Khởi sắc từ thị trường xuất khẩu

14/05/2022 7:57 AM

(Chinhphu.vn) - Nhờ sự kiểm soát tốt dịch COVID-19 cùng với việc các doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất và tận dụng tốt các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), thị trường xuất khẩu của Hà Nội đã dần khởi sắc.

Khởi sắc từ thị trường xuất khẩu - Ảnh 1.

Thị trường xuất khẩu khởi sắc nhờ kiểm soát tốt dịch COVID-19 cũng như những lợi thế từ FTA. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Trong kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô năm 2022, TP. Hà Nội luôn coi đẩy mạnh xuất khẩu là nhiệm vụ trọng tâm nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đồng thời, phân công rõ trách nhiệm cho các sở, ngành, địa phương chủ động triển khai và kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn.

Cho đến hết tháng 4/2022, nhiều nhóm hàng xuất khẩu của Hà Nội đã tăng vọt so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã thích ứng linh hoạt, vượt qua khó khăn của dịch bệnh để ổn định sản xuất.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn Hà Nội ước đạt 5.464 triệu USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả này cho thấy đà phục hồi trong lĩnh vực xuất khẩu khi dịch COVID-19 được kiểm soát và các thị trường nhập khẩu mở cửa trở lại.

Trong các nhóm hàng xuất khẩu trọng điểm, mặt hàng dệt may tiếp tục có sự tăng trưởng ấn tượng. Bốn tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 783 triệu USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, hiện doanh nghiệp đang chạy hết công suất để kịp trả các đơn hàng.

Hầu hết sản phẩm đều đã kín đơn hàng đến hết tháng 6, nhiều mặt hàng truyền thống còn kín đơn đến tháng 9 năm nay. Một số nhóm hàng khác cũng có kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm tăng cao, như phương tiện vận tải và phụ tùng (đạt 532 triệu USD, tăng 22,5%); gỗ và sản phẩm từ gỗ (đạt 273 triệu USD, tăng 25,5%); hàng nông sản (đạt 266 triệu USD, tăng 10,7%)...

Bà Đỗ Tuệ Tâm, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) chia sẻ, trong hơn 2 năm qua, dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến hầu khắp các lĩnh vực kinh doanh chính của Tổng công ty, từ xuất nhập khẩu với trọng tâm là các sản phẩm hàng nông sản thực phẩm, tới kinh doanh thương mại nội địa. Một trong những mũi nhọn của Tổng công ty là xuất khẩu cũng đã bị ảnh hưởng không nhỏ khi mà thị trường tiêu thụ bị thu hẹp do giao thương bị hạn chế.

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp đã nỗ lực tìm nhiều giải pháp như tham dự chương trình kết nối giao thương trực tuyến để tìm kiếm cơ hội hợp tác xuất, nhập khẩu, đặc biệt khai thác tốt các lợi ích đem lại từ những FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA cùng việc kết hợp với các phương thức giao thương trực tuyến nhằm tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường để thúc đẩy xuất khẩu…

Theo Cục Thống kê Hà Nội, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của thành phố tiếp tục tăng trưởng tích cực. Tính chung bốn tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 5.464 triệu USD, tăng 17,4% so cùng kỳ năm 2021, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 2.975 triệu USD, tăng 20,2%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2.489 triệu USD, tăng 14,2%. Bên cạnh đó, các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng đều là nguyên, vật liệu đầu vào cho sản xuất như xăng dầu, linh kiện điện tử, hóa chất, chất dẻo...

Kết quả này là nhờ sự kiểm soát dịch COVID-19 cả ở trong nước và nước ngoài. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh sản xuất và tận dụng tốt các lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại. Lãnh đạo Tổng công ty May 10 cho biết, đơn vị đang tập trung tận dụng 2 hiệp định FTA chính là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Trong đó, thị trường EU hiện rất tiềm năng, bởi tỷ trọng hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam vào châu Âu đang rất thấp, EVFTA sẽ hỗ trợ để xuất khẩu dệt may vào thị trường EU tăng đột phá trong năm 2022 và thời gian tới. Bên cạnh các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Nhật Bản, EU... đã có sự phục hồi, thì các doanh nghiệp cũng đang hướng tới một số thị trường mới ở châu Phi.

Theo các doanh nghiệp, với quy mô dân số lớn, nhu cầu tiêu dùng cao, trong khi sản xuất nội khối chưa phát triển, châu Phi được nhận định là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các mặt hàng như dệt may, da giày, phụ kiện thời trang các loại...

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu thời gian tới vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó, dịch COVID-19 với nhiều diễn biến phức tạp vẫn có thể tác động tiêu cực; giá cước vận chuyển, chi phí logistics cao cũng tác động mạnh đến các doanh nghiệp xuất khẩu. Giá hàng hóa, nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu là đầu vào của sản xuất dự báo tiếp tục tăng.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, năm 2022, Thành phố sẽ triển khai có hiệu quả Kế hoạch về hội nhập quốc tế TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch 271/KH-UBND về đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn Thành phố năm 2022... Trong đó, Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp các bộ, ban, ngành Trung ương, các đại sứ quán, thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài và nước ngoài tại Việt Nam, các tập đoàn bán lẻ lớn... để đẩy mạnh hoạt động giao thương kết nối doanh nghiệp trong nước với các đối tác nước ngoài.

Thành phố cũng sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, nguồn vốn, công nghệ chất lượng cao, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Thời gian tới, Sở Công Thương cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ công tác xúc tiến xuất khẩu để doanh nghiệp có thể nắm bắt, chuyển hóa lợi ích từ các FTA kết quả cụ thể. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai tổ chức nhiều các hoạt động, sự kiện kích cầu, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phù hợp với hoàn cảnh mới.

Diệu Anh

Top