'Không để bất cứ đoàn viên, người lao động nào không có Tết'
(Chinhphu.vn) - Ngày 7/1, Công đoàn các khu công nghiệp - chế xuất Hà Nội tổ chức chương trình "Tết sum vầy - Xuân gắn kết" và "Chợ Tết Công đoàn" tại khu nhà ở công nhân lao động Kim Chung (Đông Anh). Chương trình có 10 gian hàng bán giảm giá cho đoàn viên, công nhân lao động.
Chương trình có sự tham dự của các ông: Phạm Quang Thanh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội; Lê Quang Long, Bí thư Đảng uỷ, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp - chế xuất Hà Nội, cùng sự tham gia của 1.500 đoàn viên, công nhân lao động.
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Phạm Quang Thanh, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết, năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội đất nước hồi phục và có bước phát triển mạnh; thực hiện toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Thành ủy, chính quyền, cùng với sự nỗ lực, cố gắng, đoàn kết, đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân; tình hình kinh tế xã hội Thủ đô đã có nhiều khởi sắc, phục hồi tích cực và đạt những kết quả khá toàn diện; đời sống nhân dân dần đi vào ổn định, tình hình dịch bệnh COVID-19 kiểm soát tốt. Có được kết quả đó là có sự đóng góp quan trọng của tổ chức Công đoàn và đội ngũ công nhân viên chức lao động Thủ đô, trong có công nhân lao động trong các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội.
Trong năm qua, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố và Đảng ủy các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, hoạt động Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất đã đạt được những kết quả toàn diện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Công đoàn đã có những cách làm sáng tạo, thể hiện được vai trò, trách nhiệm trước đoàn viên, người lao động. Nhiều chương trình, nội dung hoạt động mới đã được triển khai, thực hiện như: Các hoạt động chăm lo, hỗ trợ người lao động khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo, bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19; chương trình hỗ trợ "Mái ấm công đoàn", "Phúc lợi đoàn viên", "Tháng Công nhân"; trong dịp Tết Nguyên đán tổ chức Chương trình "Tết sum vầy"… Vận động công nhân lao động thấu hiểu, đồng hành, chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, vượt qua đại dịch COVID-19.
Đồng chí Phạm Quang Thanh cho biết, trong năm qua, các cấp Công đoàn Thủ đô cũng đã trích từ ngân sách Công đoàn trên 200 tỷ đồng để thăm hỏi, chăm lo, hỗ trợ cho trên 130.000 đoàn viên, người lao động khó khăn, hỗ trợ sửa chữa, xây dựng 50 "Mái ấm Công đoàn". Đặc biệt dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, với phương châm: "Không để đoàn viên, người lao động nào không có Tết", LĐLĐ thành phố đã tập trung nguồn lực để chăm lo, hỗ trợ người lao động khó khăn, với số tiển hơn 48 tỷ đồng. Từ đó tạo sự yên tâm, khích lệ, động viên người lao động gắn bó với doanh nghiệp, gắn bó với tổ chức Công đoàn, làm việc với năng suất, chất lượng cao hơn.
Nhân dịp Tết nguyên đán Quý Mão năm 2023, LĐLĐ thành phố Hà Nội hỗ trợ 2.372 đoàn viên, công nhân lao động các khu công nghiệp - chế xuất Hà Nội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mức 1 triệu đồng/người, tổng số tiền hỗ trợ trên 2,3 tỷ đồng; Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội hỗ trợ 13.214 đoàn viên, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn mức 500 nghìn đồng/người, tổng số tiền hơn 6,6 tỷ đồng; hỗ trợ cho 694 người lao động tại những doanh nghiệp chưa thành lập Công đoàn cơ sở nhưng đóng kinh phí Công đoàn theo Nghị định 191/NĐ-CP với tổng số tiền là 347 triệu đồng.
Với những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Chủ tịch LĐLĐ thành phố đề nghị Ban Thường vụ Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các nội quy, quy chế của doanh nghiệp có liên quan đến quyền, lợi ích và các chế độ phúc lợi để người lao động biết, tạo sự đồng thuận. Không để phát sinh điểm nóng về quan hệ lao động, bị các đối tượng lợi dụng lôi kéo, kích động tham gia các hoạt động gây mất an ninh trật tự.
Nắm chắc tình hình, tư tưởng, tâm tư tình cảm, kiến nghị, đề xuất của công nhân lao động trong từng doanh nghiệp. Khi có vướng mắc phát sinh, Công đoàn cần khẩn trương phối hợp với các cấp chính quyền, người sử dụng lao động kịp thời giải quyết.
Đồng thời thường xuyên quan tâm chăm lo và thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Trước mắt, tập trung tổ chức tốt các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Quý Mão; không được để bất cứ đoàn viên, người lao động nào không có Tết.
Thiện Tâm