‘Không nên chủ quan khi hậu COVID-19 có thể xảy ra với bất kỳ ai’
(Chinhphu.vn) - Không giống một số bệnh lý khác, có xu hướng chỉ xảy ra ở những người đã bị bệnh nặng, hậu COVID-19 có thể xảy ra với bất kỳ ai đã từng bị mắc COVID-19, ngay cả khi bị bệnh nhẹ. Thậm chí trong thời gian mắc bệnh, họ không có triệu chứng thì vẫn có thể bị hậu COVID-19.
Biểu hiện hậu COVID-19 đa dạng, kéo dài
Tới khám hậu COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, bà N.T.T (Hà Nội) cho biết, bà bị COVID-19 từ trước Tết Nguyên đán, với các triệu chứng nhẹ ho, mất khứu giác, đau họng. Tính đến nay, bà đã khỏi bệnh được hai tháng. Bây giờ bà N.T.T vẫn bị khản tiếng, đêm nằm đau bì chân tay và ê buốt đầu không thể ngủ được. Tình trạng mất ngủ trầm trọng đã kéo theo mắt mỏi mệt, căng thẳng với "cảm giác không sao diễn tả". Do năm nay đã ngoài 60 nên sau khi khỏi COVID-19 bà T ăn uống cũng kém hơn trước rất nhiều, chân tay nhức mỏi, khi đi xuống cầu thang thường bị hụt hơi.
Chính vì vậy, khi có thông tin Bệnh viện Đa khoa Hà Đông mở phòng khám hậu COVID-19, do ở gần nhà nên bà N.T.T đã quyết định đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị. Tại đây bác sĩ đã tư vấn, cho bà làm xét nghiệm, ngoài việc sẽ phải dùng thuốc theo chỉ định, bà N.T.T cần chú ý về vấn đề sinh hoạt hằng ngày để có thể lấy lại được giấc ngủ như trước đây. Từ đó sẽ giảm dần các triệu chứng căng thẳng, mệt mỏi khác do mất ngủ gây nên.
Vừa qua, tại Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội đã tiếp nhận một bệnh nhân N.T.N, 66 tuổi, sống tại Từ Sơn, Bắc Ninh, đến viện trong tình trạng suy hô hấp, suy tim toàn bộ, viêm phổi, tắc động mạch phổi, suy thận, rối loạn dinh dưỡng nặng, rung nhĩ, rối loạn chuyển hóa nặng.
Qua thăm khám các bác sĩ được biết bà N.T.N từng mắc COVID-19 thể nhẹ 5-6 tuần. Tuy nhiên, sau khỏi bệnh, bà xuất hiện tình trạng khó thở, phù chi, được chẩn đoán mắc hội chứng hậu COVID-19.
Theo bác sỹ Nguyễn Thị Kim Oanh, phụ trách phòng khám hậu COVID-19 (khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu Nghị), hậu COVID-19 có thể diễn biến trên tất cả cơ quan như: Thần kinh, hô hấp, tim mạch.
Vì vậy, nếu không phát hiện, điều trị kịp thời bệnh nhân dễ bị nguy hiểm đến tính mạng. Nhất là về tim mạch, một trong những cơ quan gặp biến chứng sau COVID-19, nếu nhẹ thì bệnh nhân sẽ mệt mỏi, khó thở, co thắt ngực, nhưng nếu nặng có thể bị viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, rối loạn nhịp tim, đột tử. Người bệnh khỏi COVID-19 từ 4-5 tuần, nếu các triệu chứng cấp tính của bệnh không giảm hoặc xuất hiện triệu chứng mới cần đến bệnh viện để được thăm khám ngay.
Bác sỹ Nguyễn Văn Giang-Phó Trưởng khoa Hô hấp và bệnh phổi, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết: Không giống một số bệnh lý khác, có xu hướng chỉ xảy ra ở những người đã bị bệnh nặng, hậu COVID-19 có thể xảy ra với bất kỳ ai đã từng bị mắc COVID-19, ngay cả khi bị bệnh nhẹ. Thậm chí trong thời gian mắc bệnh, họ không có triệu chứng thì vẫn có thể bị hậu COVID-19. Ở nhóm bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng, người ta thấy có thể gặp 10%-35%. Nhóm bệnh nhân nặng có bệnh nền có thể gặp tới 80% di chứng.
Biểu hiện của hôi chứng hậu COVID-19 rất đa dạng. Có khoảng 200 triệu chứng xuất hiện sau khi bệnh nhân khỏi COVID-19, làm ảnh hưởng đến các hoạt động hằng ngày. Trong đó, các triệu chứng phổ biến nhất như: Mệt mỏi hay cảm giác yếu sức (gặp ở 2/3 bệnh nhân); khó thở, nhất là khó thở khi gắng sức; ho kéo dài; đau ngực hay khó chịu vùng ngực.
Ngoài ra còn có các triệu chứng ít gặp hơn như: Nhức đầu, suy giảm trí nhớ, mất tập trung, chóng mặt, choáng váng, tim đập nhanh, đau khớp, đau cơ, mất mùi vị, rối loạn tiêu hóa, ăn kém, mất ngủ, rụng tóc. Các triệu chứng có thể mới khởi phát sau khi đã hồi phục sau đợt COVID-19 cấp tính hoặc kéo dài từ đợt bệnh ban đầu. Các triệu chứng cũng có thể dao động hoặc tái phát theo thời gian.
