Khuyến nông đô thị phát triển nhờ lối sống 'xanh'

30/07/2022 3:59 PM

(Chinhphu.vn) - Hoạt động khuyến nông tại các đô thị, đặc biệt là tại thủ đô Hà Nội những năm qua đã có nhiều bước phát triển rất hiệu quả. Điều này bắt nguồn từ nhu cầu của nhiều người dân ở đô thị ngày càng yêu thích lối sống “xanh”.

Khuyến nông đô thị phát triển nhờ lối sống 'xanh' - Ảnh 1.

Khu vườn nhỏ của chị Minh Châu (Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội) - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Nhu cầu tất yếu

Chị Vũ Thị Minh Châu (Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội) cho biết dù ở chung cư nhưng chị cũng tận dụng nhiều không gian mở trong nhà để trồng cây xanh, thậm chí là những cây dùng làm thực phẩm. Chị Châu cho biết: "Mình trồng không được bao nhiêu nhưng cảm giác chăm bón cây cối khiến mình được giải tỏa stress, cùng với đó nhìn những sản phẩm nho nhỏ như quả cà chua, quả ớt, chút rau gia vị… do tự mình trồng và thu hoạch cho gia đình ăn cảm giác rất vui và yên tâm".

Không chỉ chị Châu, nhiều gia đình trên địa bàn Hà Nội ngày càng thích có những khoảng không gian xanh. Chính vì vậy nhu cầu tìm hiểu kiến thức khuyến nông cũng ngày một lớn hơn.

Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, dựa trên nhu cầu thực tiễn, câu lạc bộ Khuyến nông đô thị do Trung tâm Khuyến nông quốc gia thành lập từ năm 2001, là một tổ chức hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện với mục đích xây dựng hạt nhân tiêu biểu về hoạt động khuyến nông đô thị, qua đó đóng góp những kinh nghiệm thực tiễn cho việc phát triển nông nghiệp đô thị.

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Sở NN&PTNT các địa phương, Câu lạc bộ Khuyến nông đô thị ngày càng lớn mạnh. Từ chỗ chỉ có 3 thành viên sáng lập gồm Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông - lâm - ngư Thừa Thiên Huế và Trung tâm Khuyến nông thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, câu lạc bộ đã có 23 thành viên là Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp của 23 tỉnh, thành phố.

Câu lạc bộ đã tổ chức tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm tại nhiều mô hình tiêu biểu ở các tỉnh, thành phố. Các mô hình tại Hà Nội như: Sản xuất rau theo hướng hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm tại trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất), sản xuất rau của Hợp tác xã Rau hữu cơ Cuối Quý (huyện Đan Phượng) được đánh giá cao. Thông qua việc tổ chức hội thảo chuyên đề, tham quan học tập đã có rất nhiều kinh nghiệm hay trong hoạt động nông nghiệp đô thị được nhân rộng tại các địa phương.

Cùng với đó, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các địa phương đã kết nối các hộ nông dân, hợp tác xã sản xuất nông sản an toàn với các đơn vị tiêu thụ để tạo ra số lượng sản phẩm hàng hóa đủ lớn, bảo đảm chất lượng cho thị trường...

Theo bà Hương cho biết, cùng với việc đẩy mạnh thông tin về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, hoạt động tuyên truyền về các mô hình khuyến nông đô thị của địa phương được các thành viên câu lạc bộ đặc biệt chú trọng. Trên trang web của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội liên tục đăng tải các bài viết bám sát định hướng của ngành và địa phương như: Sản xuất hiệu quả, an toàn, bền vững; xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường…

Thông qua các bài viết trên trang web, các thành viên giới thiệu những mô hình khuyến nông đô thị có hiệu quả tại mỗi địa phương. Đây cũng là kênh thông tin giúp cán bộ khuyến nông kịp thời cập nhật những kinh nghiệm hay ở các địa phương để phổ biến cho người sản xuất, qua đó đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Cần tăng cường nhân lực phù hợp với đô thị

Nông nghiệp đô thị nước ta hiện nay vẫn chủ yếu là ven đô. Năm 2020 đã có 833 đô thị (3 loại), tỷ lệ đô thị hóa 40%, tỷ lệ thị dân 51%. Dự báo đến năm 2030, có 50 triệu người sống ở đô thị, tỷ lệ đô thị hóa sẽ chiếm 50%. Như vậy, đô thị hóa, hiện đại hóa, công nghiệp hóa là 3 quá trình có tính quy luật phát triển. Hiện nay, nước ta đang được xếp tốp hàng đầu thế giới về xuất khẩu nông sản và du lịch (50 tỷ USD và trên 20 triệu người đến du lịch).

Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, hệ thống khuyến nông hiện nay thiếu về nhân lực, nhất là cán bộ khuyến nông cấp cơ sở am hiểu sâu về nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao; lĩnh vực hoa - cây cảnh, cá cảnh; chế biến, bảo quản nông sản... Mặt khác, định mức kinh tế kỹ thuật cho cây trồng, vật nuôi, nhất là áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp đô thị chậm cập nhật và ban hành. Cơ chế tài chính áp dụng trong công tác khuyến nông của các tỉnh, thành phố còn nhiều hạn chế; kinh phí đầu tư cho hoạt động khuyến nông chưa tương xứng với nhu cầu thực tế. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, nguồn kinh phí từ các dự án khuyến nông trung ương giảm nhiều.

Bên cạnh đó, mô hình nông nghiệp đô thị như trồng hoa lan, nuôi cá cảnh..., mô hình ứng dụng công nghệ mới... đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, vốn đầu tư nhiều nhưng chậm thu hồi vốn nên tốc độ phát triển chậm cả về quy mô sản xuất và số hộ tham gia thực hiện.

Do vậy, hoạt động khuyến nông chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các nhóm đối tượng khác nhau. Những hoạt động mang tính chất mô hình tổng hợp, gắn trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến với xúc tiến thị trường, du lịch sinh thái… chưa được thực hiện; việc liên kết trong tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo...

TS. Lê Hưng Quốc, nguyên Cục trưởng Cục Khuyến nông - Khuyến lâm (Bộ NN&PTNT) nhìn nhận, nông nghiệp và khuyến nông đô thị phải dẫn đầu về chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; dẫn đầu về số hóa, đào tạo và dịch vụ khuyến nông...

Đô thị Việt Nam hiện có khoảng 1.000 siêu thị, gần 200 trung tâm thương mại các loại và hàng ngàn chợ đầu mối, đang là đầu tàu thương mại hiện đại và tiêu thụ hàng hóa. Trong 50 tỷ USD xuất khẩu nông sản, chủ yếu chuyển qua đô thị, cảng, trung tâm thương mại để chế biến, đóng gói, kiểm soát chất lượng, xếp dỡ container, kho, bãi, logistics…

Như vậy, nông nghiệp đô thị có 3 nội hàm chính: Đào tạo nguồn nhân lực, sản xuất (ven đô là chính, kể cả công nghiệp phục vụ nông nghiệp như phân, thức ăn, thuốc, vaccine, máy công cụ…).

Công nghiệp chế biến, dịch vụ, thương mại, du lịch nông nghiệp, xuất khẩu (công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm; công nghiệp thông tin; công nghiệp môi trường và sinh thái, năng lượng; công nghiệp du lịch và ẩm thực…) góp phần quan trọng chuyển đổi cơ cấu kinh tế, lao động, dân cư, mô hình tăng trưởng; giải quyết việc làm, thu hút đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu và phát triển bền vững.

TS. Lê Hưng Quốc cho rằng, về sứ mệnh nông nghiệp đô thị và khuyến nông đô thị: Nông nghiệp đô thị phải dẫn đầu về chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến; dẫn đầu về công nghiệp phục vụ nông nghiệp; dẫn đầu về liên kết vùng - trung tâm vùng; dẫn đầu về đào tạo, dịch vụ khuyến nông. Đi đầu về số hóa quy trình sản xuất (canh tác số) và tiêu thụ sản phẩm (sàn thương mại điện tử). Đó là cách làm phổ biến của các nước và FTA (hiệp định thương mại).

Cùng với đó, cần xây dựng sàn giao dịch nông sản, trước hết ở Hà Nội, TP.HCM rồi mở rộng ra; coi 3 vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung - Tây Nguyên là chìa khóa, nâng cấp hội chợ, triển lãm, hội thi, bảo tàng, lễ hội nông sản…

TS. Lê Hưng Quốccũng nhấn mạnh việc xây dựng mô hình quy mô đủ lớn, ứng dụng các loại công nghệ khác nhau có hiệu quả phù hợp với nhu cầu của nhà nông, thuyết phục các nhà quản lý xây dựng chính sách phù hợp với từng vùng sinh thái.

Đỗ Hương

Top