Kiểm soát không để dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng đến chăn nuôi

25/05/2023 5:03 PM

(Chinhphu.vn) - Với tổng đàn gia súc gia cầm thuộc tốp đầu của cả nước, để phát triển chăn nuôi bền vững, thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp nhằm kiểm soát, khống chế không để dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng đến việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Kiểm soát, khống chế không để dịch bệnh bùng phát - Ảnh 1.

Cần kiểm soát ngay từ khâu chăn nuôi để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo ông Đào Duy Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên, việc lưu thông, vận chuyển và hoạt động giết mổ tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ nơi khác tới, nên tại các cơ sở giết mổ luôn được chính quyền địa phương cùng lực lượng thú y kiểm tra, giám sát chặt chẽ vừa kiểm soát dịch vừa đảm bảo nguồn gốc thực phẩm an toàn nhập về Hà Nội. 

Tại huyện Phú Xuyên có 2 cơ sở giết mổ tập trung tại xã Tri Thủy và Quang Lãng thì việc kiểm soát chất cấm cũng như việc giết mổ đảm bảo an toàn vệ sinh thú y luôn được quan tâm thực hiện nghiêm túc.

Ông Nguyễn Đăng Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi, huyện Thường Tín chia sẻ, Thường Tín là huyện có quy mô chăn nuôi lớn của Hà Nội, huyện hiện có tổng đàn lợn trên 26 nghìn con và hơn 1,2 triệu con gia cầm. Đặc biệt, tại đây còn có chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ là nơi tập trung kinh doanh, vận chuyển giết mổ gia cầm với số lượng lớn và là nơi cung cấp lượng lớn thịt và các sản phẩm từ gia cầm cho thành phố. 

Dịp này, mỗi ngày có khoảng 40-60 tấn gà, cao điểm có ngày gần 100 tấn được nhập vào Hà Nội thông qua Chợ Hà Vĩ. Để đảm bảo an toàn dịch bệnh cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm, UBND xã Lê Lợi cũng đã phối hợp với Trạm Chăn nuôi thú y huyện Thường Tín thực hiện nghiêm chức năng nhiệm vụ của chốt kiểm dịch, thường xuyên trực đầy đủ các lượng lượng 24/24h để kiểm tra kiểm soát gia cầm về chợ đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, chủ động phối hợp với lực lượng Công an, Quản lý thị trường, phòng kinh tế, Ủy ban nhân dân các xã để xử lý các vi phạm đối với hoạt động giết mổ, kinh doanh vận chuyển giết mổ động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn.

Ông Nguyễn Đình Đảng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, theo thống kê thời điểm hiện nay, Hà Nội có tổng đàn trâu, bò là trên 165 nghìn con; đàn lợn là trên 1.5 triệu con; đàn gia cầm gần 37 triệu con. Công tác giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm được thực hiện thường xuyên, liên tục và duy trì chế độ báo cáo hàng ngày theo đường dây nóng của Chi cục. 

Đặc biệt, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội tổ chức giám sát chặt chẽ đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, tai xanh lợn, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trâu bò và dại chó mèo. Đồng thời đẩy mạnh tiêm vaccine cho các loại gia súc, gia cầm. 

Trong 4 tháng đầu năm 2023, Hà Nội đã thực hiện kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật xuất, nhập tới các tỉnh, thành trên cả nước, trong đó, kiểm dịch xuất đi các tỉnh là trên 12 triệu con và các loại động vật được kiểm dịch về Hà Nội là trên 6 triệu con, tăng 17,82% so với cùng kỳ năm 2022.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, việc kiểm soát ngay từ quá trình chăn nuôi đã được lực lượng Thú y cơ sở giám sát chặt chẽ tới từng hộ chăn nuôi để đảm bảo phát hiện, khoanh vùng, khống chế không để lây lan dịch ra diện rộng khi có dịch. Ngoài ra, Hà Nội cũng duy trì hoạt động trực chốt 24/24 giờ tại 6 chốt kiểm dịch vận chuyển tại các đầu mối giao thông, kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào thành phố nhằm ngăn chặn dịch bệnh và đảm bảo an toàn thực phẩm; cấp và quản lý mã số kiểm tra vệ sinh thú y đối với 107 cơ sở chế biến sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố.

Thiện Tâm

Top