Theo bác sĩ Giang, triệu chứng hậu COVID-19 sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu trong một khoảng thời gian, thường là 3-6 tháng, có thể kéo dài đến 12 tháng. Điều này gây ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày của bệnh nhân, làm sụt giảm nghiêm trọng chất lượng sống của bệnh nhân hậu COVID-19.
Trong hậu COVID-19, đối tượng nữ sẽ có nguy cơ mắc cao hơn nam, thường gặp ở tuổi trung niên và lớn tuổi (trên 35 tuổi) và có thể gặp cả ở trẻ em. Những bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh đi kèm. Bệnh nhân mang thai, có Markers viêm cao, giảm bạch cầu, thiếu oxy máu kháng trị.
Mặc dù bệnh COVID-19 mức độ nặng để lại nhiều di chứng tàn phá cơ thể hơn, tuy nhiên không có sự tương quan chính xác giữa mức độ bệnh COVID-19 và mức độ của hội chứng hậu COVID-19.
Do đó nhóm đối tượng được chẩn đoán mắc bệnh COVID-19 nhẹ cũng có thể bị tác động bởi hội chứng hậu COVID-19, hay nói cách khác ai cũng có nguy cơ mắc hội chứng này.
Hậu COVID-19 có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em. Tuy nhiên, ở trẻ em hậu COVID-19 thường nhẹ và ít hơn người trưởng thành. Biến chứng hậu COVID-19 đáng lo ngại nhất ở trẻ em là hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ (MIS-C) làm tổn thương đến tim, phổi, thận, mạch máu…
Trong khi với bệnh nhân mắc COVID-19 mức độ nặng/nguy kịch, cần can thiệp y tế nhiều trong giai đoạn điều trị chính của bệnh (như nhập vào các khoa hồi sức tích cực, cấp cứu), thì các vấn đề về hậu COVID-19 sẽ nhiều và trầm trọng hơn.
Với người có sẵn bệnh nền như bệnh tim mạch, tiểu đường, đặc biệt là hô hấp, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản mạn… khi COVID-19 xảy ra trên nền bệnh đó có thể khiến tổn thương vốn có của họ trở nên nặng hơn.
Không nên quá lo lắng với hậu COVID-19
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Giang, khi thấy có những biểu hiện, triệu chứng hậu COVID-19 người dân nên tìm đến nhân viên y tế. Từ đó, các bác sĩ sẽ xác định tình trạng bệnh, hướng dẫn điều trị triệu chứng và những chăm sóc sức khỏe cần thiết. Hiện nay, việc điều trị tình trạng hậu COVID-19 là điều trị không đặc hiệu, bệnh nhân sẽ được điều trị triệu chứng, chăm sóc toàn diện, phục hồi chức năng.
Theo ghi nhận thực tế của các bác sĩ, hầu hết những biến chứng hậu COVID-19 không gây nguy hiểm tử vong, mà chủ yếu ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của người bệnh. Các triệu chứng phổ biến như: Trầm cảm, mất ngủ, lo âu kéo dài… Để khắc phục tình trạng này, các bác sĩ sẽ tư vấn kết hợp vật lý trị lệu để điều chỉnh cải thiện tình trạng.
Với trẻ nhỏ, thực tế từ các phòng khám hậu COVID-19 cho thấy trẻ thường được đến khám cùng bố mẹ (gia đình có nhiều người mắc bệnh), ít có các triệu chứng hậu COVID-19 hơn người trưởng thành. Nhiều trẻ em khám hậu COVID-19 nhưng không cần chụp chiếu, lấy máu xét nghiệm vì các em chỉ mắc ở mức độ rất nhẹ, thời gian mắc ngắn, khám lâm sàng không thấy dấu hiệu khó thở, ho trong khi năng lượng hoạt động các em vẫn rất tốt. Sau khi cân nhắc lợi ích - nguy cơ thì bác sĩ cho rằng không cần phải lấy máu xét nghiệm hay chụp chiếu, chỉ dặn bố mẹ theo dõi sát, nếu trẻ có triệu chứng sẽ tái khám và làm xét nghiệm liên quan triệu chứng. Tuy nhiên, nếu trẻ được chẩn đoán sớm, phát hiện hội chứng MIS-C sớm và điều trị đúng, kịp thời thì diễn tiến thường thuận lợi, trẻ phục hồi tốt.
Bác sĩ Giang cho biết, cách tốt nhất để ngăn ngừa các di chứng hậu COVID là phòng ngừa tránh mắc bệnh COVID -19. Đối với những người không có chống chỉ định tiêm phòng COVID 19, hãy tiêm vaccine chống lại COVID-19 ngay khi có thể là cách tốt nhất để phòng tránh COVID-19 và cũng có thể giúp những người xung quanh nguy cơ mắc bệnh này. Nếu bị mắc COVID-19, người dân hãy tuân thủ điều trị theo hướng dẫn điều trị của nhân viên y tế, đặc biệt không tự ý mua và dùng thuốc trôi nổi trên thị trường. Khi có những biểu hiện của hội chứng hậu COVID-19, hãy đến cơ sở y tế có uy tín. Các bác sĩ sẽ xác định tình trạng bệnh và hướng dẫn điều trị triệu chứng và những chăm sóc sức khỏe cần thiết.
Thiện Tâm