Quản chặt an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống

25/04/2025 9:50 AM

(Chinhphu.vn) - Chợ truyền thống là nơi cung cấp nguồn thực phẩm thường xuyên cho hầu hết người dân. Tuy nhiên, tại nhiều nơi, cơ sở hạ tầng còn kém, ý thức của tiểu thương chưa cao nên tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm (ATTP), ô nhiễm môi trường. Điều này đòi hỏi cần có biện pháp để quản chặt ATTP tại các chợ truyền thống.

Quản chặt an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống- Ảnh 1.

Người dân chọn mua thịt tại chợ dân sinh. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Còn bộc lộ nhiều bất cập về vệ sinh ATTP

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, Thành phố hiện có 455 chợ. Tại đây, người dân có thể dễ dàng tìm mua đa dạng mặt hàng, từ thực phẩm tươi sống như thịt, cá, hải sản, rau củ, trái cây đến các loại đồ khô, gia vị và thực phẩm chế biến sẵn.

Tuy nhiên, nhiều chợ dân sinh hiện đang đối mặt với tình trạng xuống cấp, không đáp ứng các tiêu chuẩn về ATTP, vệ sinh môi trường... Những hạn chế này không chỉ làm giảm chất lượng thực phẩm mà còn tạo điều kiện cho các tụ điểm chợ cóc phát triển, gây khó khăn trong việc kiểm soát.

Một thực tế dễ nhận thấy tại các chợ truyền thống hiện nay, đó là tình trạng bày bán sản phẩm không khoa học. Đơn cử, các quán, hàng ăn vặt như bún đậu, xôi, chè... có thể xen lẫn với bất cứ gian hàng bày bán các loại hàng khác như quần áo hay đồ gia dụng.

Chưa kể, do thói quen đã hình thành từ lâu nên hầu hết người bán hàng đều không dùng găng tay nilon khi chế biến đồ ăn cho khách; hầu hết các hàng bán thực phẩm chín trong chợ không bảo đảm yêu cầu có tủ kính, có nắp che...

Tình trạng gia cầm tươi sống được bày bán bên cạnh các gian hàng bán đồ ăn chín, đồ chế biến sẵn vẫn tồn tại, bất chấp các quy định về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chị Nguyễn Thị Ánh (Ngã Tư Sở, Đống Đa) chia sẻ: "Mặc dù quanh nhà có nhiều siêu thị nhưng hằng ngày tôi vẫn có thói quen đi chợ truyền thống. Bởi đi chợ sẽ tiện lợi hơn việc đi gửi xe xong vào siêu thị mua thực phẩm".

Khi được hỏi về vấn đề an toàn thực phẩm, chị Ánh cho biết, chị cũng lo về vấn đề này. Nhiều khi thấy thực phẩm tươi ngon thì mua chứ không rõ nguồn gốc. "Chủ yếu tôi đặt niềm tin vào người bán hàng quen mà thôi", chị Ánh nói.

Quản chặt an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống- Ảnh 2.

Nhiều nơi cơ sở hạ tầng còn kém, ý thức của tiểu thương chưa cao nên tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh ATTP. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Yếu tố nữa khiến người tiêu dùng chọn mua thực phẩm ở chợ dẫu biết rằng mối nguy mất ATTP luôn rình rập là do, thực phẩm được bán ở siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tuy có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bao bì nhãn mác đầy đủ nhưng giá thành cao lại là yếu tố khiến nhiều gia đình, đặc biệt là những hộ có thu nhập thấp không thể tiếp cận.

Là người đi chợ nấu ăn hằng ngày cho gia đình, bà Ngô Thị Mận (Xuân La, Tây Hồ) chia sẻ: "Thực sự, nhiều mặt hàng thực phẩm tại chợ không nhãn mác, thương hiệu nên khi mua tôi chỉ biết tin vào lời giới thiệu nguồn gốc thực phẩm của người bán hàng và thấy mớ rau, miếng thịt còn tươi mới, rẻ hơn so với siêu thị thì tôi mua luôn, không rõ được chất lượng thực sự như thế nào", bà Mận nói.

Điều đáng lo ngại hơn là nhiều người tiêu dùng vẫn còn chủ quan hoặc không có sự lựa chọn khác, buộc phải "chấp nhận rủi ro" trong từng bữa ăn. Trong khi đó, công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại chợ dân sinh còn lỏng lẻo, thiếu hiệu quả. Vấn nạn thực phẩm bẩn không chỉ là câu chuyện an toàn vệ sinh, mà đang dần trở thành một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng.

Cần giám sát chặt chẽ hơn

Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Trần Thị Phương Lan cho biết, tại Hà Nội, 60% nguồn thực phẩm ở chợ cung cấp cho người dân. Thế nhưng, việc kiểm soát chất lượng rau, thịt bày bán ở các chợ cóc, chợ tạm còn hạn chế.

Trong Đề án quản lý ATTP ở chợ, mỗi chợ truyền thống phải xây dựng được trạm xét nghiệm nhanh chất lượng thực phẩm. Đến nay, hơn 500 chợ trên địa bàn Thành phố mới có 22 trạm xét nghiệm nhanh, tỷ lệ rất thấp nên dẫn đến việc kiểm soát chất lượng thực phẩm còn hạn chế.

"Qua thực tế kiểm tra cho thấy, các mặt hàng trái cây nhập khẩu về Việt Nam rất nhiều, thuốc bảo quản từ nguồn nhập khẩu cũng rất lớn. Điều này tác động lớn đến vấn đề ATTP và sức khỏe của người dân. Do đó, chúng ta cần đẩy mạnh tăng cường quản lý các cửa hàng trái cây", Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nêu giải pháp.

Quản chặt an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống- Ảnh 3.

Nhiều người vẫn chọn đi chợ truyền thống bởi tiện đường và rẻ hơn so với siêu thị. Ảnh: VGP/DA

Lãnh đạo TP. Hà Nội cho biết, đến hết năm 2025, dự kiến sẽ hoàn thành xây thêm 2 chợ mới trên địa bàn các quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm, đồng thời hoàn thành cải tạo thêm 10 chợ khác. Song song với việc nâng cấp hạ tầng, TP. Hà Nội đã giải tỏa 176/213 tụ điểm kinh doanh tự phát và tiếp tục xử lý 37 tụ điểm còn lại trong thời gian tới.

Đặc biệt, một trong những bước tiến quan trọng là Hà Nội đặt ra chỉ tiêu cụ thể trong năm 2025: 100% các chợ được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng, ATTP và cơ bản đáp ứng quy định về ATTP. TP. Hà Nội phấn đấu 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ đáp ứng yêu cầu tại Đề án và được cấp biển nhận diện cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Thành phố cũng thiết lập đường dây nóng và công khai thông tin các cơ sở vi phạm; nghiên cứu xây dựng, lắp đặt nhà trạm xét nghiệm nhanh thực phẩm tại chợ và tổ chức vận hành.

Mặt khác, TP. Hà Nội tổ chức thanh kiểm tra, hậu kiểm việc chấp hành quy định về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ theo phân công, phân cấp; xử lý nghiêm vi phạm theo quy định…

Có thể thấy, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống hiện nay luôn là vấn đề cấp thiết. Ngoài việc tuyên truyền, hướng dẫn cho các tiểu thương về an toàn thực phẩm thì việc phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, đầu tư cải tạo chợ…vẫn rất cần thiết. Để công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ đạt hiệu quả cao, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, tiểu thương và người tiêu dùng.

Diệu Anh

Top