Hà Nội: Đề nghị xác minh nguồn gốc, xuất xứ mặt hàng 'lòng se điếu'

07/05/2025 7:44 PM

(Chinhphu.vn) - Liên quan đến chủ đề "lòng se điếu" đang được người dân quan tâm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đề nghị quận Cầu Giấy xác minh thông tin về cơ sở lòng se điếu trên địa bàn; nguồn gốc, xuất xứ của mặt hàng và tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh mặt hàng này.

Hà Nội: Đề nghị xác minh nguồn gốc, xuất xứ mặt hàng 'lòng se điếu'- Ảnh 1.

Kiểm tra khu vực chế biến thực phẩm của trường Tiểu học Nghĩa Tân. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Ngày 7/5, Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm số 1 TP. Hà Nội đã đi kiểm tra đột xuất bếp ăn tập thể Trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy nhân Tháng hành động vì an toàn năm 2025.

Qua ghi nhận thực tế tại thời điểm kiểm tra, trường đã xuất trình được hợp đồng cung cấp suất ăn giữa nhà trường và Công ty TNHH Hương Việt Sinh (cung cấp hơn 3.000 suất ăn/ngày); giấy khám sức khỏe và xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm; hồ sơ nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu thực phẩm… Bếp ăn tập thể được bố trí một chiều theo đúng quy định, nhân viên trực tiếp chế biến thức ăn sử dụng đầy đủ bảo hộ lao động. Quy trình bảo quản nguyên liệu, sơ chế thực phẩm, lưu mẫu thức ăn đầy đủ đúng quy định.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm quận Cầu Giấy, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 trên địa bàn quận có tổng số là 3.272 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (ngành y tế: 2.159 cơ sở, ngành công thương: 468 cơ sở, ngành nông nghiệp: 645 cơ sở). 

Quận thành lập 14 đoàn kiểm tra ( 6 đoàn cấp quận và 8 đoàn cấp phường) và kiểm tra 278 cơ sở, xử phạt 11 cơ sở, số tiền 53.500.000 đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là nguyên vật liệu không đảm bảo vệ sinh, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn; sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn không đội mũ, đeo khẩu trang, không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay, hàng hóa không có tem nhãn phụ...

Quận Cầu Giấy đã tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức thực hành cho người tiêu dùng, người kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố về kiến thức an toàn thực phẩm đạt được hiệu quả.

Trong quá trình triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025, quận Cầu Giấy gặp một số tồn tại đó là các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thường xuyên thay đổi, không ổn định, chủ cơ sở thường vắng mặt, tiếp đón các đoàn kiểm tra thường là nhân viên nên khó khăn trong công tác quản lý. 

Các cơ sở trên địa bàn thuộc cấp phường quản lý chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, lao động không ổn định do đó chưa nắm rõ kiến thức về an toàn thực phẩm, còn tồn tại những cơ sở tại các khu tập thể cũ trong diện quy hoạch giải tỏa nên không làm được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Việc lấy mẫu phục vụ đánh giá, kiểm soát nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm còn hạn chế do giá thành xét nghiệm cao…

Trong thời gian tới quận tiếp tục triển khai công tác kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm, xử lý kiên quyết, triệt để các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm của cơ sở nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt là những cơ sở mới mở, cơ sở chuyển đổi quy mô và những cơ sở đã có giấy chứng nhận nhưng đã hết thời hạn.

Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Nguyễn Quang Trung đề nghị quận Cầu Giấy thường xuyên nâng cấp, cải thiện chất lượng kiểm tra, xử lý vi phạm các cơ sở kinh doanh sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm thực phẩm.

Hà Nội: Đề nghị xác minh nguồn gốc, xuất xứ mặt hàng 'lòng se điếu'- Ảnh 2.

Nhà trường lưu mẫu thức ăn đúng theo quy định. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Ngoài ra, quận cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, cơ quan quản lý để đảm bảo hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý.

Tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ phường, quận về công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm; tăng cường trách nhiệm của cán bộ các cấp trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý. Mặt khác, quận đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân về quyền và trách nhiệm khi sử dụng sản phẩm dinh dưỡng; khuyến khích người dân chủ động phát hiện và cung cấp thông tin về các vi phạm để cơ quan chức năng xử lý.

Về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, quận cần có biện pháp đảm bảo an toàn liên tục, chất lượng dinh dưỡng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng; tăng cường quản lý, kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Đáng chú ý, liên quan đến chủ đề "lòng se điếu" đang được người dân quan tâm, ông Nguyễn Quang Trung đề nghị quận Cầu Giấy chủ động xác minh thông tin về cơ sở lòng se điếu trên địa bàn quận; nguồn gốc, xuất xứ của mặt hàng và tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh mặt hàng này.

Thiện Tâm

Top