ương, Hà Nội.

Ngoài ra, Hà Nội đang từng bước xây dựng "Mạng lưới sáng kiến Thủ đô" và phát huy vai trò "Thành phố sáng tạo" nhằm liên kết chặt chẽ giữa các nhà quản lý, đội ngũ trí thức và doanh nhân nhằm phục vụ, giải quyết các vấn đề đặc thù trong quá trình phát triển Thủ đô.

Diệu Anh

Top