'Không vì vướng mắc nhỏ để chậm tiến độ cả dự án trọng điểm'

27/08/2024 2:35 PM

(Chinhphu.vn) - "Vận dụng hài hòa, phù hợp, đúng quy định pháp luật, không vì một số tồn tại, vướng mắc nhỏ để chậm tiến độ cả công trình, dự án trọng điểm của thành phố."

'Không vì vướng mắc nhỏ để chậm tiến độ cả dự án trọng điểm'- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Minh Anh.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã nhấn mạnh yêu cầu trên trong phiên họp nghe báo cáo và đôn đốc tiến độ một số dự án giao thông trọng điểm sáng nay (27/8).

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, đối với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, kế hoạch vốn đã bố trí đến nay là hơn 17.965 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 9.837 tỷ đồng, đạt 54,76%, trong đó năm 2024 giải ngân hơn 2.024/7.300 tỷ đồng, đạt 27,72%.

Công tác giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1.1, các địa phương đã giải phóng mặt bằng 779,92/798,67ha, đạt 97,65%, còn lại 18,75ha chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Dự kiến các quận, huyện hoàn thành công tác thu hồi đất bổ sung và bàn giao trước ngày 30-9-2024.

Ban Quản lý dự án đã tiếp nhận 771,46/779,92ha, tương đương 48,35km/52,43km, đạt 98,92% so với diện tích đất đã giải phóng mặt bằng đến nay. Các địa phương đã cơ bản hoàn thành phê duyệt giá đất đầu đi, đầu đến, hoàn thành hạ tầng kỹ thuật 13/13 khu tái định cư và bố trí tái định cư cho 273/ 818 hộ dân.

Về triển khai thực hiện dự án thành phần 2.1, hiện nay các nhà thầu thi công của 4 gói thầu xây dựng đang đồng loạt triển khai 32 mũi thi công đẩy nhanh công tác tập kết cát đắp, đất đắp về công trường và thực hiện gia tải các vị trí đã đủ điều kiện. Sau thời gian 14 tháng kể từ ngày khởi công, sản lượng đến nay đạt khoảng 1.261/4.205 tỷ đồng (đạt 30%). Dự kiến hoàn thành dự án vào quý IV-2025.

'Không vì vướng mắc nhỏ để chậm tiến độ cả dự án trọng điểm'- Ảnh 2.

Các đại biểu thảo luận tại phiên họp. Ảnh: VGP

Về dự án thành phần 3, phấn đấu hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 12-2024; đàm phán, hoàn thiện, ký kết hợp đồng trong tháng 1-2025; khởi công Tiểu dự án đầu tư công trong tháng 2-2025.

Về dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết, tổng mức đầu tư là 9.590 tỷ đồng, được chia thành 3 dự án thành phần. Ban Quản lý dự án đang triển khai công tác thi công 3/5 gói thầu xây lắp chính trên toàn bộ địa bàn huyện Chương Mỹ dài 15,87km và 2/5 gói thầu trên địa bàn quận Hà Đông dự kiến khởi công vào quý III/2024.

Tuy nhiên, dự án gặp khó khăn vướng mắc trong công tác bàn giao mặt bằng khi huyện Chương Mỹ đến nay đã bàn giao để triển khai thi công được 20,48 ha/85 ha đạt 24,1% diện tích đất trên toàn tuyến; các đoạn bàn giao còn ngắt quãng. Trên địa bàn quận Hà Đông chưa bàn giao mặt bằng thi công.

Đối với dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hà Nội cho biết, tổng mức đầu tư dự án là 5.249 tỷ đồng. Đến nay đã nhận bàn giao 76.154,1m2 mặt bằng trên địa bàn xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) và đang triển khai thi công hạng mục cọc khoan nhồi (45/68 cọc), đúc cấu kiện bê tông (13/128 dầm) phục vụ thi công hạng mục cầu vượt đường quy hoạch Km2+522,5 (thuộc gói thầu số 31); hiện nay đang chờ mặt bằng để tiếp tục triển khai thi công.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, các đơn vị, địa phương trên địa bàn Thành phố cần quyết tâm hơn nữa, thay đổi tư duy, nhận thức, cách nghĩ, cách làm để hoàn thiện hạ tầng cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Chỉ đạo chung về đôn đốc công tác giải phóng mặt bằng nhằm thúc đẩy tiến độ các dự án, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu cần ban hành chỉ thị tổ chức đợt thi đua giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của thành phố từ nay đến cuối năm 2024; trong đó cần đưa ra cách làm, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với công tác giải phóng mặt bằng; các sở, ngành và địa phương hằng tuần, hằng tháng cần thúc đẩy tiến độ của các dự án.

Chủ tịch UBND Thành phố cũng chỉ đạo các địa phương cần quyết liệt hơn trong thực hiện công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, chống tái lấn chiếm mặt bằng sạch, đồng thời không để phát sinh "điểm nóng" về trật tự xã hội tại các khu vực dự án.

Đồng chí Trần Sỹ Thanh cũng yêu cầu công tác tái định cư phải bảo đảm cho người dân trên nguyên tắc "có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ"; vận dụng hài hòa, phù hợp, đúng quy định pháp luật, không vì một số tồn tại, vướng mắc nhỏ để chậm tiến độ cả công trình, dự án trọng điểm của thành phố.

Đối với dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị các địa phương cố gắng chậm nhất tháng 11/2024 hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn của dự án.

Minh Anh

Top